Hiện Nhật Bản đang là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với mặt hàng thủ
công mỹ nghệ, trang trí nội thất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim
ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam từ trước tới nay.
Tuy nhiên, các chuyên gia đến từ Nhật Bản đánh giá, con số này vẫn
chưa tương xứng bởi tiềm năng về nguyên liệu và lực lượng lao động hơn
10 triệu người của ngành này ở nước ta có thể đáp ứng lượng hàng hóa lớn
hơn nữa. Nhưng khả năng tiếp cận thị trường của các DN Việt Nam còn
nhiều hạn chế, thiếu thông tin nên không nắm bắt đúng và đủ nhu cầu tiêu
thụ thực tế.
Ông Hiroshi Sakamoto, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn DN Sense of Life
(Nhật Bản), chia sẻ muốn gia tăng lượng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam
vào thị trường Nhật Bản không phải là chuyện khó, nhưng nhất thiết DN
Việt Nam phải loại bỏ thói quen bị động hiện nay.
Thay vì ngồi chờ đơn hàng đến, DN cần phải mạnh dạn tập trung vào tìm
hiểu kỹ các kênh phân phối để sản phẩm phù hợp với khách hàng của kênh
phân phối đó. Hiện nay, Nhật Bản đang có nhiều kênh tham gia phân phối
các mặt hàng này như trung tâm mua sắm Lalaport, Aeon Mall, cửa hàng tự
chọn United Arrows, Cibone, cửa hàng bán lẻ tại ga tàu Lumine, cửa hàng
giảm giá Dongkihotei, cửa hàng bách hóa Isetan Takashimaya…
Nếu gia nhập được vào chuỗi cung ứng của các kênh phân phối này, chắc
chắn nguồn hàng xuất khẩu sẽ gia tăng. Ngoài việc sản xuất theo những
thiết kế quen thuộc, các DN trong ngành cần chủ động liên kết với các
nhà thiết kế ở nước nhập khẩu, các đơn vị cung cấp nguyên phụ liệu để
hình thành một tổ hợp số đông để hỗ trợ lẫn nhau.
Khi đó, nhà sản xuất sẽ hiểu được nhóm khách hàng mục tiêu tại Nhật Bản
để đưa ra những dòng sản phẩm ưu việt với giá cả hợp lý, dễ tiếp cận
người tiêu dùng.
Hiện đã có một DN chuyên về thêu ren đã tiếp cận rất sâu vào thị
trường Nhật Bản nhờ nghiên cứu kỹ thị trường và tâm lý tiêu dùng.
Cụ thể, DN này đã cử nhân viên sang Nhật Bản nghiên cứu văn hóa truyền
thống, từ đó sáng tạo ra những sản phẩm vừa gần gũi vừa mới lạ nhưng vẫn
mang phong cách sáng tác của người nghệ nhân. Những sản phẩm này được
quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong các cuộc triển lãm nên nhà phân phối
lẫn người tiêu dùng có cơ hội cảm nhận sản phẩm.
Nhờ vậy, nhà phân phối cảm thấy lợi ích khi hợp tác và đã tiến hành ký
hợp đồng dài hạn. Nếu DN nào cũng chủ động như vậy, ngành thủ công mỹ
nghệ Việt Nam không chỉ có cơ hội tiến sâu vào thị trường Nhật Bản mà
còn khai phá được nhiều thị trường khác trên thế giới.