Việc sửa đổi các luật thuế
đối với doanh nghiệp (DN) cần được phân tích, tính toán toàn diện cả ở
khía cạnh thu ngân sách và tích lũy của DN, nhằm tạo lập môi trường đầu
tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và cạnh tranh DN
khi nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới.
1.
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là những công cụ chủ yếu của
Nhà nước trong nền kinh tế thị trường; chính sách thuế là bộ phận quan
trọng của chính sách tài khóa. Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách
nhà nước, đồng thời là công cụ điều tiết vĩ mô thị trường và hoạt động
của DN.
Hơn 25
năm phát triển theo kinh tế thị trường, nước ta đã có trên 650.000 DN,
phần lớn thuộc loại nhỏ và vừa. DN nước ta đang đối mặt với những thách
thức nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong đó, đã có
hàng vạn DN bị phá sản, ngừng hoạt động.
Trong
những năm gần đây, một số DN đã xây dựng chiến lược kinh doanh, chú
trọng đầu tư đổi mới công nghệ, hình thành đội ngũ lao động có kỹ năng,
mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Chẳng hạn, Tập đoàn Viễn thông
Quân đội (Viettel) không những tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam, mà còn
đầu tư ra nhiều nước. Cà phê Trung Nguyên đã hình thành một mạng lưới
rộng khắp trong nước, đang hướng ra một số thị trường lớn trên thế giới…
Đó là những tín hiệu đáng mừng.
Tuy
vậy, so với nhiều nước trong khu vực, thì số lượng DN Việt Nam còn ít,
hơn 1/4 thế kỷ đổi mới và hội nhập, mà chưa có những thương hiệu tầm cỡ
thế giới. Trong khi đó, các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, như
Mitsubishi, Honda, Toyota, Toshiba, đều khởi đầu là DN nhỏ từ đống tro
tàn sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Với chiến lược kinh doanh đúng
đắn, được Nhà nước bảo trợ, nên chỉ trong hai thập niên, các DN này đã
trở thành những tập đoàn hàng đầu thế giới. Tương tự, đầu thập niên 60
của thế kỷ trước, Hàn Quốc có xuất phát điểm tương đương Việt Nam, nhưng
cuối những năm 80, Samsung, Hyundai, LG, Posco đã có chỗ đứng trong đội
ngũ các DN mạnh nhất thế giới.
Từ
kinh nghiệm của những nước đi trước, để nước ta đạt được mục tiêu về cơ
bản là nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020, phải phấn
đấu tăng nhanh về số lượng DN, quan trọng hơn là phần lớn DN nhỏ và vừa
cần đạt đến quy mô theo tiêu chí quốc tế, nhiều tập đoàn kinh tế thuộc
loại mạnh trong khu vực, trong đó một số nằm trong tốp 500 công ty xuyên
quốc gia hàng đầu thế giới.
Do
đó, cần xây dựng hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô dựa trên căn bản lợi
ích dân tộc trong cuộc ganh đua với các dân tộc trên thế giới để tạo sự
đồng thuận và hài hòa giữa Nhà nước với DN. Nhà nước có định hướng và
hệ thống giải pháp nhanh chóng hoàn thiện thể chế như chính sách tài
chính và chính sách tiền tệ, đầu tư và tăng trưởng, tạo môi trường đầu
tư và kinh doanh thuận lợi nhất; DN xây dựng chiến lược kinh doanh, chú
trọng đầu tư công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng để hình thành
đội ngũ DN dân tộc đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị
trường thế giới.
2. Chính sách kinh tế vĩ mô cần được xem xét dưới hai khía cạnh:
(1) Giải pháp tình thế để xử lý những vấn đề như lạm phát cao, sản xuất đình trệ, lãi suất tiết kiệm và tiền vay, nợ xấu;
(2) Giải pháp cơ bản để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của từng chiến lược phát triển, kế hoạch 5 năm.
Không
dễ kết hợp hài hòa các giải pháp tình thế với giải pháp cơ bản, nhưng
đó là đòi hỏi của chính sách kinh tế vĩ mô của quốc gia để khi xử lý
những vấn đề của từng thời điểm sẽ tạo tiền đề để thực hiện các định
hướng dài hạn của đất nước. Trong chính sách kinh tế vĩ mô, thì chính
sách tài khóa và chính sách tiền tệ có quan hệ hữu cơ với nhau, kích
thích hoặc kìm hãm sản xuất, kinh doanh của DN.
Để
giảm bớt khó khăn cho DN, Chính phủ đã chủ trương giảm, miễn, hoãn
thuế, hỗ trợ tín dụng, tăng chi tiêu công, kích cầu đầu tư và tiêu dùng,
điều hành kinh tế vĩ mô đồng bộ, linh hoạt tạo ra tác động ban đầu,
nhưng rất quan trọng theo xu thế tích cực đối với hoạt động đầu tư và
kinh doanh.
Tuy
vậy, các chính sách đang áp dụng chưa đủ cường độ cần thiết để giải
quyết các vấn đề tình thế vì giá trị các gói hỗ trợ khoảng 36.000 tỷ
đồng (nếu thực hiện đầy đủ) khó vực dậy hàng vạn DN đang “thở ôxy”, làm
tan băng thị trường bất động sản, bảo đảm ổn định giá cả, thị trường.
Khá nhiều chính sách chưa được nghiên cứu thận trọng, thiếu nhất quán đã
được ban hành, hay thay đổi, như việc điều chỉnh tăng giá điện, giá
xăng dầu, phí khám chữa bệnh, kinh doanh vàng miếng, thu phí phương tiện
giao thông…, làm tăng chi phí của DN, gây phản ứng tiêu cực đối với
việc giải quyết các vấn đề thời sự.
Với
những thông tin hiện có, thì rất khó đưa ra dự báo xu thế chủ đạo của
kinh tế Việt Nam năm 2013. Do vậy, Nhà nước cần theo dõi động thái thị
trường, lắng nghe kiến nghị của các DN thông qua hiệp hội ngành hàng,
thống kê đầy đủ và chính xác thực trạng hoạt động của DN từng ngành
hàng, lĩnh vực, loại hình để loại bỏ những chính sách lỗi thời, sửa đổi,
bổ sung chính sách, giải pháp hiện có nhằm đáp ứng đòi hỏi của tình
hình mới, để trong những tháng còn lại của nửa đầu năm tạo ra sự chuyển
biến tích cực đối với đầu tư và kinh doanh, thoát ra khỏi trạng thái suy
giảm tốc độ tăng trưởng, tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao
hơn và bền vững hơn trong trong 6 tháng cuối năm và những năm tiếp
theo.
3. Năm
2013, Quốc hội sẽ sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN và Luật Thuế giá trị gia
tăng (VAT). Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến đại diện
DN, chuyên gia kinh tế; những nội dung sửa đổi, bổ sung đã được công
khai trong các cuộc hội thảo.
Việc
sửa đổi hai luật thuế đó có quan hệ với đầu tư và kinh doanh của DN, do
vậy cần hướng đến mục tiêu kép: tạo nguồn thu ngày càng tăng cho ngân
sách nhà nước, đồng thời tạo tích lũy vốn cho DN để đầu tư đổi mới công
nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng quy mô sản xuất, dịch vụ. Do vậy,
cần chú ý đặc điểm ngành, lĩnh vực, quy mô theo định hướng tái cấu trúc
kinh tế để hiện đại hóa và đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao hơn.
Theo
quan điểm chỉ đạo đó, Bộ Tài chính cần đánh giá tổng thể việc phân phối
lợi ích giữa Nhà nước và DN thông qua tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà
nước và thực trạng tích lũy ban đầu của DN, từ đó thiết kế hệ thống thuế
tương đối ổn định và minh bạch để DN có thể hoạch định được chiến lược
phát triển với các mục tiêu dài hạn.
Khi
chưa có quan điểm chỉ đạo nhất quán, thì việc sửa đổi một vài luật thuế
sẽ không bảo đảm tính hệ thống, cũng khó tạo được sự đồng thuận của DN.
Ví
dụ, theo Dự thảo Báo cáo của Bộ Tài chính tháng 12/2012, thì thuế thu
nhập DN sẽ giảm từ 25% xuống 23% và 20% (đối với DN nhỏ và vừa). Nếu
giảm xuống 23%, với dự kiến thu từ thuế này năm 2014 là 150.800 tỷ đồng,
giảm thu ngân sách 12.064 tỷ đồng - khoản tiền không đáng kể đối với
khoảng 750.000 DN vào lúc đó. Nhiều đại diện DN và chuyên gia kinh tế
kiến nghị áp dụng mức thuế thu nhập DN 20%, tuy giảm thu ngân sách
khoảng 30.000 tỷ đồng, nhưng tạo lực hấp dẫn đối với đầu tư trong nước
và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy vậy, kiến nghị này xem ra không được
sự đồng tình của Bộ Tài chính.
VAT
là thuế gián thu, về bản chất, do người mua đóng thuế, DN thu hộ Nhà
nước, nhưng có quan hệ với sản xuất và kinh doanh của DN. Ví dụ, mỗi lần
điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện là DN và người dân phải trả thêm tiền
cho các sản phẩm đó, làm tăng phí đầu vào, gây ra phản ứng dây chuyền,
tăng giá các sản phẩm khác. Nhà nước không chỉ thu thêm VAT điện và xăng
dầu, mà còn từ các sản phẩm khác, làm chỉ số giá cả tăng, hạn chế tiêu
dùng xã hội.
Cũng
theo Dự thảo Báo cáo của Bộ Tài chính tháng 12/2012, tỷ trọng thu VAT
trong tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 23,9% (6,55% GDP) năm 2009 lên
28,7% năm 2011 (7,11% GDP). Dự thảo sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng
kiến nghị giữ nguyên các mức thuế hiện hành và tiến tới năm 2020, áp
dụng một mức thuế như Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/5/2011
về Chiến lược Thuế.
Việc
chọn phương án nào tùy thuộc vào quan điểm chỉ đạo việc cải cách hệ
thống thuế của nước ta, song cần phải phân tích, tính toán toàn diện
không chỉ là thu ngân sách, mà còn là tích lũy của DN, tạo lập môi
trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và
cạnh tranh DN khi nước ta đã hội nhập sâu rộng với thế giới.
4.
Trong thời gian gần đây, vấn đề đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát
triển (R&D), chuyển từ lợi thế lao động phổ thông, giá nhân công
thấp sang lao động có kỹ năng với thu nhập thỏa đáng, bảo đảm năng suất,
chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường được bàn thảo tại
nhiều diễn đàn. Tái cấu trúc nền kinh tế không thể thành công nếu không
nhanh chóng từ bỏ mô hình tăng trưởng kém hiệu quả, chuyển sang mô hình
tăng trưởng dựa trên công nghệ, nhân lực chất lượng cao, hiệu quả kinh
tế - xã hội ngày càng tăng.
Thành
công của Nhật Bản và Hàn Quốc tạo nên “sự thần kỳ Đông Á” chính là nhờ
vào chính sách thuế hết sức ưu đãi, các khoản trợ giúp của Nhà nước khá
lớn cho DN, khuyến khích ý tưởng mới, sáng kiến mới nhằm khai thác tối
đa nguồn lực trí tuệ của con người.
Theo
số liệu của PGS-TS Lê Quân công bố tại Ngày hội Nhân sự Việt Nam 2011,
qua khảo sát 437 cán bộ quản lý và 335 DN năm 2010, ngân sách đào tạo
của DN chiếm 7,13% quỹ lương, bình quân 389.000 đồng/người. Kết quả này
cho thấy, DN đầu tư chưa tương xứng cho công tác phát triển nguồn nhân
lực. Thực tế, họ thường “săn” người tài từ công ty khác, thay vì tự đào
tạo.
Để khắc
phục cơ bản nhược điểm về công nghệ và nguồn nhân lực, Nhà nước cần có
chính sách khuyến khích DN đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực
thông qua 3 giải pháp chủ yếu:
(1)
Ưu đãi cao về thuế đối với DN nhập khẩu công nghệ hiện đại, biến công
nghệ đó thành công nghệ Việt Nam, thành lập các trung tâm R&D và đưa
các kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Ưu đãi cao về thuế đối
với DN mở các lớp đào tạo, khuyến khích hợp tác giữa DN với tổ chức
giáo dục trong việc đào tạo chuyên gia, công nhân lành nghề;
(2) DN đổi mới công nghệ được quyền trích khấu hao trong thời hạn ngắn nhất;
(3)
Lập quỹ đầu tư bằng vốn nhà nước và huy động nguồn vốn xã hội để trợ
cấp cho DN thành lập các trung tâm R&D, đổi mới công nghệ, tạo lập
vườn ươm công nghệ phục vụ DN nhỏ và vừa.
Thay lời kết
“Lý
thuyết tăng trưởng hiện đại nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khắc phục
‘khoảng trống ý tưởng’ so với ‘khoảng trống vật chất’ trong quá trình
phát triển. DN là một động lực chính tạo ra ý tưởng mới và cơ hội học
hỏi thông qua việc đầu tư có hệ thống, lâu dài và trên quy mô lớn vào
lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Các hoạt động này dẫn đến phát kiến
được đăng ký bản quyền, góp phần cho kho tàng tri thức toàn cầu và là
các nhân tố chính tạo ra cạnh tranh và lợi nhuận” (Indermit Gill và Homi
Kharas: Đông Á phục hưng - Ý tưởng phát triển kinh tế, Chương 3, tr.
153 - 154. Nxb Văn hóa - Thông tin 2007).
Theo: Báo Đầu Tư