KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(JP)- Các startup Nhật Bản mở ra con đường kinh doanh mới cho hàng thủ công truyền thống
(Ngày đăng: 28/05/2024   Lượt xem: 62)

Các công ty khởi nghiệp (startup) của Nhật Bản đang sử dụng thương mại điện tử và chuyên môn tiếp thị để hỗ trợ những nhà sản xuất hàng thủ công truyền thống tìm khách hàng mới ở trong nước lẫn nước ngoài.


Sumikama kết hợp kỹ thuật sản xuất thủ công với những ưu điểm của thép không gỉ để sản xuất sản phẩm dao bếp Tashinam, có giá bán cao hơn 10 lần so với dao bếp thông thường. Ảnh: Nikkei Asia

Hồi tháng 4, startup Omomuki, trụ sở tại Tokyo, ra mắt thương hiệu dao làm bếp Tashinam, kết hợp kỹ thuật sản xuất thủ công với những ưu điểm của thép không gỉ.

“Dao bếp làm bằng thép của các nhà sản xuất truyền thống cắt tốt nhưng dễ bị gỉ sét. Trong khi đó, dao bằng thép không gỉ lại không sắc bén bằng”, Suguru Matsuya, CEO của Omomuki, nói.

Dao Tashinam của Omomuki sử dụng thép không gỉ có hàm lượng phụ gia cao như crom, giúp lưỡi sắc bén hơn, bền hơn. Những con dao này được sản xuất bởi Sumikama, một nhà sản xuất dao bếp thành lập vào năm 1916 tại thành phố Seki, tỉnh Gifu. Chúng được những người thợ của Sumikama mài sắc đến từng phần nghìn milimet. Dù có giá cao hơn 10 lần so với dao làm bếp thông thường, doanh số bán dao Tashinam trực tuyến thông qua nền tảng huy động vốn cộng đồng Makuake đạt 6 triệu yen (38.600 đô la Mỹ) trong vòng chưa đầy một tháng.

Omomuki có kế hoạch thành lập nền tảng thương mại điện tử riêng cho Sumikama vào đầu tháng 7 tới và sẽ thử nghiệm bán sản phẩm dao này ở nước ngoài vào cuối năm. Công ty cũng sẽ hợp tác với các kênh ẩm thực trên YouTube để tiếp cận đối tượng khán giả mà Sumikama cho đến nay chưa thể thu hút.

Các ngành công nghiệp thủ công truyền thống của Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn, với doanh số giảm đến 80% trong giai đoạn 1990 – 2020, xuống còn 87 tỉ yen. Dân số ngày càng thu hẹp và già hóa ở Nhật Bản, khiến số lượng lao động trong các ngành này giảm khoảng 70%, xuống còn 54.000 người trong cùng giai đoạn.

Nhưng các startup như Omomuki đang đặt cược rằng thương mại điện tử và du khách nước ngoài có thể mở ra những cơ hội kinh doanh lớn cho các sản phẩm truyền thống.

Năm 2018, startup Clear ở Tokyo bắt đầu bán rượu sake của các nhà sản xuất truyền thống được chọn lọc trên khắp Nhật Bản. Một trong những thành công lớn nhất của công ty là Gengai, sản phẩm rượu sake kinh doanh thông qua sự hợp tác với Sawanotsuru, một nhà sản xuất rượu ở Kobe, được thành lập vào năm 1717.

Sawanotsuru lần đầu tiên liên hệ với Clear vào năm 2018 để hợp tác bán một số rượu sake đã chưng cất từ nhiều năm trước kể từ trận động đất ở khu vực Kobe năm 1995 làm hư hại cơ sở sản xuất của Sawanotsuru. Số rượu sake này cuối cùng được ra mắt với tên gọi Gengai vào năm 2019.

Ryuji Ikoma, Chủ tịch của Clear, ban đầu đưa ra giá bán cho loại rượu sake này là 150.000 yen (956 đô la Mỹ) cho một chai 500 ml, ngang bằng với các loại rượu vang hàng đầu của Pháp. Gengai ngày càng được yêu chuộng và hiện có giá bán khoảng 260.000 yen/chai 500 ml.

Clear chủ yếu dựa vào bán hàng trực tuyến. Nhưng công ty cũng thường xuyên tổ chức sự kiện nếm thử, mời các nghệ nhân nấu rượu từ Sawanotsuru đến chia sẻ câu chuyện về Gengai với khách hàng.

Gần đây hơn, startup này hợp tác với Nagai Sake ở tỉnh Gunma, để phát triển loại rượu sake lâu đời trị giá 165.000 yen/chai, có tên gọi Raihi. Clear có kế hoạch bán rượu sake tại các thị trường châu Á như Đài Loan và Thái Lan trong năm nay.

Theo Cơ quan Thuế quốc gia Nhật Bản, số lượng nhà sản xuất rượu sake ở Nhật Bản giảm khoảng một nửa trong 20 năm, xuống chỉ còn hơn 1.100 vào năm 2020. Ngành công nghiệp rượu sake đối mặt nhiều thách thức bao gồm hạn chế về giấy phép mới, dân số sụt giảm và giảm phát.

“Tôi muốn thu hút nhiều người và tiền hơn vào hoạt động sản xuất rượu sake bằng cách biến nghề này trở thành một ngành đang phát triển”, Ikoma nói và cho biết thêm sẽ xem xét đầu tư vào các nhà sản xuất rượu sake trong tương lai.

Cặp da randoseru của Tsuchiya Kaban được sản xuất bởi những nghệ nhân lành nghề. Ảnh: Nikkei Asia

Câu chuyện đổi mới kinh doanh tương tự có thể được nhìn thấy ở rượu shochu truyền thống của Nhật Bản. Đây loại rượu từ lâu được coi là khó bán với giá cao hơn rượu sake.

Local Local, một startup thành lập tại thành phố Miyazaki vào năm 2019, đã phát triển một nhãn hiệu rượu shochu mới có tên gọi Hitoyo vào năm 2023, với giá bán 30.000-50.000 yen mỗi chai. Hitoyo khởi đầu là rượu ủ trong thùng suốt hơn 30 năm tại Kouzou Syuzoh, một cơ sở chưng cất rượu thành lập vào năm 1919.

Local Local quảng bá sản phẩm bằng cách cung cấp hàng mẫu cho du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản tại các nhà hàng và khách sạn cao cấp. Hiện công ty bắt đầu hợp tác kinh doanh rượu Hitoyo với 70 cơ sở nhà hàng, khách sạn.

“Rượu shochu giá cao chưa bao giờ có mặt trên thị trường trước đây. Chúng tôi muốn chứng minh rằng nếu dành thời gian xây dựng thương hiệu, bạn sẽ có thể bán hàng mà không cần chiến dịch quảng cáo quy mô lớn”, Yuta Emoto, giám đốc hoạt động của Local Local, nói.

Tsuchiya Kaban đã sản xuất randoseru, loại cặp chống gù lưng làm bằng da thường được học sinh tiểu học đeo, kể từ khi thành lập năm 1965 tại Tokyo. Doanh số bán những chiếc cặp thủ công randoseru của Tsuchiya Kaban đang tăng lên ở Mỹ sau khi công ty xây dựng một cửa hàng trực tuyến cho thị trường này vào năm 2022.

Khi quyết định mở rộng sang Mỹ, công ty hầu như không được biết đến ở đó. Vì vậy, Tsuchiya Kaban đã hợp tác với StoreHero, một startup ở Tokyo, chuyên cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại điện tử.

Những chiếc cặp của Tsuchiya Kaban có giá khởi điểm từ 10.000 yen và có thể lên tới 1 triệu yen. Nhiều khách hàng nước ngoài muốn tận mắt xem cặp randoseru trong chuyến du lịch của họ đến Nhật Bản. Vì vậy, Tsuchiya Kaban đang xem xét mở một cửa hàng thực tế ở Mỹ trong năm nay.

“Thị trường thương mại điện tử ngày càng trở nên cạnh tranh nên việc chỉ trưng bày sản phẩm trên các trang web là chưa đủ để bán được chúng. Điều quan trọng là phân tích dữ liệu của người dùng và thu hút họ bằng nhiều hình ảnh và nội dung về sản phẩm”, Junichi Kurose, CEO của StoreHero, nói.

                                              Theo:  thesaigontimes.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

31
Đang xem:
73.226.717
Tổng truy cập: