Qua đó, hoạt động du lịch trải nghiệm văn hóa không chỉ mang lại giá trị về kinh tế mà còn góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh của Thủ đô.
Hành trình kết nối
Trong những thanh âm phố Hà thành xưa, tiếng “leng keng” của tàu điện làm nên phong vị riêng có của mảnh đất kinh kỳ. Từ khi “Tuyến tàu điện số 6” tại phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) đi vào hoạt động đã làm thay đổi không gian của một ốc đảo vốn yên bình.
Khác với tàu điện bánh sắt chạy trên ray, tàu điện bánh hơi không chạy trên ray mà có thể chạy bất cứ tuyến phố nào nếu có giăng hai đường điện một chiều. Bước vào không gian của “Tuyến tàu điện số 6”, du khách sẽ được trải nghiệm một bảo tàng mini về ẩm thực. Tầng 1 của các toa tàu điện là không gian trưng bày các hiện vật, mô hình, tranh, ảnh, tài liệu… giúp du khách tìm hiểu về nguyên liệu, công thức, dụng cụ, phương pháp chế biến các món ẩm thực, kết hợp với giới thiệu thông tin du lịch và quảng bá các sản phẩm OCOP, làng nghề của phường Trúc Bạch, quận Ba Đình và các địa phương khác. Tầng 2 sẽ là nơi du khách trải nghiệm thực tế các sản phẩm.
Trong thời gian hoạt động thí điểm, mô hình toa xe lưu động đã thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, thưởng thức.
Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy cho biết: “Phát huy thế mạnh của phường là dịch vụ ẩm thực, chúng tôi hướng đến những trải nghiệm chuyên sâu cho du khách khi tìm hiểu về văn hóa ẩm thực Việt Nam. Chúng tôi sẽ xây dựng những tour trải nghiệm cho du khách như đi chợ truyền thống Châu Long, tự mua những sản vật của địa phương, sau đó với sự hướng dẫn của các nghệ nhân, đầu bếp, du khách sẽ tự nấu một mâm cơm với thực đơn theo mùa và trải nghiệm ăn một bữa cơm gia đình của Việt Nam.
Qua thời gian thí điểm, chúng tôi nhận thấy du khách rất hào hứng, thích thú với những trải nghiệm đơn giản, gần gũi với đời sống dân cư bản địa. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2024, Trung tâm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP, làng nghề Đảo Ngọc Ngũ Xã sẽ có 5 toa xe đặt xung quanh hồ Trúc Bạch, sẽ góp phần giúp du khách vừa đi bộ tham quan, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên hồ Trúc Bạch, vừa khám phá văn hóa, lịch sử địa phương và mua sắm các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề”.
Không dừng lại ở những địa điểm riêng biệt, Hà Nội cũng triển khai hệ thống các sản phẩm du lịch đêm kết nối những điểm cầu di sản, di tích. Có thể kể đến như dự án tour xe đạp Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đưa khách tham quan ghé thăm Hoàng thành Thăng Long và thưởng thức ẩm thực tại phố đi bộ Trúc Bạch; hay tour đêm Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tại số 22 Hàng Buồm, đưa người tham gia trải nghiệm không gian văn hóa tại phố đi bộ Hồ Gươm. Điều này khiến du khách trong và ngoài nước khi đến với Hà Nội sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn đa dạng để cảm nhận một Hà Nội “tân cổ giao duyên” với những bài học lịch sử, văn hóa đầy cảm xúc.
Thời gian tới, tại quận Đống Đa, khu vực hồ Hoàng Cầu sẽ được cải tạo thành tuyến phố văn minh thương mại ẩm thực. Các điểm nhấn đặc biệt ở hồ Hoàng Cầu bao gồm: làm thêm bán đảo nhân tạo để khớp nối không gian, đây là nơi đặt sân khấu biểu diễn, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Phố Mai Anh Tuấn làm dãy thương mại ẩm thực. Đồng thời, quận Đống Đa cũng đang xin cơ chế của TP để đưa vào hoạt động phố Nguyễn Văn Tuyết như phố ẩm thực Tống Duy Tân, sẽ có hoạt động xuyên đêm. Kết hợp cùng cải tạo di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa, đưa trình diễn 3Dmapping và hệ thống tour đêm vào đây.
Bước đột phá với kinh tế đêm
Những năm gần đây, mô hình du lịch kết hợp với trải nghiệm văn hóa đêm thực sự thổi những làn gió mới, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của du khách. Mới nhất, thể hiện bước đi đột phá trong việc kết nối liên vùng của các mô hình du lịch văn hóa về đêm là việc quận Hoàn Kiếm ra mắt không gian nghệ thuật công cộng cầu đi bộ Trần Nhật Duật. Cây cầu đi bộ với chủ đề “Nước” giống như một gạch nối về mặt địa lý giữa hai khu vực phố cổ trong đê và khu vực Phúc Tân ngoài đê, trở thành một không gian nghệ thuật công cộng nối dài với không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân và khu phố cổ với địa điểm Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm.
Đặc biệt hơn, cây cầu này đã nối dài không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, khu Phố cổ Hà Nội với địa điểm Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm. Ba địa điểm và không gian nghệ thuật này khi được kết nối với nhau tạo thành một tour nghệ thuật đi bộ hấp dẫn thu hút khách tham quan, kích thích phát triển kinh tế, văn hóa và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân địa phương. Dự án này cũng giúp thúc đẩy thói quen đi bộ khám phá các di sản văn hóa nghệ thuật trong đô thị, một thói quen cũng dần phát triển trở lại trong những năm gần đây.
Quận Ba Đình có bề dày lịch sử gắn với Thăng Long - Hà Nội, nay còn để lại những dấu ấn của khu vực 13 Làng Trại từ thời Lý với mật độ đậm đặc các di tích; nhiều địa điểm hấp dẫn như: Hoàng thành Thăng Long, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch, Cột cờ Hà Nội, chùa Một Cột và hai tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa là đền Quán Thánh, đền Voi Phục; bên cạnh đó là khu phố Pháp với các kiến trúc nhiều giá trị… Với nhận thức đó, UBND quận đang tập trung xây dựng và triển khai Đề án phát triển các sản phẩm du lịch trên địa bàn với mong muốn trở thành một điểm đến hội tụ đầy đủ các yếu tố đa dạng, phong phú, từ lưu trú, tham quan, trải nghiệm, đến mua sắm và giải trí.
Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến
Có thể thấy, các sản phẩm tour đêm đã mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách, tạo được nét riêng của du lịch Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cho rằng, để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm của Hà Nội, trước tiên cần có quan điểm định hướng rõ ràng về xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động kinh tế ban đêm. Theo đó, cơ chế chính sách phát triển, quản lý kinh tế đêm phải được xây dựng trên cơ sở làm rõ hiện trạng, nguyên nhân, những trở ngại và thuận lợi của kinh tế ban đêm ở Hà Nội, từ đó mới khuyến khích các cá nhân, DN tham gia đầu tư phát triển.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho biết, hoạt động du lịch trong kinh tế đêm cần sự tham gia của nhiều lĩnh vực và của người dân. Quan trọng nhất, TP cần có cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù cho hoạt động kinh tế đêm. Hà Nội có thể nghiên cứu mở rộng sản phẩm du lịch đêm như phát triển dịch vụ du lịch hai bên sông Hồng; có quy hoạch cho việc xây dựng trung tâm mua sắm hiện đại ở gần khu vực trung tâm, chẳng hạn như trung tâm mua sắm ngầm dưới đất như ở nhiều quốc gia đang làm.
Với những hoạt động tích cực từ các đơn vị tạo sản phẩm du lịch đêm, Hà Nội được kỳ vọng sẽ là một trong những địa phương xây dựng thành công mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm, đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Hà Nội. Thông qua đó, giúp du lịch
Hà Nội khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến du lịch, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Quận Hoàn Kiếm xác định phát triển kinh tế ban đêm là giải pháp quan trọng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có của quận. Quận đã ban hành nghị quyết về giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế ban đêm; thúc đẩy các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và các ngành dịch vụ, thương mại, du lịch nhằm xây dựng Hoàn Kiếm trở thành điểm đến hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm cuộc sống về đêm của người dân và du khách.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long
Theo: kinhtedothi.vn