Làng nghề thêu Quất Động vốn là một làng quê cổ thuộc xã Quất Động, huyện Thường Tín, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km về phía Nam. Ngôi làng này được xem là nơi khởi nguồn của nghề thêu tay truyền thống tại Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, Quất Động vẫn duy trì tạo ra những sản phẩm thêu tay cầu kỳ và tinh tế, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ.
Ngày nay, Quất Động còn được biết đến là nơi tạo ra những sản phẩm thêu tay đa dạng cầu kỳ và tinh tế, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ như: Tranh phong cảnh, cây đa, bến nước, con thuyền... và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Việt Nam.
Nghệ nhân Quất Động đã kết hợp hài hòa sắc màu tươi sáng của chỉ tạo nên bức tranh thêu đậm nét văn hóa Việt. Bên cạnh nhóm hàng truyền thống, các nghệ nhân còn thêu nên nhiều tác phẩm nghệ thuật, các bức tranh chân dung truyền thần và sáng tạo.
Nhằm đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường, các hộ sản xuất sản phẩm thêu Quất Động đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống như: Khăn lụa, túi thêu thủ công, áo dài thiết kế... Đồng thời, các doanh nghiệp, công ty đã nỗ lực xuất khẩu các sản phẩm thêu thủ công của quê hương đến những thị trường quốc tế khó tính và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đền thờ ông Tổ nghề thêu Lê Công Hành tại làng Quất Động.
Những nghệ nhân, thợ thêu của làng Quất Động vẫn luôn nỗ lực giữ gìn và phát huy nét đặc trưng các sản phẩm thêu tay truyền thống.
Trước khi bắt tay vào công đoạn thêu họa tiết lên sản phẩm, người thợ cần vẽ hoa văn lên giấy, tiếp tới dùng bút kim xăm theo đường họa tiết xuống vải để tạo các đường nét ban đầu.
Vải sau khi đã vẽ mẫu sẽ được căng lên khung, sửa lại các nét không rõ và tiến hành thêu.
Để họa tiết trở nên bắt mắt, những người thợ thêu cần có đôi mắt tinh tế, sự cảm nhận màu sắc, tư duy thẩm mỹ, kinh nghiệm để lựa chọn chỉ và màu sao cho thật hài hòa và sinh động. Đối với họa tiết hay sản phẩm thiết kế phức tạp, thợ thêu cần tới hàng trăm loại chỉ khác nhau để hoàn thiện.
Bà Phạm Thị Đào (63 tuổi, huyện Thường Tín) có hơn 50 năm gắn bó với nghề thêu tại làng Quất Động cho biết: “Trong quá trình làm, người thợ phải thêu đều tay, giữ cho chỉ thêu không bị xoắn sợi hay bị rối chỉ. Quan trọng nhất, người thêu tay cần phải có tình yêu đối với nghề, với cây kim, sợi chỉ thì mới có thể ngày đêm miệt mài bên khung thêu”.
Chị Nguyễn Thị Lành (43 tuổi, huyện Thường Tín) thợ thêu tại làng Quất Động nhấn mạnh: “Thời gian để hoàn thiện một sản phẩm thêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Tay nghề của thợ, độ phức tạp, độ khó trong kỹ thuật thêu. Bên cạnh đó, thời gian ngắn hay dài còn phụ thuộc kích thước và họa tiết của bức tranh nhiều hay ít, mật độ chỉ thêu trên vải”.
Để có những bức tranh phong cảnh, người thợ thêu có khi phải mất hàng tháng lựa chọn từng loại chỉ màu phù hợp, khéo léo trong từng mũi kim để tạo những mảng màu thể hiện không gian bức tranh. Mỗi bức tranh thành phẩm có giá dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng tùy theo kích thước và kỹ thuật thêu khác nhau.
Nghề thêu đã giúp những người dân làng Quất Động có kinh tế nuôi sống gia đình. Tùy vào tay nghề, lương trung bình của mỗi người thợ từ 8.000.000 - 10.000.000 đồng/tháng. Đối với những nghệ nhân thành thục mức thu nhập có thể lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Năm 2022, Công ty TNHH tranh thêu Phương Thảo tại Quất Động đã có 2 sản phẩm OCOP được đánh giá và xếp hạng 4 sao, đó là áo dài thêu tay và tranh thêu tay.
Theo chị Trần Thu Trang (25 tuổi, huyện Thường Tín), người sáng lập Laheris - thương hiệu bán các sản phẩm thêu tay truyền thống Quất Động cho biết: “Đối với các dòng sản phẩm váy dài thêu tay bán chạy nhất của Laheris được thêu trên chất liệu tự nhiên cao cấp như linen, tơ tằm có giá thành từ 800.000 - 2.500.000 đồng”.
Đối với dòng sản phẩm quà tặng thương hiệu Laheris như khăn lụa tơ tằm thêu tay có giá bán từ 900.000 đồng đến 3 triệu đồng, các sản phẩm áo dài thêu tay được thiết kế và đặt may đo riêng có giá trị từ 2 đến vài chục triệu đồng.
Túi vải thêu tay Quất Động thương hiệu Laheris được khách nước ngoài rất ưa thích.
Chia sẻ về các sản phẩm thêu thủ công của Laheris, chị Trang nhấn mạnh: “Nét đặc trưng của sản phẩm thêu tay bên mình là nghệ thuật phối màu, chỉ thêu từ nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào với 30 năm kinh nghiệm. Với tư duy thẩm mỹ, kinh nghiệm của người nghệ nhân đã tạo được nét sinh động, sự chuyển tiếp màu sắc mềm mại, tự nhiên tạo nên tổng thể thật chân thực và sống động”.
Hiện tại để quảng bá các sản phẩm thêu tay Quất Động, chị Trang cùng nhiều chủ cơ sở kinh doanh đẩy mạnh tiếp cận khách hàng trên các nền tảng xã hội như: Facebook, Instagram, Tiktok,… Bên cạnh đó, kết hợp các workshop thêu tay để lan tỏa giá trị văn hóa qua những sản phẩm thêu tay truyền thống.