Gốm sứ vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực
(Ngày đăng: 02/03/2013 Lượt xem: 1222)
Đó là chia sẻ của ông Lê Bá Ngọc, Tổng thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam về mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của ngành trong năm 2013.
Ông Ngọc cũng cho biết, năm 2012 là năm ghi dấu những nỗ lực vượt bậc của các DN trong ngành. Với đặc thù là ngành xuất khẩu tới 90% sản phẩm, trong khi tình hình tại các thị trường nhập khẩu chính của ngành không hề khả quan, nhưng năm vừa qua, ngành thủ công mỹ nghệ vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với năm 2011, đạt 1,6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.Gốm sứ và mây, tre, cói, thảm là hai nhóm hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ trong năm qua. Theo đó, mặt hàng gốm sứ giữ vị trí số 1 khi đạt 431 triệu USD kim ngạch, tăng 12% so với cùng kỳ. Mặt hàng mây, tre, cói, thảm đứng ở vị trí thứ 2 với 211 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, tăng 10,5% so với cùng kỳ.Nhật Bản vẫn là thị trường nhập khẩu sản phẩm gốm sứ lớn nhất của Việt Nam khi chiếm trên 16% tỷ trọng, đạt khoảng 65 triệu USD. Đài Loan là thị trường lớn thứ 2 với 13% tỷ trọng, đạt khoảng 51 triệu USD. Tiếp đến là một số thị trường như: Mỹ, Malaysia, Đức, Thái Lan, Hàn Quốc…Theo ông Lê Bá Ngọc, không chỉ năm 2012 mặt hàng gốm sứ mới là điểm nhấn về kim ngạch xuất khẩu của ngành mà đây là truyền thống, là thế mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam khi gốm sứ luôn chiếm khoảng 40% tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của cả nước. Và “đây sẽ tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam trong năm 2013”, ông Lê Bá Ngọc khẳng định. Trong nhóm hàng gốm sứ xuất khẩu thì hàng gốm mỏng và gốm trang trí sân vườn của Việt Nam được các thị trường lớn như: Đài Loan, Mỹ, EU, Thụy Điển, Nga và đặc biệt là thị trường Nhật Bản ưa chuộng.Bà Hà Thị Vinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Với đặc thù mỏng, nhẹ, kích thước nhỏ gọn, gốm mỏng luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà nhập khẩu, nhất là các nhà nhập khẩu đến từ Nhật Bản. Bản thân Quang Vinh không thiếu đơn hàng gốm mỏng. Ngay từ thời điểm cuối quý III của năm 2012, Quang Vinh đã nhận được các đơn đặt hàng cho hết quý II/2013. Mặc dù số lượng của mỗi đơn hàng không lớn nhưng trong bối cảnh chồng chất khó khăn từ phía các thị trường nhập khẩu thì đây thực sự là điều rất đáng mừng.Tuy nhiên, Bà Vinh cũng khá lo lắng bởi cho dù ở thời điểm hiện tại dòng gốm mỏng đang chiếm ưu thế nhưng áp lực về mẫu mã, về giá cả… cũng đang là trở ngại lớn không chỉ cho Quang Vinh mà còn là khó khăn chung của các DN ngành gốm.Giải thích rõ hơn về điều này, ông Lê Bá Ngọc cho biết, do mặt hàng gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam thuộc dòng sản phẩm trang trí, mà đã là sản phẩm trang trí thì vòng đời rất ngắn, nên đòi hỏi phải thường xuyên thay đổi mẫu mã. Trong khi đó, năng lực thiết kế mẫu mã của chúng ta còn rất hạn chế. Ngoài ra, tuy sản phẩm gốm sứ xuất khẩu của Việt Nam độc đáo, mang tính nghệ thuật cao nhưng thường là đơn chiếc, lại sản xuất thủ công nên khả năng đáp ứng được đơn hàng lớn là rất khó.Để khắc phục được những nhược điểm này, theo ông Ngọc, nhất thiết các DN trong ngành phải đầu tư thích đáng cho công nghệ sản xuất, cho khâu thiết kế, hạn chế dần sự phụ thuộc vào mẫu mã của nhà nhập khẩu. Đặc biệt, các DN cần phải nghiên cứu thị trường, cập nhật những quy định, tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, nắm bắt xu hướng tiêu dùng… Có như thế mới tạo được tính “thời sự” cũng như nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm gốm sứ xuất khẩu Việt Nam./.Nguồn: VEN