Ngày Tết, bên cạnh sắc thắm của hoa đào, sắc vàng của quất,
nhiều gia đình không quên sắm cho nhà mình vài cành phát lộc. Chính nhờ giống
cây này mà nhiều hộ nông dân ở thôn Đình Phùng, xã Minh Tân, huyện Đông Hưng,
Thái Bình đã trở nên khá giả.
Tháp phát lộc là mặt hàng bán chạy nhất những ngày giáp Tết.
Những ngày này, vào thôn Đình Phùng
đều thấy cây phát lộc được “hoá thân” thành những lẵng cây, chậu tháp... nhằm
phục vụ khách chơi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Đến nhà nào cùng thấy
trước sân bày la liệt: Chậu hoa, dây đai trang trí, cát mịn, keo bôi... Sản
phẩm được ưa chuộng và phổ biến nhất ở đây là chậu tháp phát lộc. Loại nhỏ chỉ
2-3 tầng, nhưng có loại lên đến 9-10 tầng. Đó là chưa kể đến những sản phẩm
khác như: “Lục bình phát lộc”; các bó cây bán lẻ để người mua tự trang trí.
Để tạo được các chậu cây có nhiều
tầng, ra mầm, bật, nhú lộc vào dịp Tết Nguyên đán thì công việc của người dân ở
đây phải bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch. Cứ vào thời điểm đó, thôn Đình Phùng lại
sôi động, nhộn nhịp hẳn lên. Người già, trẻ em thì bóc lá, còn thanh niên thì
làm tháp. Mỗi người mỗi việc, tạo nên không khí tươi vui, đầm ấm.
Anh Nguyễn Văn Hải, một “kiến trúc
sư” của những “tháp phát lộc” cho hay: “Để tháp phát lộc các tầng cùng “phát”
(nảy mầm) một lúc, chúng tôi phải mất rất nhiều công. Từ đầu năm phải lọc các
mầm để khi mang ươm trồng có độ tuổi bằng nhau. Khi cây lớn thì dùng tre, dây
căng buộc, bắc giàn để cây lên thẳng. Hoàn thành sản phẩm mà gặp gió đông, heo
may, thời tiết lạnh phải che chắn, lựa nước mà giữ độ ẩm trong chậu, sao cho
cây điều tiết hút nước đều...”.
Những người sành chơi cây cảnh
thường bày cây phát lộc vào ban “Thần Tài” hoặc để trong phòng khách, cây to
hơn nữa thì để hai bên cửa ra vào. Nó vừa có ý nghĩa mang lại may mắn, phát tài
phát lộc vừa tạo được môi trường thiên nhiên trong ngôi nhà. Do đó, loại cây
cảnh này rất thích hợp để bày trong bàn làm việc, sảnh cơ quan, nhà hàng, khách
sạn hay dùng làm quà biếu trong dịp Tết. Không chỉ chơi được trong những ngày
Tết, giống cây này còn giữ được xanh tốt quanh năm nên được nhiều người ưa
chuộng. Anh Nguyễn Văn Toàn, một “nhà cây” nổi tiếng làng nghề cho biết, những ngày
cuối năm này bà con huy động thời gian tối đa làm cả ngày lẫn đêm mà vẫn không
đủ hàng.
Cành phát lộc được uốn cách điệu.
Giá bán mỗi chậu cây phát lộc vào
thời điểm chính vụ thường dao động từ 200 nghìn - 1 triệu đồng/chậu (loại tháp
cao 3 - 7 tầng), tùy thuộc vào từng kích cỡ to, nhỏ, cá biệt loại 9-15 tầng
(cao 150cm) thì giá bán từ 2-3 triệu đồng/chậu. Trung bình một gia đình làm cây
ở thôn Đình Phùng, mỗi tháng bán được 150-200 chậu, đem lại thu nhập từ 10-15
triệu đồng/hộ/tháng. Mỗi hộ làm cây ở Đình Phùng bán 200-600 chậu/năm, thu nhập
từ 40-70 triệu đồng.
Không ai trong thôn Đình Phùng còn
nhớ cái nghề “hóa thân” cho cây phát lộc du nhập về đây tự bao giờ. Chỉ nhớ
rằng, hơn 10 năm về trước, có người ở làng đi Trung Quốc thấy bên đó họ làm rất
đẹp và có nhiều người mua về chơi trong dịp Tết. Người đó đã “học mót” về tự
làm. Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề làm cây cảnh, cộng với sự khéo léo
của người dân, nhiều nhà trong làng giàu lên nhờ loại cây này.
Từ một xã thuần nông, đến nay, nhờ
nghề làm cây cảnh mà đời sống của người dân tại thôn Đình Phùng đã có những cải
thiện đáng kể. Những vật dụng đắt tiền trong nhà đối với người dân ở Minh Tân
không còn là “chuyện lạ” nữa! Giờ, người dân chỉ còn nghĩ đến việc chăm chút
cho thương hiệu cây cảnh làng mình ngày càng có sức lan tỏa vươn đi khắp mọi
miền Tổ quốc...
Nguồn: Báo Biên phòng