KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(86)- Gốm Bình Đức và câu chuyện duy trì làng nghề
(Ngày đăng: 04/11/2024   Lượt xem: 35)

Nghề gốm của người Chăm là di sản quý báu đã có một thời kỳ phát triển rực rỡ ở vùng châu Á. Việc UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp không chỉ tôn vinh giá trị một nghề truyền thống mà còn khẳng định giá trị văn hóa của cộng đồng và đặt ra yêu cầu nỗ lực chung tay bảo tồn, lưu giữ nghệ thuật độc đáo riêng có trước xu thế hội nhập.

img_6776.jpg
Sản phẩm gốm mỹ nghệ tại làng Bình Đức

Độc đáo gốm Chăm

Trong số nhiều giá trị và di sản văn hóa tiêu biểu của người Chăm, nghề truyền thống là một đại diện điển hình. Nghề truyền thống của người Chăm hiện nổi tiếng nhất là nghề dệt và nghề làm gốm. Riêng nghề làm gốm, từ xưa đến nay chỉ có làng Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và Bình Đức (xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) được sáng tạo, bảo tồn, phát huy qua nhiều thế hệ.

Gốm Chăm được làm hoàn toàn bằng thủ công, sử dụng đất sét có độ kết dính khá cao, lấy từ một loại đất ruộng gần bờ sông do phù sa bồi tụ lâu năm mà thành. Đặc biệt, gốm Chăm không sử dụng bàn xoay để chế tác, đây chính là điểm làm nên sự độc đáo khác lạ. Đặc điểm xương gốm dày rắn chắc, khó thấm nước, hoa văn trang trí đơn giản gắn với đời sống thường ngày.
img_6694.jpg

Những nghệ nhân trẻ tuổi biểu diễn làm gốm

Theo ông Nguyễn Ngọc Ẩn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu sưu tầm cổ vật Bình Thuận: Tỉnh Bình Thuận từng là một trong những trung tâm trao đổi gốm quan trọng của người Chăm trong thế kỷ XVII – XVIII, điển hình là gốm Bình Đức. Với phong cách nghệ thuật và kỹ thuật sản xuất độc đáo, gốm Bình Đức còn được phát hiện tại bến Ghê Bầu thuộc tỉnh Đồng Nai. Điều này không chỉ thể hiện sự phát triển của nghề làm gốm mà còn cho thấy Bình Thuận là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa và các dân tộc khác nhau, từ người Chăm, người Kinh, đến người Hoa. Khảo cổ học tại Bình Thuận chỉ ra rằng, việc trao đổi và vận chuyển gốm từ Bình Định qua các cảng biển nhỏ như Phan Rí Cửa và Phan Thiết đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển mạng lưới giao thương của người Chăm. Các sản phẩm gốm Chăm từ Bình Định được vận chuyển đến Bình Thuận và sau đó tiếp tục được phân phối tới các vùng khác trong khu vực, gồm Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Dòng chảy gốm Chăm từ Bình Định đến Bình Thuận không chỉ mang giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Sản phẩm gốm được sử dụng trong đời sống hằng ngày và các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Những họa tiết trang trí trên gốm phản ánh sự pha trộn giữa các nền văn hóa Ấn Độ, Hồi giáo và địa phương, cho thấy sự giao thoa, ảnh hưởng văn hóa giữa các dân tộc.
img_e8027.jpg

Sản phẩm gốm được sử dụng trong đời sống hằng ngày

Thực trạng làng nghề

Nếu trước đây, gốm Chăm chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, có thể phân thành 2 nhóm: đồ đun nấu và đồ đựng, thì hiện nay do thị hiếu người tiêu dùng, một số hộ tiên phong sản xuất các mặt hàng trang trí và hàng lưu niệm phục vụ du lịch. Tuy nhiên, nhìn thực tế từ làng nghề Bình Đức, nghề gốm vẫn được coi là nghề phụ, thường diễn ra vào thời điểm thu hoạch xong mùa vụ hoặc lúc nông nhàn. Cộng với những khó khăn trước sức ép cạnh tranh trên thị trường, điều kiện thực hành nghề và vùng nguyên liệu, vật liệu nung… nên số hộ theo nghề đang giảm dần theo từng năm.
img_6672.jpg

Hội thi làm gốm tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận.

Tại buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo tồn và phát huy làng nghề gốm truyền thống của người Chăm” 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, do Bảo tàng Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận tổ chức nhân dịp Lễ hội Katê năm 2024, các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân thẳng thắn chỉ thêm một số nguyên nhân mai một và tình trạng khẩn cấp, đó là thiếu chính sách, giải pháp đãi ngộ cho các nghệ nhân, tổ chức các hoạt động thúc đẩy tương tác cộng đồng, tương tác các thế hệ liên quan đến di sản. Cũng như thiếu chiến lược, kế hoạch chia sẻ, lan tỏa quảng bá làng nghề.
img_6602.jpg

Những người thợ học làm gốm

Theo thống kê năm 2018 của Phân viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, làng gốm Chăm Bình Đức có 155 nghệ nhân, người hành nghề có uy tín và nắm giữ bí quyết, kỹ năng thực hành nghề gốm; thì đến năm 2020, số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận chỉ còn có 67 hộ/150 nghệ nhân, trong đó 42 hộ/100 nghệ nhân tham gia sản xuất thường xuyên. Đến năm 2021, UBND xã Phan Hiệp báo cáo còn 40 hộ/44 nghệ nhân, chiếm gần 11% số hộ và gần 12% số nhân khẩu người Chăm trong thôn thường xuyên duy trì làng nghề.

Còn nếu phân theo độ tuổi, hiện chỉ có 13 nghệ nhân dưới 40 tuổi (chiếm 8,4%), còn lại từ 40 tuổi trở lên. Thực trạng này cho thấy thế hệ trẻ ngày càng thờ ơ, ít quan tâm đến việc học và thực hành nghề, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nghề gốm sẽ bị mai một, mất đi trong thời gian không xa.
img_6587.jpg

Các nghệ nhân lớn tuổi đang truyền dạy nghề làm gốm cho con cháu

Làm gì để giữ nghề gốm?

Đây là câu hỏi đau đáu của các nhà nghiên cứu văn hóa, chính quyền địa phương, cũng như mong muốn của cộng đồng người Chăm 2 tỉnh nói riêng.

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu đồng quan điểm: Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ thì sự phát triển của nghề gốm và giá trị nghệ thuật của nó không thể ngoại biệt. Vì thế, hãy bằng cách kể chuyện di sản làng nghề qua hình thức số; sáng tạo sản phẩm nhờ công nghệ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm; tham gia triển lãm thương mại và cả kinh doanh online… Bản thân người làm nghề phải thay đổi tư duy, xác định đây sẽ là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình, có như vậy mới tự nâng cao tay nghề, không ngừng sáng tạo, trau chuốt cho từng sản phẩm.
img_6767.jpg

img_6758.1111.jpg

Sản phấm gốm Chăm

Thạc sĩ Đổng Thành Danh (Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm Ninh Thuận) gợi mở: “Cùng với quy hoạch vùng nguyên liệu thì phải quy hoạch được khu đất nung. Bởi nung gốm lộ thiên không còn phù hợp với thực tế do ảnh hưởng môi trường. Đồng thời nên quy hoạch làng nghề thành điểm du lịch văn hóa, đặc biệt là du lịch Homestay như một số làng nghề ở Đông Nam Á đang làm hiện nay”.
img_6650.jpg

Khách tham quan sản phẩm trưng bày

Còn Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bắc Bình cho biết: UBND huyện Bắc Bình rất quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. Từ năm năm 2021, trong kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề gốm, UBND huyện đã nêu rõ các nội dung thực hiện như quy hoạch, mở rộng vùng nguyên liệu; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm; công tác tuyên truyền… Trước đó, huyện cũng tạo điều kiện cho các nghệ nhân đi học nghề gốm mỹ nghệ ở Bình Dương, Ninh Thuận. Giai đoạn năm 2024 – 2025, huyện sẽ triển khai đề án xây dựng sản phẩm OCOP gốm Bình Đức, đây là điều kiện đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền thì bản thân chị em – những người giữ nghề phải nỗ lực nâng cao tay nghề, sử dụng nguyên liệu tiết kiệm và hiệu quả.
img_6629.111.jpg

Tham quan sản phẩm gốm trưng bày 

Góp ý kiến về nội dung này, bà Lư Thái Tuyên – Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh nhìn nhận: Cần có chính sách ưu đãi, trợ cấp thỏa đáng cho các gia đình, nghệ nhân tham gia duy trì hoạt động sản xuất gốm. Chính sách hỗ trợ nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân và Nghệ nhân ưu tú trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Chính sách ưu đãi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, bao tiêu sản phẩm, trưng bày, quảng bá phục vụ bảo tồn, phát triển nghề gốm, vừa phục vụ phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, sớm triển khai việc chọn địa điểm có diện tích và không gian phù hợp tại thôn Bình Đức để đầu tư xây dựng Nhà trưng bày sản phẩm gốm, kết hợp trình diễn nghệ thuật làm gốm, nung gốm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của người Chăm phục vụ khách tham quan. Xây dựng và phát triển các tour, tuyến du lịch đến khám phá, trải nghiệm làng gốm Chăm Bình Đức. Bà Lư Thái Tuyên cho rằng những lớp truyền nghề trực tiếp là rất cần thiết và có thể hỗ trợ, tạo điều kiện để các nghệ nhân ra Bàu Trúc trau dồi học nghề.

Để đưa nghề gốm của người Chăm ra khỏi danh mục “Di sản cần bảo vệ khẩn cấp” và trở thành “Di sản phi vật thể đại diện nhân loại”, đó là nghĩa vụ và trách nhiệm không chỉ của chính quyền, ngành quản lý văn hóa địa phương mà là vấn đề chung của nhân dân 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và đặc biệt là những người thực hành di sản này. Vì thế, rất cần có sự phối hợp, nhất trí, chung tay của tất cả các bên liên quan, quá trình ấy cũng không thể không có sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương. Đồng thời, mong muốn UNESCO, các tổ chức chuyên gia, nhà khoa học quốc tế luôn đồng hành, hỗ trợ để phát huy hiệu quả giá trị của nghệ thuật làm gốm của người Chăm.

Năm 2023, thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với UBND xã Phan Hiệp mở 1 lớp truyền dạy nghề gốm tại địa phương, nhờ vậy nâng số lượng hộ gia đình thường xuyên duy trì nghề gốm truyền thống lên 48 hộ với 63 nghệ nhân.

                             Theo:  baobinhthuan.com.vn
Xem thêm: 

>> Làng gốm cổ duy nhất của người M’nông Rlăm với quy trình sản xuất thủ công và cách nung gốm lộ thiên.

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

43
Đang xem:
74.242.109
Tổng truy cập: