KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Thừa Thiên - Huế: Đìu hiu mứt gừng Kim Long
(Ngày đăng: 28/01/2013   Lượt xem: 591)
Đến gần giữa tháng chạp vậy mà  làng mứt gừng Kim Long phường Kim Long, thành phố Huế vẫn đìu hiu không khác mấy ngày thường. Những người gắn bó với nghề cứ lắc đầu nguây nguẩy khi ai đó hỏi chuyện làm ăn dịp chính vụ này. Từng là địa phương làm mứt gừng nổi tiếng nhất nhì xứ Huế, nhưng mấy năm trở lại đây, số gia đình làm mứt gừng ở Kim Long ngày một ít đi.



Công đoạn cạo vỏ mứt gừng cũng rất quan trọng

Một chút nồng ấm cho mùa Xuân

Ở Huế rất nhiều làng quê còn lưu giữ các công thức chế biến mứt truyền thống như làng Xuân Hòa, Dạ Lê, Hương Thủy, làng Phò Trạch, Ưu Điềm, huyện Phong Điền... Tuy nhiên, nhiều người xa Huế khi trở về cố hương vẫn thích mua loại mứt gừng Kim Long làm quà. Mứt gừng ở vùng đất này có hương vị đậm đà vừa cay cay, nhưng cũng không ngọt lắm. Sở dĩ mứt Kim Long nổi tiếng hơn các địa phương khác là do người dân đã có những "bí quyết” rất đặc biệt. Tất cả các khâu từ chọn gừng, ra lát, rim đường cho đến việc cử người đứng lò đều rất quan trọng. Ngay lúc thời tiết chuyển mùa từ thu sang đông, người dân chuyên làm mứt đã kéo nhau lên khu vực Tuần (thuộc địa bàn xã Hương Thọ) để săn lùng gừng. Một số gia đình có kinh nghiệm làm mứt cho rằng củ gừng trồng tại Tuần thường nhỏ, lép rất khó làm nhưng thơm, ít cay.

Theo bà Trần Thị Hai 70 tuổi, một trong những gia  đình có truyền thống làm mứt lâu đời ở Kim Long cho biết: Chẳng biết cái nghề làm mứt có  từ bao giờ chỉ nghe các cụ trong làng kể lại ngày xưa vua chúa và dòng dõi quý tộc muốn một món ăn ngày tết có hơi ấm để chống chọi với cái rét của miền Trung nên mứt gừng ra đời. Người trong làng nghĩ ra cách làm mứt bằng cách dùng thứ gừng tươi, cay xé lưỡi từ trên cầu Tuần (huyện Hương Trà) về cạo vỏ, rửa sạch, bào lát nhỏ, luộc chín rồi bỏ vào chảo rim, sau đó đem ra đảo khô. Những người hoàng tộc khi ăn mứt này, vừa nhâm nhi li trà nóng, thấy cảm giác khoan khoái. Rồi cứ thế, mứt gừng Kim Long ngày một nhiều người làm, tạo nên thương hiệu.

Ông Trương Đình Thử - một trong những người có thâm niên làm nghề mứt cho biết: "Cả khu vực đường Phạm Thị Liên nhà mô cũng có nghề làm mứt và bánh cúng. Đặc biệt là mứt gừng, nhà ít thì một vài tạ, nhà nào nhiều từ 2 đến 5 tấn gừng, nhờ rứa bà con có thêm tiền để sắm sửa tết”.

Nguy cơ mai một nghề truyền thống

Tuy nhiên đó là chuyện của trước đây. Còn hiện tại, làng mứt gừng Kim Long đang mai một từng ngày. Hiện ở Kim Long có 20 hộ chuyên làm mứt gừng truyền thống. Trong đó nhiều cơ sở sản xuất lớn như gia đình ông Trương Đình Tú, Trương Đình Toàn, Trần Văn Tuấn, Lê Thị Bé... và mỗi năm chỉ làm trong tháng chạp. Nhiều hộ dân làm mứt vì muốn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở rộng sản xuất. Chị Ánh Nguyệt ở Tổ 2, khu vực 1 đường Phạm Thị Liên, một trong những hộ gia đình chuyên làm mứt gừng lâu năm ở Kim Long tâm sự: Gia đình tôi đã có 3 đời làm mứt gừng truyền thống, trung bình mỗi năm cứ đến vụ Tết nhà tôi phải tuyển thêm từ 7 đến 8 lao động nữa mới làm kịp hàng. Trừ tất cả các chi phí đầu tư mỗi vụ mứt tết cũng kiếm được từ 10 đến 15 triệu đồng. Riêng năm nay xuất hiện nhiều cơ sở làm mứt bằng máy móc hiện đại nên đầu ra mứt gừng ở Kim Long rất khó khăn. Chúng tôi cố gắng sản xuất đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Làm nghề này tuy không lời lãi nhiều, nhưng giữ được nghề truyền thống của cha ông.

Không riêng gì gia đình anh Toàn hay hộ ông Trương Đình Tú,  cơ sở sản xuất mứt và bánh truyền thống của bà Lê Thị Bé ở Kim Long cũng lâm vào cảnh ế hàng, bà Bé than: "Mỗi mùa mứt Tết, gia đình tôi sản xuất từ 1 đến 2 tấn gừng, năm nay tiêu thụ chậm, gần qua tháng chạp rồi nhưng gia đình chỉ làm cầm chừng. Hiện tại mứt bán ra với giá từ 70 đến 90 ngàn đồng/kg, cao hơn 15 ngàn so với tết trước, nên chúng tôi cũng dè chừng”.

Ông Cao Minh Sơn - Phó Chủ tịch phường Kim Long - tâm sự: Mứt gừng bán chậm một phần do thị trường có nhiều loại mứt nhập ngoại nên hương vị mứt truyền thống dần bị lãng quên. Riêng địa phương sẵn sàng hỗ trợ người dân vay vốn để giữ gìn nghề truyền thống. Tuy nhiên, nghề làm mứt gừng ở địa phương chỉ có tính chất thời vụ, thu nhập lại không cao vì vậy số lượng gia đình làm mứt truyền thống mỗi năm một ít đi là điều không thể tránh khỏi.
Theo: Đại Đoàn Kết
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

95
Đang xem:
74.214.194
Tổng truy cập: