Những năm gần đây, nghề trồng hoa công nghệ cao ở Đà Lạt (Lâm Đồng) nói
chung, làng hoa Hà Đông nói riêng, phát triển rất mạnh. Nhờ chuyển đổi từ sản
xuất hoa truyền thống sang ứng dụng KHKT công nghệ cao trong canh tác, nhiều gia
đình đã trở thành tỷ phú. Nhà lầu mọc san sát, riêng xe hơi đời mới nông
dân trong làng sở hữu 60 chiếc, còn xe tải nhiều vô kể...
Đứng
trên đồi thông tin (trên đỉnh đồi quân đội Pháp đặt trạm thông tin, người dân
Đà Lạt gọi đồi thông tin) nhìn xuống, làng hoa Hà Đông tựa như một “khu công
nghiệp” với những mái nhà che plastic trồng hoa nối tiếp nhau, lớp lớp như sóng
biển… Khi màn đêm buông xuống, làng hoa Hà Đông lại rực sáng như một thành phố,
ánh sáng đầy quyến rũ, lung linh huyền diệu bởi hàng vạn bóng đèn lấp lánh phát
ra từ những vườn hoa sáng cả một vùng trời.
Trao
đổi với chúng tôi, ông Văn Quang Long - Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường 8 cho
biết, tổng diện tích đất nông nghiệp của phường là 350 ha, trong đó có 250 ha
làm nhà kính. Riêng đất trồng hoa 200 ha, còn lại 150 ha trồng rau các
loại. Làng có 1.000 hộ sản xuất nông nghiệp. Đa số các hộ trồng hoa theo
công nghệ mới trong nhà kính plastic, hệ thống tưới và bón phân hoàn toàn tự
động. Sản lượng hoa hàng năm đạt 300 triệu cành, trong đó trên 90% là cúc các loại.
Người dân làng hoa rất tích cực và năng động trong việc tiếp cận và ứng dụng
phương thức canh tác hoa theo công nghệ tiên tiến, nhập về nhiều giống hoa mới
cho năng suất và chất lượng cao như: Lily, cát tường, bi bi, cúc Nhật, cẩm
chướng, địa lan…; đem lại hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ngày càng
được mở rộng, không chỉ phục vụ trong nước mà còn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Làng
hoa Hà Đông có 1 cơ sở nuôi cấy mô (Invitro) do nông dân đầu tư để bảo tồn và
sản xuất giống hoa sạch bệnh, 5 kho lạnh bảo quản giống hoa, 1 máy gieo hạt tự
động, 5 cơ sở ươm giống hoa cúc, hàng năm cung cấp giống hoa cho làng và các
huyện trong tỉnh, cũng như các tỉnh Tây Nguyên số lượng hàng trăm triệu
đơn vị giống hoa.
Ông
Long cho biết thêm, tháng 12/2009, TP.Đà Lạt có 3 làng hoa được tỉnh Lâm Đồng
công nhận, đạt tiêu chí làng nghề truyền thống là: Hà Đông, Vạn Thành, Thái
Phiên. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tỉnh Lâm Đồng phát triển NNCNC đã
tạo ra bước tiến vượt bậc, trong đó có sự đóng góp đáng kể của những sản phẩm
nông nghiệp như rau, hoa CNC, giá trị lên tới hàng tỷ đồng/ha/năm. Nhờ trồng
hoa theo CNC nhiều nông dân đã trở thành tỷ phú, mua sắm xe hơi, xây nhà lầu…
Ông
Vũ Nhuần, ở đường Vạn Kiếp, phường 8, TP.Đà Lạt, là một trong những người có
nhiều kinh nghiệm trồng hoa cho biết: Gia đình tôi trồng 6 sào (6.000m2),
chủ yếu hoa cúc. Trồng hoa CNC đòi hỏi kỹ thuật công phu, nhất là bón phân phải
tuân thủ nghiêm ngặt với tiêu chí hữu cơ bền vững, không ảnh hưởng tới môi trường.
Phân bón chủ yếu là vi sinh hữu cơ, ngoài ra sử dụng một số a xít amin và NPK
sinh học. Nếu thực hiện tốt như vậy thì chất lượng hoa cũng như màu sắc, độ bền
được nâng lên rõ rệt. Những năm gần đây, người trồng hoa hầu hết đã chuyển từ
sản xuất truyền thống sang ứng dụng CNC, nâng giá trị kinh tế hơn gấp nhiều
lần. Theo cách tính của ông Nhuần, nếu trồng 1 sào hoa cúc đóa hay cúc kim
cương, trừ chi phí, công cán, phân bón cũng thu được 150 triệu đồng, một năm
gia đình ông thu ngót 1 tỷ đồng.
Khác
với ông Nhuần, anh Nguyễn Văn Nghiệp, người cùng làng hoa Hà Đông lại trồng
1.500m2 hoa Lily và 1 ha hoa hồng. Anh Nghiệp cho biết, trước đây
gia đình cũng trồng hoa theo cách truyền thống, màu sắc đơn điệu, năng suất
thấp, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi áp dụng tiến bộ KHKT, công
nghệ cao vào trồng trọt, đời sống kinh tế của người dân thay đổi trông thấy. Với
diện tích trên 1,2 ha đất vừa trồng hoa Lily và hoa hồng, canh tác theo CNC,
một năm thu khoảng 2 tỷ đồng.
Ông
Đoàn Văn Quỳnh, hiện ở số 44B đường Vạn Kiếp, phường 8, TP.Đà Lạt vui vẻ cho
biết: Người trồng hoa ở đây rất đa dạng, người thích hoa hồng, người thích cẩm
chướng, người lại thích Lily… Nói chung ai thích cây gì thì đầu tư chuyên sâu
cây đó sẽ thành công. Tôi mê địa lan. Hoa địa lan quý phái, nhẹ nhàng đôi lúc
tỏ ra kiêu sa, chính vì vậy tôi đầu tư 6.000m2 nhà kính chuyên trồng
loại hoa này. Trồng địa lan đòi hỏi phải có vốn, kinh nghiệm và kỹ thuật cao,
chăm chút từng ly từng tý. Để cây bị bệnh, người trồng hoa luôn mất
ăn mất ngủ, muốn bệnh luôn. Hiện nay tôi trồng được khoảng 18.000 chậu địa lan,
trong đó chủ yếu là giống của Nhật và Úc.
Địa
lan nhiều màu nhưng chủ đạo vẫn là màu xanh và vàng. Hiện nay giá bán địa lan,
giống vàng của Úc (SJC) từ 1-1,2 triệu đồng/cành. Một chậu thông thường có 3-4
cành, đã có 3-4 triệu rồi. Những ngày gần Tết khách từ TP.HCM, Hà Nội vào tận
vườn để mua hàng, khách ưng chậu nào bê chậu đó, mình không phải mang đi đâu bán cả.
Nhờ chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang canh tác hoa theo CNC, mỗi năm gia
đình ông Quỳnh thu nhập từ 2-3 tỷ đồng, thỏa sức xây nhà, mua xe hơi đời mới.
Làng Hà
Đông, một địa danh trồng hoa nổi tiếng của Đà Lạt. Năm 1938, người Pháp ra Hà Nội
tuyển một số người giỏi về canh nông, ở Hà Đông, Vạn kiếp, Quảng Bá, Nhật Tân,
Từ Liêm vào để đáp ứng nhu cầu trồng rau, hoa lúc bấy giờ. Đợt đầu gồm 35 cụ,
điển hình như cụ Ngô Văn Ất, Ngô Văn Nhuận, Trần Văn Ỳ… là những người đầu
tiên vào lập nghiệp ở Đà Lạt.
Nhận thấy
khu vực này đồi núi thấp, khá bằng phẳng, nguồn nước tự nhiên rất dồi dào như
nước hồ Xuân Hương, thung lũng tình yêu và hồ nước đập Đa Thiện, thích hợp cho
việc quy dân lập ấp, an cư lạc nghiệp, phát triển nông nghiệp. Đại diện
cho 35 cụ lúc bấy giờ đã làm đơn xin được lập ấp và được Tỉnh trưởng lúc bấy
giờ đồng ý.
Năm 1938,
ấp chính thức được thành lập và lấy tên là ấp Hà Đông. Ngay từ ngày lập ấp, người
dân đã chọn ngành trồng hoa để ổn định cuộc sống. Một số giống hoa có tại Đà
Lạt lúc bấy giờ được canh tác và phát triển tốt tại vùng đất mới như: Lay ơn,
Xạc ra, Mar-garite, cúc vạn thọ…
Nguồn: Báo Nông Nghiệp