Nghề đan mây tre ở xã Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tồn tại hàng trăm năm, gắn liền với đời sống của người dân nơi đây.
Theo Cổng TTĐT xã Hoằng Thịnh, nghề mây tre đan tại đây có từ cuối thế kỷ 19. Để tạo ra sản phẩm như ý, người thợ phải cẩn thận từ khâu chọn lựa nguyên liệu cho đến kỹ thuật chế tác. Ảnh: Bảo Ân.
Theo đó, công phu nhất là khâu phơi sấy và chẻ mây. Sấy nhiều khói sẽ làm sợi mây bị đỏ, trong khi ít khói quá cũng dẫn đến tình trạng tương tự; khi phơi mà gặp mưa thì sợi mây sẽ mất vẻ đẹp, còn nếu nắng quá thì sợi sẽ không còn tươi sáng. Ảnh: Bảo Ân.
Nếu sợi mây chưa khô tới, nước da sẽ bị úa, còn nếu khô thì sẽ mất vẻ óng mềm. Chẻ mây cũng cần tay nghề cao và sự khéo léo, nếu không sẽ dễ bị sợi dày, sợi mỏng, khiến sản phẩm không đạt yêu cầu. Ảnh: Bảo Ân.
Theo báo Thanh Hóa, trong số 1.500 hộ dân ở xã Hoằng Thịnh, có tới 80% số hộ tham gia sản xuất các mặt hàng mây tre đan. Những khâu cần sự khéo léo, tỉ mỉ thường do chị em phụ nữ đảm nhiệm, trong khi các khâu xử lý nguyên liệu cần sức lực chủ yếu do nam giới thực hiện. Ảnh: Bảo Ân.
Sau khi hoàn thiện sản phẩm, các hộ dân sẽ mang sản phẩm đến các cơ sở thu mua. Ảnh: Bảo Ân.
Nghề đan mây tre ở Hoằng Thịnh không chỉ là nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Bảo Ân.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại và phát triển, cùng với những biến cố thăng trầm, người dân làng Hoằng Thịnh vẫn giữ lửa nghề. Những sản phẩm mỹ nghệ mây tre đan Hoằng Thịnh dần ghi dấu ấn trên "bản đồ du lịch", thu hút du khách tìm mua khi đến “xứ Thanh”. Ảnh: Bảo Ân.
Các sản phẩm từ mây tre mang đậm nét dân dã, gần gũi với cuộc sống nông thôn, đồng thời cũng được ưa chuộng tại thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Bảo Ân.