KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(61)- Thị trường đồ gốm kém sôi động khiến các chủ lò gốm ở Bình Dương lo lắng
(Ngày đăng: 04/01/2024   Lượt xem: 58)

Năm nay, kinh tế khó khăn nên thị trường đồ gốm rất ảm đạm, vắng bóng người mua. Do đó, các cơ sở sản xuất gốm ở Bình Dương cũng hoạt động cầm chừng chờ đơn hàng.

Những năm gần đây, nhờ có tư duy thay đổi để thích ứng, gốm Bình Dương đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ dân cư. Hiện, Bình Dương có hơn 200 cơ sở sản xuất gốm, mỗi năm cung cấp cho thị trường từ 130 -150 triệu sản phẩm. Những năm trước, càng gần Tết Nguyên đán nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng, vì thế thị trường đồ gốm ở Bình Dương khá sôi động.

Cơ sở gốm sản xuất cầm chừng...

Từ 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 rồi đến chiến tranh, lạm phát, các cơ sở sản xuất gốm ở Bình Dương gặp không ít khó khăn vì thiếu đơn hàng. Cũng vì thế, những ngày này đến các lò gốm ở Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An của tỉnh Bình Dương không còn thấy cảnh nhộn nhịp thương lái đến hỏi thăm, mua sản phẩm. Thay vào đó là cảnh điu hiu và khó khăn về đơn hàng khiến các cơ sở gốm ở Bình Dương chỉ sản xuất cầm chừng. 
thi truong do gom kem soi dong khien cac chu lo gom o binh duong lo lang hinh anh 1
Các lò gốm ở Tân Phước Khánh, TP. Tân Uyên không có thương lái đến thu mua nên hàng thô còn rất nhiều - Ảnh: Thiên Lý

Ông Nguyễn Văn Cường, chủ lò gốm ở TP. Thuận An cho biết, những năm trước, trung bình mỗi ngày có 2-3 người đến lấy hàng thô về phun sơn, làm thành phẩm. Đợt này, ngóng từ đầu tuần đến cuối tuần cũng chẳng có ai đến hỏi. Do ít đơn hàng nên thay vì mỗi năm làm vài ngàn con linh vật cho năm mới thì năm nay lò của ông chỉ làm khoảng 1.000 con.

“Như mọi năm thời điểm này đồ gốm ở làng bán "ngon", nhưng năm nay sản phẩm chưa hút khách. Những xưởng hoàn thiện sản phẩm gồm ở ngoài người ta bán được lò mình mới giao được. Nghề này nhiều người làm đã quen, giờ chuyển nghề khác sẽ rất khó, nhiều người đã từng chuyển đổi song thất bại, nên mình vẫn cố bám trụ với nghề, tới đâu hay tới đó”, ông Cường cho biết.

Do ít đơn hàng nên nhiều lò gốm ở Bình Dương không làm linh vật như mọi năm, chỉ làm heo đất, mèo máy Doremon, khủng long, ngựa… những sản phẩm được ưa chuộng để bán quanh năm.

Ông Nguyễn Văn Nhàn, chủ cơ sở sản xuất gốm ở phường Tân Phước Khánh, TP. Tân Uyên chia sẻ, năm nay do kinh tế khó khăn, người dân phải “thắt lưng buộc bụng” kéo theo sức mua yếu. Hàng hóa bị tồn đọng nên gia đình không mua khuôn đổ linh vật như các năm khác. Linh vật làm ra muốn bán nhanh phải có mẫu mã độc quyền, nhưng không có vốn đành chịu.

“Sản phẩm gốm cũng phải thay đổi, có những mẫu mã lạ còn bán được, nhưng giờ muốn đầu tư theo nhu cầu các con giáp mỗi năm ít lò theo được. Như năm Quý Mão lò làm con mèo, vừa bung ra thị trường qua tháng 2 đã ngưng, ngưng hẳn và đến giờ sản phẩm vẫn nằm ở kho”, ông chia sẻ.
thi truong do gom kem soi dong khien cac chu lo gom o binh duong lo lang hinh anh 2
Năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Nhàn ở TP. Tân Uyên không dám làm linh vật rồng vì thấy nhu cầu thị trường "yếu" - Ảnh: Thiên Lý

Làng nghề vắng bóng thương lái

Cũng như ở lò gốm, các cơ sở phun sơn thành phẩm chung tình trạng "khát" đơn hàng, sản phẩm ứ đọng, ế ẩm. Do đó, các cơ sở cũng hạn chế nhập hàng thô về hoàn thiện. Một số cơ sở phun sơn chuyển sang làm thêm tranh thêu, hoặc tranh sơn mài.
thi truong do gom kem soi dong khien cac chu lo gom o binh duong lo lang hinh anh 3
Ông Hiệp, chủ lò gốm ở TP. Tân Uyên khoe sản phẩm Khủng Long đang được ưu chuộng hiện nay - Ảnh: Thiên Lý

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ cơ sở Hà An, ở phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một chia sẻ, cơ sở chỉ còn khoảng 10 công nhân, mỗi tuần làm 3-4 ngày. Trước đây, 1 tuần có 1 - 2 đơn hàng, nay cả tháng chưa có đơn nào. Mặc dù không có đơn hàng nhưng vẫn cố gắng làm cầm chừng các sản phẩm khác để giữ chân thợ.

“Thợ tại xưởng cũng muốn có việc làm cho đủ ngày công, nếu công việc bị gián đoạn, thợ nghỉ khi cần kiếm lại sẽ rất khó. Thời điểm này hàng gốm bán chậm, hàng ế nhưng xường vẫn phải "gồng" lo thợ, vốn liếng… Tôi hy vọng năm 2024 kinh tế sáng sủa hơn, công việc thuận lợi để mọi người có việc làm, thu nhập ổn định", bà Hà bày tỏ.

Các cơ sở sản xuất gốm lớn ở Bình Dương như Cường Phát, Phước Dũ Long... năm nay cũng gặp khó về đơn hàng. Riêng đối với Công ty gốm sứ Cường Phát, năm Rồng, công ty có nhiều mẫu mã sinh động, nhưng cũng chỉ làm khoảng 3.000 con vì thị trường “yếu”. Giá sản phẩm cũng rẻ hơn các linh vật khác, dao động từ 680.000 -1,2 triệu đồng/con.

Điều lo lắng nhất của các lò gốm là “tắc” đầu ra sẽ khó giữ chân người lao động. Bởi các nghề này khó tuyển thợ, nên khi thị trường ổn định trở lại sẽ khó có người làm. Do đó, những người còn trụ với nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ mong muốn địa phương có những các chính sách hỗ trợ nghề, làng nghề về vốn, giới thiệu sản phẩm để họ có đầu ra, cũng như kinh phí giữ chân thợ để lưu giữ nghề.
thi truong do gom kem soi dong khien cac chu lo gom o binh duong lo lang hinh anh 4
"Khát" đơn hàng nên Công ty TNHH Phước Dũ Long không sản xuất rồng để bán, chỉ đắp vài mẫu trưng bày trong công ty và làm quà tặng - Ảnh: Thiên Lý

Ông Hồ Trúc Thanh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Dương cho biết, làm gốm là 1 trong 2 nghề truyền thống của tỉnh, nên Sở cũng đã tham mưu một số giải pháp để duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa của nghề truyền thống.

“Sở sẽ phối hợp đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ cho nghề, làng nghề truyền thống, đặc biệt là các chính sách đã được Chính phủ giao cho UBND tỉnh, quy định tại Nghị định 52. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với Sở Công Thương, Sở NH-TT&DL để thúc đẩy các chương trình xúc tiến thương mại, các sản phẩm làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới", ông Thanh cho biết.

                                           Theo: vov.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

16
Đang xem:
72.493.376
Tổng truy cập: