Đồng
bào các dân tộc Tây Bắc thường hay nói: “Người Xá (Khơ Mú) ăn theo lửa,
người Thái ăn theo nước, người Mông ăn theo mây mù...” để chỉ về địa lí
phân bố tự nhiên của các dân tộc. Sau một thời gian nhường vùng đất cũ
cho công trình thủy điện Sơn La, chuyển về tái định cư ở những bản ven
sông thuộc các xã Tủa Thàng, Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, bà
con nơi đây đang ngày một giàu lên từ nguồn lợi mà dòng sông Đà mang
lại. Không những thế, đầu tháng 12 năm ngoái, phiên chợ đầu tiên của chợ
phiên cụm xã Huổi Só, ven sông thuộc điểm bản tái định cư Huổi Lóng bắt
đầu đi vào hoạt động, tạo thêm nhiều cơ hội giao thương cho các điểm
bản ven sông trong vùng.
 |
Một góc bến cá Huổi Lóng. |
Cơ hội từ lòng vó Tảng
sáng, trời đất như còn ngái ngủ, chúng tôi - những vị khách phương xa
vượt hơn 600 cây số về thăm Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng. Cái lạnh men mén
đầu xuân lùa vào màn khiến mọi người chỉ muốn cuộn mình trong chăn đánh
thêm một giấc đã đời, bù lại một ngày đi đường mệt oải. Lại chợt nhớ lời
Trưởng bản Quàng Văn Tấn dặn dò: “Muốn xem chợ cá thì phải dậy sớm. Bà
con đổ về bến sông họp chợ từ khi sương còn nhọ mặt người đấy”. Vậy là
chúng tôi vội vàng đi, mặc cho gió sông Đà thốc lên lạnh buốt.
Hình
như chúng tôi là những người có mặt sau cùng của phiên chợ. Bà con các
dân tộc Thái, Dao, Khơ Mú đã nô nức cho thuyền cập bến. Cảm giác đầu
tiên của tôi là bến cá nơi đây đã bắt đầu mang dáng dấp một “thương
cảng” sầm uất. Loang loáng trước mắt tôi là cá với đủ loại thuộc danh
mục những loài cá sinh sống trên sông Đà. Những con cá chép môi đỏ, vảy
xanh biếc; đám cá măng thuôn dài ánh ướt; còn loại cá râu cuộn vểnh hùng
dũng chính thị cá lăng. Dưới lòng thuyền là cá nhỏ, cá tạp như chày,
mương... Còn cá to thì được “ưu tiên” hơn là đựng vào sọt, nồi quân dụng
có trang bị những ống khí “sục” ôxi để cá sống được lâu. Những sọt cá
đầy nặng như thế được nâng bổng trên vai ngư phủ bằng những đòn xóc tre
dẻo dai và chuyển lên bờ trong không khí bán mua tấp nập. Khi đã chuyển
hết cá, những chiếc thuyền buộc neo, thảnh thơi bập bềnh theo sóng nước.
Chủ nhân của chúng lần lượt trở về bản nghỉ ngơi bên bếp lửa.
Chừng
nửa tiếng sau, lại có thêm xuồng cập bến. Nụ cười rạng rỡ của những ngư
dân trên thuyền báo hiệu sự “thắng đậm” của bạn chài qua một đêm dầm
mình trong buốt giá giăng vó đánh bắt cá sông. Liềm Văn Chải, một chủ
xuồng vừa cập bến, bước vào căn chòi cất trên bè tre của anh trai Liềm
Văn Hưng, uống cạn cốc nước chè nóng đặc sánh rồi hồ hởi kể về những mẻ
lưới đêm qua. Hóa ra, phương thức đánh bắt của những ngư dân nơi cuối
trời Tây Bắc này đơn giản hơn người ta tưởng rất nhiều. Ba hộ chung nhau
đầu tư một chiếc vó, mà người dân nơi đây gọi là vó tời, ước tính có
giá gần 10 triệu đồng. Vó có khung, gọng bằng tre, với diện tích
400-500m2, dìm sâu 9-10m dưới mặt nước, một bộ tời quay tay, bình ắc
quy, bóng điện. Khi bóng tối buông dày trên mặt nước, bóng điện sẽ được
thắp sáng lung linh giữa vó.
Nguồn
sáng ấy có sức hấp dẫn các loại cá lại gần, đồng thời hấp dẫn cả các
loại côn trùng tụ đến rồi rơi xuống nước trở thành mồi tự nhiên cho cá.
Khi áng khoảng vó đã khẳm, người ta hò nhau quay tời cất vó lên khỏi mặt
sông. Mỗi đêm như vậy, trung bình mỗi vó đánh bắt được vài chục
ki-lô-gam cá. Có đêm trúng đậm, thu được cả tạ cá.
Lò
Văn Yêu, một chủ thuyền chuyên chở khách qua sông ở Huổi Trẳng nhận lời
đưa chúng tôi đi thăm những vó bè của bà con dân bản. Đây là phương
tiện chủ công để người dân Huổi Trẳng khai thác nguồn lợi thủy sản sông
Đà. Kinh tế nhiều hộ đã trở nên khá giả nhờ chiếc vó này. Chiếc thuyền
sắt chở chúng tôi là khoản đầu tư đang sinh lãi của Yêu, cũng như một
vài gia đình khác làm nghề này. Với mỗi lượt khách sang sông, anh Yêu
thu 50 ngàn đồng. Mỗi tháng, con thuyền này cũng mang lại cho gia đình
anh khoảng 3 triệu đồng. Lại thêm khoản thu từ vó bè hàng đêm nữa thì
anh thực sự đang dần ổn định cuộc sống mới và giàu lên trên sóng nước
sông Đà.
Thuyền chạy tới gần núi
Pú Sung như đi giữa mênh mang yên ả một màu lục thủy. Trước đây, vùng
đất này là những ghềnh xoáy dữ dội của con sông Đà khi đổ nước về xuôi.
Từ ngày hồ thủy điện Sơn La tích nước, đoạn sông này trở nên thơ mộng và
khoáng đạt như một “vịnh Hạ Long” trên núi vậy. Lò Văn Yêu chỉ tay vào
vòng xoáy trước mui thuyền, bảo, dưới chân các anh chị là bản Pắc Na của
chúng tôi ngày xưa đấy. Nhìn dòng nước thẳm sâu, tôi chợt nhớ đến câu
chuyện già bản Lò Văn Sắt đã kể về cuộc chuyển cư của hơn 200 nóc nhà
dân bản Pắc Na. Về Huổi Trẳng, già cho rằng, mình may mắn vì chỉ phải di
vén lên cao, vẫn được ở gần quê hương, bản quán và vẫn được sống cuộc
sống sông nước bên sông Đà.
Sức bật trên đất mới
Đón
chúng tôi trở về từ lòng hồ là chén rượu được hâm nóng, cùng đĩa tôm
sông đỏ au trên vó bè của anh Phàm A Hy ở bản Thôn 1, xã Huổi Só. Qua
lời anh kể, trước đây, khi nước sông Đà chưa dâng, đoạn sông này chỉ là
một dòng suối nhỏ, cung cấp nước sinh hoạt, tưới tiêu cho cả bản Pa
Phông. Nhưng bây giờ thì khác nhiều rồi, từ khi nước ngập, tôm cá theo
dòng về nhiều. Gia đình anh cùng 6 hộ trong bản Thôn 1 đã đầu tư chung
để làm vó bè, mua lưới đánh bắt cá.
Đỉnh điểm, có
những đêm vó bè của anh thu về hơn 1 tạ cá, tôm các loại. Sau khi bán,
trừ chi phí thì mỗi hộ cũng có 600 ngàn đồng, hôm nào ít, mỗi đêm cũng
kiếm được khoảng 200 ngàn đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô.
Khai thác lợi thế bản ven sông, người dân ở thôn anh còn đóng xuồng phục
vụ công việc thả lưới, vận chuyển hàng hóa. Hai thôn 1 và 2 ước tính
phải có đến 70 xuồng sắt và gần 100 xuồng tay (bằng gỗ).
Niềm vui đưa cá về bến của ngư dân Huổi Trẳng.
Tận
mắt chứng kiến việc mưu sinh thuận lợi trên đất mới của bà con Tủa
Thàng, Huổi Só, mới thấy điều ông Lý Thanh Dôn, Chủ tịch UBND xã Huổi
Só, chia sẻ thật đúng. Những chòm bản nằm dọc sông đã có được nhiều lợi
thế từ khi sông Đà tích nước. Nguồn thủy sản dồi dào, vấn đề giao thương
hàng hóa của người dân trong hai xã cũng dễ dàng hơn, đã tạo cho người
dân cơ hội đổi đời sau khi tái định cư. Anh Hy phấn khởi: “Phải rời bỏ
bản cũ cũng nhiều phân vân, đắn đo lắm. Nhưng khi lên đây mới thấy
mình... may mắn! Chúng tôi được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư điện,
đường, xây dựng thủy lợi, hỗ trợ tiền đền bù di chuyển, tái định cư...
lại có thêm nguồn sống từ dòng sông”. Có lẽ, để bù lại cho những hy sinh
của người dân, dòng nước thâm giao bao đời với bà con ấy đã tạo ra
nhiều tiềm năng để bà con khai thác, phát triển kinh tế.
Từ
chòi vó của anh Hy, chúng tôi nhìn lên có thể thấy được toàn cảnh những
chòm bản gần đó. Những ngôi nhà sàn khang trang, mái lợp prôximăng hoặc
tôn mạ màu đều tăm tắp như bàn cờ của hàng trăm hộ quần cư trên triền
núi bình yên nhìn xuống dòng sông mênh mang xanh. Nhà nào cũng có bể
nước sinh hoạt, vườn rau và chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm nằm xa nhà
chính... Bên cạnh đó là những vạt ruộng lúa chiêm với giống lúa Nghi
hương, cho năng suất 84tạ/ha giúp cho bà con không còn hộ nào thiếu gạo.
Trên địa bàn đã xuất hiện nhiều ông chủ nhỏ với thu nhập hàng trăm
triệu đồng mỗi năm nhờ vào những hoạt động kinh doanh, đánh bắt thủy sản
trên sông Đà.
Tôi giở bản đồ đất
nước tìm theo dòng chảy sông Đà. Trên bản đồ, dòng sông huyền thoại ấy
nhỏ như một vết mèo cào, nhưng mang trong lòng nó biết bao kho báu. Với
người dân ở Huổi Só, Tủa Thàng, kho báu ấy không phải là vàng sa khoáng
hay những kim loại quý mà chính là những loại cá tươi ngon đang ràn rạt
bơi theo dòng nước. Trong tương lai gần, việc khai thác thủy sản sẽ là
một trong những lời giải khả quan nhất cho bài toán thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các thôn, bản ven sông Đà. Song
việc khai thác nguồn lợi vô giá này cần phải có quy hoạch, định hướng
cụ thể, khoa học của các cấp, ngành chức năng.
Người
dân các bản ven sông cũng đã bắt đầu nghĩ đến điều đó một cách nghiêm
túc. Bởi họ đã nói với chúng tôi bên bến cá Huổi Lóng rằng: “Chúng tôi
mong muốn việc khai thác thủy sản sẽ được tổ chức, phân bổ hợp lý để
tránh tranh giành địa bàn hoặc thả vó lộn xộn ảnh hưởng đến giao thông
đường thủy. Và một việc nữa, rất mong có được sự đầu tư, hướng dẫn kỹ
thuật nuôi cá lồng trên sông Đà để bảo vệ nguồn lợi bền vững thì người
dân chúng tôi hoan nghênh lắm lắm!”.
Theo: Báo Biên Phòng