KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(29-33)- Phùng Xá phát huy thế mạnh làng nghề
(Ngày đăng: 12/03/2023   Lượt xem: 71)

Phát huy lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, thời gian qua, nghề dệt truyền thống xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tiếp tục vươn lên, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động  

Cách trung tâm Hà Nội khoảng 40km, xã Phùng Xá nổi tiếng với nghề dệt truyền thống. Những năm gần đây, nhờ cải tiến công nghệ sản xuất và mẫu mã, nghề dệt ở đây không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố trong cả nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương và các vùng lân cận. 
Người dân xã Phùng Xã với nghề dệt lụa, tơ tằm

 
Người dân xã Phùng Xã với nghề dệt lụa, tơ tằm

Phó Chủ tịch UBND xã Phan Thị Nhung cho biết: nhờ phát triển kinh tế làng nghề, trong đó nghề dệt đóng vai trò chủ đạo, đến nay toàn xã có khoảng 1.700/2.230 hộ gia đình chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm... ". Nghề dệt đã tạo việc làm cho 4.500 lao động trên địa bàn và khoảng 2.000 lao động vùng lân cận, với mức thu nhập trung bình khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng, giúp các hộ dân xóa đói giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống".

Huyện Mỹ Đức xem OCOP là giải pháp quan trọng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị có lợi thế của địa phương. Trên cơ sở đó, tiếp tục tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần bổ trợ cho lộ trình xây dựng nông thôn mới bền vững, nâng cao. Đối với các sản phẩm đã được công nhận OCOP, huyện sẽ tiếp tục đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng để được nâng hạng sao; duy trì, nhân rộng điểm giới thiệu và bán sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Trang

Trao đổi với người dân nơi đây được biết, nghề dệt Phùng Xá đã trải qua gần 100 năm, khởi nguồn là ươm tơ dệt lụa qua các thời kỳ hợp tác xã, nay làng nghề chuyển sang cơ chế thị trường. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp tích cực tham gia Chương trình (OCOP) của TP. Hà Nội. Đến nay, trên địa bàn xã đã có 34 sản phẩm của 8 chủ thể là hộ sản xuất, doanh nghiệp được thành phố chứng nhận OCOP như: “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen”, “Chăn bông tơ tằm tự dệt”; các sản phẩm khăn mặt, khăn tắm làm từ sợi nở, sợi tre, sợi cotton…

Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Công ty TNHH Dệt May Thành Long Phạm Đình Thành cho biết: doanh nghiệp thường xuyên có 100 công nhân lao động. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp đã sản xuất được dòng sản phẩm khăn bông sợi nở có khả năng thấm hút cao, mềm mại, tiện dụng, an toàn. Sản phẩm đang được bày bán ở nhiều siêu thị và được các khách sạn đặt hàng. Với việc tham gia chương trình OCOP của thành phố, đến nay sản phẩm của đơn vị chúng tôi xuất hiện nhiều hơn tại các siêu thị, hội chợ triển lãm hàng tiêu dùng của thành phố, qua đó có nhiều cơ hội tiếp cận đến với người tiêu dùng.

Tạo điều kiện để nghề dệt tiếp tục phát triển

Chủ tịch UBND xã Vũ Văn Chùy cho biết: hiện, Phùng Xá đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, do đó phát triển các ngành nghề, trong đó có nghề dệt chính là một trong những điểm sáng.

Góp công trong “điểm sáng” Phùng Xá, Hiệp hội làng nghề địa phương được người dân địa phương coi như “cánh chim đầu đàn” khi đưa ra những định hướng linh hoạt, phù hợp và có tầm nhìn. Đến nay, các doanh nghiệp dệt thành viên của Hiệp hội tại địa phương như Trường Thịnh, Dệt may Thành Long, Công ty khăn Mỹ Đức... đã tìm cách mở rộng thị trường nội địa, khai thông hướng xuất khẩu và hỗ trợ người dân giữ gìn chuỗi cung ứng dù gặp nhiều khó khăn sau dịch Covid-19.

Đại diện Hội làng nghề cho biết: trước dịch, riêng Phùng Xá có khoảng 1.000 máy dệt, nhưng dịch khiến giá nguyên liệu như bông, hóa chất tăng trong khi đơn hàng tạm ngừng, khiến sản lượng giảm tới 40% và không ít hộ gia đình phải bán sắt vụn máy dệt. Tuy nhiên đến nay, Hiệp hội đã hết sức hỗ trợ, khuyến cáo người dân giữ chuỗi cung ứng, nâng dần sản lượng và chất lượng hướng tới phân khúc tầm cao hơn. Kết quả, khăn Phùng Xá đã tiếp cận được thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ... đóng góp không nhỏ vào việc góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân địa phương và các vùng lân cận; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, chung sức làm đẹp quê hương Phùng Xá. 

Không giấu được niềm vui, bà Nguyễn Thị Ngà, ở xã Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức), đang có việc làm ổn định tại một doanh nghiệp dệt ở Phùng Xá cho biết: công việc chính của tôi là rọc khăn, máy bo viền, xếp khăn thành phẩm vuông vắn. Mỗi ngày đi làm, tôi được trả công 200.000 đồng. Đó là mức thu nhập khá, vì vậy kinh tế gia đình hiện nay cũng dần ổn định, có thêm thu nhập mỗi khi nông nhàn.

Tuy vậy, nền kinh tế thị trường đã và đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức cho tất cả các làng nghề trong xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, trong đó có nghề dệt ở Phùng Xá. Bởi doanh nghiệp dệt ở Phùng Xá đa phần là vừa và nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn về vốn và mặt bằng sản xuất. Do đó, để nghề dệt được tiếp nối và phát triển, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân,  các hộ sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề mong muốn được tạo thuận lợi trong vay vốn, đầu tư máy móc hiện đại cho sản xuất. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động mà còn giúp sản phẩm đồng đều hơn, chất lượng hơn, đáp ứng các tiêu chí để xuất khẩu và đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)

                                         Theo:  daibieunhandan.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

25
Đang xem:
72.470.301
Tổng truy cập: