Còn gần 1 tháng nữa là đến Tết Quý Tỵ, các làng nghề đã
chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Làng nghề rượu thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) đang
khẩn trương chuẩn bị hàng Tết
Vào những ngày Tết, hương là mặt hàng được nhiều người tìm mua nhất nên những
ngày này, không khí ở làng hương Đông Thôn, xã Quốc Tuấn (Nam Sách) đã rất sôi
động. Vừa nhanh tay cất những thẻ hương đã phơi xong, ông Vũ Đình Hiếu, một
người làm nghề lâu năm ở Đông Thôn cho biết: bình thường mỗi ngày, gia đình tôi
làm khoảng 15 vạn hương, đến gần Tết tăng lên 20 vạn, với nhiều loại như hương
vòng, hương nén... Để có đủ nguyên liệu, tôi phải đặt trước cả tháng với các
mối hàng. Tôi đã mua sắm một số máy móc để giảm công lao động vậy mà ngoài 8
lao động thường xuyên, vẫn phải thuê thêm 2 lao động khác với mức thu nhập 2
triệu đồng/người/tháng. Hương của gia đình tôi bán khắp nơi, từ Lào Cai, Yên Bái
đến Sài Gòn, Vũng Tàu. Các gia đình khác trong thôn cũng vậy, lượng hương sản
xuất trong tháng giáp Tết tăng từ 15-20% so với ngày thường.
Rời nhà ông Hiếu, chúng tôi đến khu dân cư Lộ Cương B, phường Tứ Minh (TP Hải
Dương). Khu có 210 hộ dân thì có đến 120 hộ làm nghề tráng bánh đa. Ông Phạm
Đức Việt, Phó Trưởng khu dân cư cho biết: Làm bánh đa phụ thuộc nhiều vào thời
tiết. Những ngày nắng khô, cả khu có thể làm đến 30- 35 tấn bánh còn những ngày
thời tiết âm u thì lượng bánh giảm chỉ còn 24-28 tấn mỗi ngày. Vào những ngày
giáp Tết, lượng hàng tăng lên khoảng 35-40 tấn. Ngoài việc sản xuất thủ công
như trước đây, hiện nay người dân còn mua sắm thêm một số máy móc như máy tráng
bánh, máy thái... để giảm sức lao động, tăng hiệu quả công việc. Hàng hóa ở đây
được tiêu thụ đi khắp nơi, thậm chí xuất sang cả nước ngoài. Tháng giáp Tết,
thời tiết không được thuận lợi nên nhiều người đã xây dựng cả nhà phơi bánh.
Bên dưới đốt lò than, bên trên để các phên bánh đa. Đang nhanh tay rút các phên
bánh đa phơi trên giàn, ông Phạm Văn Viển, một trong những người có thâm niên
làm bánh đa ở Lộ Cương cho biết: "Chúng tôi phải tranh thủ những ngày gần
Tết để sản xuất thêm, mong có một cái Tết đầy đủ, sung túc hơn. Trung bình mỗi
ngày nhà tôi chỉ làm khoảng 3 tạ gạo, nhưng trước Tết khoảng nửa tháng thì tăng
lên 4 tạ. Ngoài ra, tôi còn thu mua thêm bánh đa của những người dân xung quanh
để đáp ứng nhu cầu của các mối hàng. Bình thường chỉ có 2 vợ chồng tôi làm bánh
đa, đến những ngày gần Tết các con tôi phải giúp đỡ thêm. Ngoài làm việc ban
ngày, chúng tôi còn làm thêm buổi tối, có hôm đến 11-12 giờ đêm mới nghỉ".
Theo quan sát của chúng tôi, ngay từ bây giờ, không khí làng nghề đã trở
lên sôi động, xe chở bánh đa đi phơi của người dân trong làng đông hơn, có
nhiều xe của các thương lái đến lấy hàng. Người dân tận dụng mọi nơi, mọi chỗ
để phơi bánh. Thu nhập của những người làm nghề trong những ngày này cũng tăng
lên đáng kể.
Làng nghề rượu Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) cũng đang chuẩn bị một khối lượng
hàng hóa lớn để phục vụ Tết. Ông Hoàng Văn Phú, một người làm nghề 20 năm ở đâycho
biết: "Những ngày bình thường nhà tôi chỉ nấu 45 cân gạo, được trên 30 lít
rượu, còn đến gần ngày Tết nâng lên 60 cân/ngày. Vào những ngày áp Tết, khách
hàng phải đặt trước thì mới có hàng, có những người lấy đến 300-400 lít/lần. Có
những ngày "cháy" không có hàng để bán. Vì thế, năm nay tôi dự trữ khoảng
2 tấn gạo. Ông Vũ Đình An, Trưởng thôn Phú Lộc cho biết: Cả thôn có 963 hộ thì
có 300 hộ làm nghề. Việc nấu rượu của người dân thường sôi động bắt đầu từ
tháng 10 năm trước đến tháng 3-4 năm sau. Cứ vào dịp gần Tết, rượu được người
dân nấu gấp đôi ngày thường để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Rượu Phú Lộc
không chỉ tiêu thụ lẻ mà còn được nhiều đại lý, cửa hàng nhập với số lượng hàng
trăm lít. Không khí những ngày giáp Tết ở đây rất sôi động, tấp nập người ra
vào lấy hàng. Hiện nay đã có nhiều máy móc nhưng người dân làng nghề vẫn giữ
cách nấu truyền thống. Ngoài việc nấu rượu, người dân còn tận dụng phụ phẩm để
chăn nuôi, vì thế hiệu quả kinh tế tăng lên đáng kể.
Theo thống kê, tỉnh Hải Dương có hàng trăm làng có nghề, trong đó có 61 làng đã
được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống tiểu, thủ công
nghiệp", giải quyết việc làm cho 35 nghìn lao động, giá trị sản xuất năm
2012 đạt 2.500 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng giáp Tết doanh thu đã chiếm tỷ
trọng đáng kể.
Nguồn: Báo Hải Dương