KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(66)- Đồng Tháp phát triển toàn diện khu vực biên giới: Khởi sắc vùng biên
(Ngày đăng: 07/09/2024   Lượt xem: 58)

Kế thừa, phát huy thành quả đạt được từ Kết luận số 27-KL/TU ngày 20-10-2016 về định hướng phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2016-2020, năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp khóa XI tiếp tục ban hành Kết luận số 245-KL/TU với mục tiêu trong 5 năm, KT-XH khu vực biên giới sẽ phát triển theo hướng bền vững.

Từ những chiến lược được hoạch định cụ thể, sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, vùng biên giới Đồng Tháp hôm nay đã “choàng lên một chiếc áo” với đủ sắc màu rực rỡ.

Từ chủ trương đúng đắn

Tỉnh Đồng Tháp có đường biên giới dài 50km, tiếp giáp tỉnh Prey Veng (Campuchia) với 7 cặp cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế và 5 cửa khẩu phụ. Với quan điểm xây dựng và phát triển KT-XH khu vực biên giới trở thành vùng động lực phát triển mới, tỉnh Đồng Tháp đã đặt mục tiêu cụ thể.

Theo đó, đến năm 2025, thu ngân sách tăng 10-12%/năm; giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu tăng 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 9-11%/năm; phấn đấu tất cả các xã đạt chuẩn nông thôn mới và thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%; hằng năm, hỗ trợ việc làm cho hơn 6.150 lao động; hoàn thành cơ bản hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế cửa khẩu và các cửa khẩu, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đồng Tháp phát triển toàn diện khu vực biên giới: Khởi sắc vùng biên
Du khách tham quan làng nghề dệt choàng hơn 100 năm tuổi ở xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự). 
Chia sẻ về từng bước đi, cách làm cụ thể, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, điểm nổi bật trong phát triển KT-XH vùng biên giới thời gian qua của Đồng Tháp là định hướng các mục tiêu cụ thể; xác định nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu để phát triển theo thứ tự ưu tiên; đồng thời, xây dựng danh mục nhiệm vụ, dự án cụ thể để triển khai thực hiện.

“Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 25-2-2022 về thực hiện Kết luận số 245-KL/TU. Kế hoạch bao gồm 37 chỉ tiêu chủ yếu, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 5 nhiệm vụ cụ thể, trong đó lồng ghép các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến phát triển của khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp, tạo được sự đồng bộ, nhất quán trong xây dựng và phát triển khu vực biên giới, công tác triển khai, cụ thể hóa được thực hiện đồng bộ; bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương”, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

Đến một vùng biên khởi sắc

Ngay khi Kế hoạch số 60/KH-UBND được ban hành, công tác triển khai, cụ thể hóa được thực hiện đồng bộ, bảo đảm linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhờ đó, sau hơn nửa nhiệm kỳ, 6/10 chỉ tiêu của Kết luận số 245-KL/TU có tiến độ thực hiện tốt, cơ bản đạt và vượt mục tiêu hằng năm, gồm: Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; thu nhập bình quân đầu người; lao động được tạo việc làm; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa; xây dựng xã nông thôn mới.

Đồng Tháp phát triển toàn diện khu vực biên giới: Khởi sắc vùng biên
Nông dân vùng biên giới huyện Hồng Ngự phát triển kinh tế nhờ nghề làm khô. 
Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn, Phó giám đốc phụ trách điều hành Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Giai đoạn 2021-2024, khu vực biên giới thu ngân sách ước tăng bình quân 13,19%/năm (kế hoạch tăng 10-12%/năm); giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa biên mậu ước tăng bình quân 28,5%/năm (kế hoạch tăng 8%/năm). Thu nhập bình quân đầu người ở các huyện, thành phố khu vực biên giới giai đoạn 2021-2024 ước tăng bình quân 9,11-11,87%/năm (kế hoạch tăng 9-11%/năm).

Không đơn thuần là những con số thống kê, một trong những điểm dễ nhận thấy về sự phát triển của vùng biên giới Đồng Tháp là cơ sở hạ tầng. Nếu trước đây, nhiều cụm, tuyến dân cư, trong đó có Nam Hang (huyện Hồng Ngự) bị bùn lầy mỗi khi mưa và cô lập hoàn toàn vào mùa nước thì nay, xe ô tô có thể bon bon lưu thông bởi đường đã bê tông hóa. Là người sinh sống lâu năm tại cụm dân cư Nam Hang, ông Phan Văn Thu bộc bạch: “Từ ngày có đường đi, bà con làm gì cũng dễ; đến vụ thu hoạch lúa, máy gặt vào tận ruộng. Cứ ruộng nào thu hoạch xong thì thương lái vào thu mua hết, không còn cảnh kỳ kèo, ép giá vì lý do khó vận chuyển như trước. Bà con rất phấn khởi!”.

Đồng Tháp phát triển toàn diện khu vực biên giới: Khởi sắc vùng biên
Nông dân vùng biên giới huyện Hồng Ngự phát triển kinh tế nhờ nghề làm khô. 
Là địa phương có nhiều di tích văn hóa-lịch sử cấp quốc gia, cấp tỉnh; hàng chục căn nhà cổ có niên đại từ 80 đến hơn 100 năm tuổi với nhiều nét kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo; làng nghề dệt choàng ở xã Long Khánh A có truyền thống hơn 100 năm... huyện Hồng Ngự còn mạnh dạn đầu tư phát triển lĩnh vực du lịch, tạo dấu ấn riêng khi du khách đến tham quan, trải nghiệm không gian du lịch khu vực biên giới. Bà Đặng Thị Yến Trinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hồng Ngự cho biết: “Huyện xác định xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng điểm du lịch, đa dạng hóa sản phẩm và tạo dựng thương hiệu du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu trong phát triển du lịch. Nhìn chung, lĩnh vực du lịch của huyện Hồng Ngự đã có bước phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước cải thiện đời sống nhân dân”.

Tự hào khi quê hương ngày một đổi mới, đồng chí Đỗ Văn Thanh, Phó bí thư Chi bộ ấp Chiến Thắng, xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng, chia sẻ: “Cách đây không lâu, vùng quê này buồn lắm, hơn 19 giờ, ngoài đường đã vắng hoe, còn giờ thì gần 21 giờ, tiếng còi xe, tiếng nói cười vẫn rộn vang. Đèn đường thắp sáng tận các vùng sâu, vùng xa, nhà cửa san sát nhau. Năm 2021, từ sự giới thiệu của cán bộ địa phương về mô hình nuôi dê hướng thịt, bà con mạnh dạn đầu tư chuồng trại mua dê giống về nuôi. Do đây là chương trình khuyến nông quốc gia nên bà con được hỗ trợ 50% tiền mua con giống. Sau hai năm, kết quả mang lại hơn cả mong đợi”. Hiện nay, nhiều người dân ở các cụm, tuyến dân cư đã có sinh kế, không phải đi làm ăn xa”.

Đồng Tháp phát triển toàn diện khu vực biên giới: Khởi sắc vùng biên
 Du khách tham quan làng nghề dệt choàng hơn 100 năm tuổi ở xã Long Khánh A (huyện Hồng Ngự).
Tương tự, dù mới phát triển lên thành phố vào năm 2020 nhưng TP Hồng Ngự đã chứng minh được sức trẻ của mình. Đồng chí Phạm Tấn Đạt, Chủ tịch UBND TP Hồng Ngự cho biết: “Đến nay, thành phố có 2/2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao sớm hơn lộ trình. Trong giai đoạn 2021-2024, TP Hồng Ngự thành lập mới 3 hội quán, 1 hợp tác xã, nâng tổng số lên 6 hội quán và 9 hợp tác xã. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả được triển khai và áp dụng trong sản xuất như: Nuôi lươn theo quy trình tuần hoàn; trồng nấm rơm trong nhà kính; ươm cây giống trong nhà màng; trồng dưa lưới trong nhà kính... góp phần tăng thu nhập cho người nông dân, thay đổi tư duy sản xuất. Từ năm 2021 đến tháng 6-2024, TP Hồng Ngự thành lập mới 146 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp lên 340 doanh nghiệp; kêu gọi được 7 dự án đầu tư”.

Những kết quả khả quan trên đã khẳng định rõ nét hướng đi đúng đắn của Đồng Tháp trong phát triển KT-XH vùng biên giới dựa trên khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có và hứa hẹn sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.

                                           Theo: qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

20
Đang xem:
73.226.742
Tổng truy cập: