Ngày 13/3, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển
công nghiệp Hà Nội (Sở Công Thương Hà Nội) tổ chức “Hội nghị triển khai
kế hoạch khuyến công thành phố năm 2013”. Hội nghị với mục tiêu nâng cao
chất lượng hoạt động khuyến công góp phần thúc đẩy phát triển công
nghiệp nông thôn.
Phát
biểu tại hội nghị, bà Đào Thu Vịnh- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội-
cho rằng: Hoạt động khuyến công Hà Nội đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ
cơ cấu lao động ngoại thành, nhiều xã, làng từ chỗ thuần nông trở thành
xã, làng có nghề, đưa kinh tế hộ gia đình phát triển, thu nhập người dân
ngày một tăng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho khu vực nông thôn.
Sản
phẩm của khu vực công nghiệp nông thôn (CNNT) Hà Nội ngày càng được đa
dạng về mẫu mã, năng suất lao động và chất lượng sản phẩm ngày một tăng,
nhiều DN, cơ sở CNNT từ chỗ sản xuất nhỏ lẻ, gia công là chủ yếu chuyển
sang mở rộng thị trường, xuất khẩu sản phẩm, đã trở thành các DN có quy
mô lớn với trang thiết bị, nhà xưởng khang trang, từng bước hiện đại.
Đồng thời tạo ra sự liên kết chặt chẽ hơn cho các DN, cơ sở sản xuất
CNNT cùng ngành nghề có cơ hội hợp tác lẫn nhau, giải quyết được bài
toán cạnh tranh không lành mạnh giưa các DN.
Báo
cáo tại hội nghị, ông Hoàng Xuân Thủy- Giám đốc Trung tâm Khuyến công
và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội- cho biết: Trong năm 2012, với
tổng kinh phí khuyến công là hơn 17 tỷ đồng, trung tâm đã triển khai
nhiều hoạt động hỗ trợ có hiệu quả cho DN, cơ sở sản xuất CNNT, đặc biệt
là ngành thủ công mỹ nghệ quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị
trường tiêu thụ. Cụ thể, tổ chức 2 hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ với quy
mô gần 932 gian hàng của gần 500 DN Hà Nội và 18 tỉnh, thành trong cả
nước tham gia (trong đó khuyến công quốc gia hỗ trợ 182 gian hàng).
Trung
tâm hỗ trợ 158 lượt DN, cơ sở CNNT tham gia các hội chợ triển lãm
chuyên ngành CNNT và thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước. Kết thúc hội
chợ 80% DN tìm kiếm được khách hàng mới, 60% DN ký hợp đồng tại hội chợ.
Giá trị xuất khẩu trung bình của các DN đạt được thông qua các hợp đồng
đã ký tại hội chợ khoảng 15-20 triệu USD.
Theo
bà Hà Thị Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng Hà Nội, trên
thực tế, hoạt động khuyến công đã hỗ trợ hiệp hội bằng cách tạo điều
kiện hỗ trợ các thành viên trong hiệp hội được tham gia thụ hưởng các
chương trình khuyến công như: mở lớp truyền nghề, cấy nghề cho các cơ sở
sản gốm, sứ…Góp phần giúp các DN nâng cao hiệu quả kinh tế và thân
thiện với môi trường trong sản xuất.
Cũng
theo bà Đào Thu Vịnh, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp (CN- TTCN) ở khu vực nông thôn, tăng cường công tác hỗ trợ phát
triển sản phẩm mới, nhất là sản phẩm thủ công công mỹ nghệ xuất khẩu;
quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm của các DN, cơ sở sản xuất
CNNT, góp phần vào sự tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và kim
ngạch xuất khẩu chung toàn thành phố năm 2013. Cụ thể giá trị sản xuất
CNNT đóng góp từ 22-25% tổng giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch
xuất khẩu chung của Hà Nội năm 2013.
Thông
qua chương trình khuyến công tạo thêm khoảng 8.000 việc làm cho lao
động khu vực nông thôn, trong đó, khoảng 40% từ chương trình cấy nghề,
còn lại từ các chương trình hỗ trợ tham gia hội chợ trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất…
Đánh
giá về hoạt động khuyến công Hà Nội, ông Phan Văn Bản- Cục phó Cục Công
nghiệp địa phương (Bộ Công Thương)- cho rằng: 7 năm qua, hoạt động
khuyến công Hà Nội đã mang lại hiệu quả, đóng góp lớn vào phát triển
CNNT, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Hy vọng rằng, hoạt
động khuyến công của Hà Nội ngày càng được nâng cao, không những phát
triển về chiều rộng mà còn phải phải triển cả về chiều sâu.
Theo: Công Thương