Những dãy hàng vắng khách.
Chợ lụa những ngày dài vắng khách
Đã nhiều tháng nay, khu
chợ lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) luôn trong tình trạng vắng
khách, chủ hàng chơi dài đến chán ngán. Trước tình cảnh đó, nhiều người
chạnh lòng nghĩ đến một kết cục buồn của làng lụa nổi tiếng một thời.
Đã gần một tháng nay, gian
hàng lụa của chị Nguyễn Thị Oanh không có khách hỏi mua. Những sạp hàng
lụa được chất đầy lối đi với nhiều kiểu mẫu mới, lạ với hy vọng bắt mắt
khách hàng trong dịp đầu năm, song những cố gắng đó cũng chẳng giúp cửa
hàng cải thiện tình hình là bao nhiêu. Khách xem hàng đã ít, khách mua
được hàng cũng thật... hiếm hoi. Chị ngậm ngùi: “Tình trạng này mà kéo
dài, chắc phải bỏ nghề em ạ ”.
Gần kề với hộ gia đình chị Oanh là gian hàng của chị Bùi Thị Xuân - một
tiểu thương đã hơn mười năm hành nghề. Dù đã áp dụng những chiêu kích
cầu tối đa, song khách hàng dường như vẫn thờ ơ với mặt hàng này. Chị
Tâm - một chủ hiệu có thâm niên - cho biết: “Năm nay kinh tế khó khăn,
nhiều người thắt chặt túi tiền chi tiêu nên chợ lụa cũng chịu chung cảnh
“thắt lưng buộc bụng”. “Thôi thì đành cầm chừng, bán được đâu hay đó
vậy''.
Làng lụa Vạn Phúc nổi tiếng đã được biết đến từ nhiều thế kỷ nay. Thực
trạng trên không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của hơn 300 lao động
nghề mà đằng sau đó, vốn văn hóa lâu đời của một làng nghề nổi tiếng dễ
rơi vào... quên lãng.
Ông Nguyễn Văn Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc - cho
biết: “Để tạo dựng lại ảnh hưởng của lụa làng, trước mắt, làng nghề đang
lên kế hoạch xây dựng khu chợ dành riêng cho sản phẩm lụa thay vì các
khu chợ tạm như hiện nay. Có như vậy mới có thể quảng bá tốt hơn cho lụa
Vạn Phúc”.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thủy - Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc - phường
cũng hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của làng nghề. Tuy nhiên, để vực
dậy sức sống cho làng nghề thì cần sự chung tay giúp sức từ nhiều phía,
nhất là tự thân các tiểu thương phải ý thức được việc buôn bán hàng
thật, không nên chạy theo thị trường mà làm hỏng tiếng lụa.
Theo: Lao Động