KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Nhọc nhằn “chạy chợ” Hà Nội kiếm tiền lo Tết quê
(Ngày đăng: 28/01/2013   Lượt xem: 657)

Những ngày cuối năm, dân ngoại tỉnh đổ Hà Nội buôn bán hoa, các loại trái cây, sản phẩm may mặc thanh lý… gia tăng đột biến khiến đường phố thủ đô càng thêm đông đúc. “Thức dậy từ 2 giờ, lên chợ Long Biên cất hàng về chợ đầu mối phía Nam bán từ 4 giờ đến 12 giờ, nếu hàng ế thì phải bán rong trên các phố đến tối mịt”, chị Thắm một người bán hàng hoa quả kể.

Vừa bán hàng vừa trông chừng công an
 
Tay giữ chắt bao quần áo, mặt mếu máo, một chị bán hàng quần áo thanh lý tại cổng chợ đầu mối phía Nam Hà Nội năn nỉ: “Các anh đừng bắt hàng của em, vừa sáng, mới bày hàng ra, em đã bán được cái nào đâu. Bị thu từng này hàng chắc em chết đói mất thôi…”.
 
“Rõ khổ, nhìn thấy xe công an mà không kịp "chạy"… một mình bán hàng cực thế đấy”, một cậu thanh niên đứng trên vỉa hè tỏ vẻ thông cảm. 
 
1
Chị bán hàng này cho biết: Bày hàng ngay trên xe dễ bán lại dễ chạy khi bị công an đuổi.
 
Theo cậu thanh niên nọ: “Cứ sau 7h, công an phường sẽ cho ô tô đi dẹp những người đứng bán hàng bên ngoài cổng chợ đầu mối. Công an đuổi phía Đông họ chạy sang phía Tây, chạy đi toán loạn, hoa quả đổ đầy mặt đất, quần áo khách đang xem cũng không kịp thu lại…, nên thất thoát cũng đành chịu. Mỗi ngày chỉ được ngủ 2-3 tiếng thôi, thế mà họ vẫn đủ sức chạy chợ, tôi phục họ sát đất”.
 
Thông thường, những người bán hàng tự canh chừng, để mắt khoảng trống trước mặt. Thấy bóng công an, xe cảnh sát tới là họ đồng thanh báo hiệu “chạy nhanh đi” và mạnh ai nấy chạy. Cảnh tán loạn, nháo nhác diễn ra, trong vài phút cả đoạn đường vắng teo… Nhưng họ chờ những người “áo xanh” đi khuất là tụ tập trở lại, xí phần, nhận chỗ…, tranh giành, chửi bới ầm ĩ.
 
Điểm bán hàng ngoài cổng chợ đầu mối phía Nam, ngay bên đường đông đúc, nên hút người mua vì chỉ cần dừng xe là khách chọn được rau, quả, củ, quần áo, khăn, mũ… Khoảng 1 tiếng đồng hồ, công an phương Đền Lừ lại đưa xe qua chợ “càn quét” một lần, mỗi buổi người bán hàng “chạy loạn” 4-5 lần.
 
“Họ chạy cũng nhanh và trở lại cũng nhanh. Người nào ngày đầu tiên đi bán gặp cảnh này cũng sợ, nhưng lâu rồi cũng dạn dày và lì đòn hơn. Tôi thấy phục vì sự nhanh nhạy và cam chịu của họ”, cậu sinh viên ở Nam Định đi phụ bán hàng cho chị ở chợ nói.
 
Mưu sinh nhọc nhằn

Chị Thắm, quê ở Hoài Đức, Hà Nội than thở: “Đi chợ cực nhọc lắm, nhưng tôi xuất thân từ nông thôn, không công ăn việc làm, ruộng thì giải tỏa hết…, để kiếm sống đành phải chạy chợ mỗi ngày. Dậy từ 2h sáng đi lấy hàng, thồ hàng đến chợ đã 4-5h, chỉ mong đắt hàng để về nhà cho sớm hoặc đi lấy chuyến nữa…, nhưng hầu như buổi chợ nào cũng ế nên phải ra đứng ngoài cổng chợ để bán”.

1

                     Những xe hàng đầy ắp thế này phải có sức khỏe tốt mới "kham" nổi.

 
Anh Cảnh, một tiểu thương hàng hoa quả than: “Chợ búa dạo này ế ẩm lắm, bán trầy trật từ sáng đến nửa đêm không hết hai sọt hàng. Bán ở chợ không xong phải rong hàng khắp phố này đến phố khác để bán. Ở chợ nhiều cổng còn có chỗ mà chạy công an, chứ nhiều khi gặp công an trên phố muốn chạy cũng chẳng được vì phố chật người đông… Có khi vừa mất hàng lại vừa bị phạt tiền, thiệt đơn thiệt kép. Kiếm ăn từng bữa bằng sức lao động của bản thân, mà thấy cơ cực vì cảnh trốn chạy như đi ăn trộm".
 
“Tết nhất đến nơi rồi, tôi cố gắng chạy chợ để lo kiếm vài cái bánh chưng, mấy cân thịt cho bọn trẻ. Ngày tết, nhà người ta bày biện đủ thứ, còn nhà mình con cái eo xèo, nheo nhóc vì thiếu thốn, nghĩ mà rớt nước mắt”, anh Cảnh thở dài.
 
Ngày nào cũng đi chợ từ 2h với 2 sọt hàng đầy những khoai lang, su hào, bắp cải…, ít thì 50 - 60 kg, nhiều thì cả trăm kg, bán ở trong phố nhanh hết hàng, nhưng đường phố chật chội, xe hàng nặng nên đợt này chị Thanh ở Hưng Yên bán ở cổng chợ đầu mối. 
 
Chị Thanh và những người cùng nghề biết bán hàng rong vỉa hè, lề đường là bị cấm. Lực lượng chức năng bắt, có khi chịu "mất trắng" cả vốn lẫn lãi. Song vì mưu sinh, họ vẫn nhắm mắt đưa chân...
 
"Mỗi ngày chạy công an 4-5 lượt tưởng đứt hơi, không chạy nhanh thì bị thu, bị phạt…. Nhưng hơn chục buổi chợ nữa là hết năm... "Em cố gắng để sắm cho bọn trẻ bộ quần áo diện tết…Năm nay khó khăn, bánh trái, thịt thà cũng chỉ gọi cho có, chạy chợ kiểu này đủ ăn được là may”, chị Thanh nói.
 
                                                                                                   Theo: Pháp Luật Việt Nam
.
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

19
Đang xem:
74.246.991
Tổng truy cập: