Thị trấn Nam Ban
chỉ cách thành phố du lịch Đà Lạt 24km, là nơi có nhiều trang trại trồng hoa,
thác Cam Ly, thác Voi, làng nghề... nên làm du lịch trải nghiệm đang là hướng
đi mới cho ND nơi đây.
Rời quê hương Đông Anh (Hà Nội) theo ba mẹ vào cao nguyên
Langbiang lộng gió khi mới 15 tuổi, 33 năm gắn bó với vùng đất Nam Ban, ông
Phạm Văn Cường đã trở thành một tỷ phú và giờ ông đang nỗ lực đem nét văn hóa
truyền thống của cha ông giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Du khách nước ngoài thích thú với quy trình ươm tơ, dệt lụa
ở cơ sở Cường Hoàn.
“Con đường tơ lụa”
Cường Hoàn
Ông Cường kể về sự nghiệp “con đường tơ lụa” của mình như
một cơ duyên trời ban. Năm 1989, ông xuất ngũ về quê, đất canh tác eo hẹp, nghề
phụ không có. Quê mới nằm trong vùng nguyên liệu của ngành tơ tằm, ông nghĩ đến
việc mua bán kén. Duyên nghiệp không phụ công người, ông phát triển thêm vài
khâu trong ngành tơ lụa đó là nuôi tằm, ươm tơ rồi bán tơ sống cho các nhà máy
dệt trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Không dừng lại ở đó, ông muốn tự mình làm ra
những sản phẩm tơ lụa ngay tại vùng đất Nam Ban.
Để thực hiện ước mơ, ông trở ra quê lụa Hà Đông học nghề. Có
nghề, ông trở lại cao nguyên, cho ra đời những sản phẩm tơ lụa Hà Đông... Rồi
ông quyết định gắn cơ sở sản xuất của mình thành điểm du lịch khi một lần vô tình
có 2 vị khách nước ngoài ghé thăm và tỏ ra vô cùng thích thú.
Cơ sở sản xuất nhỏ ngày nào nay đã trở thành doanh nghiệp tư
nhân sản xuất tơ lụa khép kín từ A- Z (ươm tơ, dệt lụa, tẩy nhuộm màu, may,
thêu thành phẩm) và dịch vụ du lịch Cường Hoàn (Cuonghoan Silk). Mỗi năm cơ sở
của ông đón khoảng 70.000 lượt khách trong và ngoài nước tham quan.
Theo ông Cường, nhờ khí hậu mát mẻ nên chất lượng tơ của Lâm
Đồng rất tốt, không bị gai gút, độ dài tơ đạt chuẩn, vải dệt dày, bóng. Sợi tơ Cuonghoan
Silk đang cung cấp cho một số nhà máy dệt và xuất đi Thái Lan, Lào, Campuchia.
Doanh thu từ sợi tơ khoảng 20 tỷ đồng/năm, chiếm 80% tổng doanh thu của
Cuonghoan Silk. Sản phẩm khăn lụa, áo lụa… thương hiệu Cuonghoan Silk được du
khách rất yêu thích.
Dế hút khách du lịch
Chàng trai thế hệ 8X Nguyễn Quang Huy lại níu chân khách du
lịch bằng những tiếng kêu vui tai và món dế chiên xả. Huy quê Thanh Hóa, năm
2001, anh thi đậu ngành Anh văn, Trường Đại học Đà Lạt, nhưng vì bố mẹ quá khó khăn,
bản thân lại hay bệnh, anh đành bỏ dở chuyện học hành. Năm 2004, anh theo người
anh em về vùng đất Lâm Hà tìm kế sinh nhai.
Bắt tay vào công cuộc mưu sinh, anh mê mẩn các loại côn
trùng như châu chấu, muỗm, nhưng rồi lại bén duyên với dế. Tự mày mò kỹ thuật
nuôi dế trong sách báo, trên mạng Internet không đủ, anh khăn gói bắt xe xuống Củ
Chi (TP. Hồ Chí Minh), nơi có trang trại dế quy mô nhất miền Nam để “tầm sư học
đạo”. Ít lâu sau, anh trở về với vài chục con dế giống Thái, nuôi thử nghiệm
trong chậu nhựa. Lũ dế hợp “phong thủy”, lớn nhanh như thổi.
Mỗi năm cơ sở Cường Hoàn đón khoảng 70.000 lượt khách trong
và ngoài nước tham quan.
Cứ thế anh mở rộng diện tích trang trại với hàng chục ô
chuồng và hàng chục ngàn con dế. Hiện, bình quân mỗi tháng anh xuất 50kg dế,
giá 200.000 đồng/kg cho các nhà hàng trong tỉnh.
Với vốn ngoại ngữ đã được học, anh nghĩ tới việc biến trang
trại nuôi dế của mình thành điểm du lịch. Anh đón những vị khách đầu tiên khi
vừa dựng biển. Và “Trang trại dế Thiên An” ra đời. Huy tự hào: “Trung bình mỗi
tháng, trang trại dế đón chừng 800-1.000 du khách và có rất nhiều khách đã trở
lại tham quan trang trại nhiều lần.
Nguồn: Dân Việt