KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(12)- Hải Yến: Nỗ lực bảo tồn, phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Nùng Phàn Slình
(Ngày đăng: 17/10/2023   Lượt xem: 104)

Nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống đã gắn bó với đời sống của người dân tộc Nùng Phàn Slình sinh sống tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc suốt nhiều thế hệ. Hiện nay, đứng trước sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, nghề thêu, dệt thổ cẩm của người Nùng nơi đây có nguy cơ mai một, thất truyền. Vì vậy, chính quyền và người dân xã Hải Yến đang tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy nghề truyền thống này.

Xã Hải Yến, huyện Cao Lộc có 418 hộ dân (trong đó chỉ có 1 hộ là người dân tộc Tày), gần 100% dân số là người dân tộc Nùng Phàn Slình Cúm Cọt. Từ nhiều đời, người dân tộc Nùng đã có truyền thống trồng cây bông để se sợi dệt vải, trồng cây tràm để làm thuốc nhuộm trang phục. Tuy nhiên, hiện nay chỉ còn 32 hộ (chiếm khoảng 7% tổng số hộ trong xã) còn duy trì nghề.

Nghệ nhân Long Thị Nga, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến thêu hoạ tiết cho áo

Được biết, nhiều năm gần đây, chị em người Nùng tại xã Hải Yến không tự se sợi, dệt và nhuộm vải nữa bởi trên thị trường có nhiều loại chỉ màu, mẫu vải công nghiệp may sẵn đẹp với giá thành rẻ. Việc mua vải sẵn giúp họ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức nhưng vô tình làm nghề dệt truyền thống bị mai một. Mặt khác, người dân trong xã cũng không còn mặc trang phục dân tộc thường xuyên mà chỉ mặc trong những dịp quan trọng như lễ, hội, tết nên nhu cầu may, thêu trang phục không cao.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chị em trong xã thường may, thêu trong lúc nông nhàn, vào các buổi trưa hay buổi tối sau khi làm việc đồng áng. Bên cạnh quần áo, họ còn làm ra những chiếc khăn, mũ đội hay túi xách sặc sỡ, bắt mắt được trang trí bằng những họa tiết thêu tay tỉ mỉ.

Nghệ nhân Long Thị Nga, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến chia sẻ: “Người phụ nữ Nùng xưa kia chỉ may quần áo cho gia đình mặc trong sinh hoạt hằng ngày nhưng mấy năm trở lại đây, nhiều chị em trong xã không tự làm trang phục nữa nên tôi cùng một vài chị em lành nghề trong xã nhận may. Chúng tôi mua vải sẵn ở chợ về để cắt nhưng họa tiết thì hoàn toàn được thêu bằng tay. Nhờ vậy, tôi vừa được gắn bó với nghề, vừa tăng thêm thu nhập”.

Được biệt, một bộ quần áo dân tộc Nùng có giá 400 đến 500 nghìn đồng tuỳ vào màu vải, số đo của người mặc, trang phục nam thường có giá cao hơn vì phần cúc áo phải làm bằng tay cầu kỳ; khăn và túi đeo có giá từ 700 đến 800 nghìn đồng/chiếc do độ tinh xảo trên hoa văn cao hơn… Trung bình, thợ may cần 2 đến 3 ngày để hoàn thiện một sản phẩm. Để tăng năng suất, các chị em trong xã kết hợp thành từng đôi để làm, một người cắt, may bằng máy, một người thêu họa tiết thủ công.

Chị Long Thị Nga cùng chị Hứa Thị Phường, thôn Nà Pèn, xã Hải Yến là những người trong nhóm sản xuất nhỏ. Trung bình mỗi tháng, hai chị may được trên 20 bộ quần áo, tháng cao điểm giáp Tết may được trên 60 bộ. Trừ mọi chi phí, ước tính thu nhập trung bình từ 2 đến 6 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, người mua chủ yếu là người địa phương, chưa có nhiều khách ngoại tỉnh hay các cơ sở, doanh nghiệp đặt hàng.

Chị Hứa Thị Phường, thôn Nà Tèn, xã Hải Yến may áo dân tộc Nùng cho khách hàng

Trước thực tế số hộ dân duy trì nghề ngày càng giảm và sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trang phục, người dân xã Hải Yến và các cấp chính quyền đã tích cực nỗ lực tìm giải pháp để lưu giữ và phát triển nghề trong tương lai.

Đầu tháng 8/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn phối hợp với UBND xã Hải Yến và Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cao Lộc mở Lớp truyền dạy thực hành nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình cho 29 học viên nữ là người dân tộc Nùng sinh sống tại địa bàn xã. Lớp truyền dạy là một hoạt động góp phần tích cực bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với việc liên kết, thúc đẩy hoạt động du lịch của tỉnh, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023.

Trong thời gian một tháng, các học viên được học kỹ thuật dệt vải, dệt thổ cẩm truyền thống và được hướng dẫn thực hành thêu họa tiết trên quần áo, khăn, mũi, túi xách… Kết thúc lớp học, xã Hải Yến đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình xã Hải Yến, huyện Cao Lộc với thành viên là toàn bộ học viên của lớp truyền dạy.

Chị Lý Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Yến chia sẻ: “Qua tuyên truyền, vận động, cũng như nhận thức được rõ CLB là một mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc hiệu quả, chị em trong xã rất nhiệt tình tham gia. Sau khi ra mắt, CLB đã nhận được hơn 20 đơn hàng từ các cơ quan, đơn vị trường học, khách hàng trong tỉnh. Tuy chưa mang lại hiệu quả lớn về kinh tế nhưng bước đầu thông qua CLB, sản phẩm thủ công của chị em trong xã đã dần được biết đến và tiến tới gần hơn với thị trường.”

Chia sẻ về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng, ông Hứa Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Hải Yến cho biết: “Bên cạnh công tác tích cực vận động chị em trong xã thường xuyên mặc và may thêu mặc trang phục dân tộc, hời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức thêm các lớp truyền dạy kỹ năng thêu, dệt cho cả người lớn và thanh, thiếu nhi để từng thế hệ hiểu rõ về giá trị văn hoá truyền thống và nắm chắc kỹ thuật tạo nên một bộ trang phục dân tộc”.

Được sự quan tâm từ các cấp chính quyền, sản phẩm dệt thủ công của người Nùng Phàn Slình xã Hải Yến đã được giới thiệu, trưng bày tại một số hội chợ thương mại, ngày hội văn hoá, lễ hội, địa điểm du lịch… trên địa bàn tỉnh.

Trong tương lai, xã mong muốn xây dựng một không gian dành riêng cho các chị em thêu, dệt trang phục thổ cẩm qua đó giúp chị em có cơ hội trao đổi, nâng cao tay nghề đồng thời tạo ra một nơi trưng bày sản phẩm phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh tới thăm quan. Việc có một không gian chung còn giúp chính quyền xã dễ dàng quản lý, hỗ trợ chị em thực hành, duy trì và phát huy nghề truyền thống.

Có thể thấy, với sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền địa phương và sự đam mê, trân trọng những giá trị truyền thống của người dân xã Hải Yến, tin rằng nghề thêu, dệt thổ cẩm của người dân tộc Nùng sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy, không chỉ góp phần tô đậm nét văn hoá đặc sắc cho Lạng Sơn mà còn giúp bà con dân tộc Nùng phát triển kinh tế.
                                       Theo:  baolangson.vn


Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

17
Đang xem:
72.492.806
Tổng truy cập: