Làng Yên Xá (Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội)
được ví như xứ sở của nghề guốc.Thế nhưng giờ đây, làng nghề đang dần chìm vào
quên lãng. Dấu xưa, nghề cũ chỉ còn thấp thoáng trong vài hộ yêu nghề
Mỏi mắt đi tìm tiếng
“lộc cộc”
Yên Xá vốn nổi tiếng với rất nhiều nghề truyền thống như
nghề tơ sợi, nghề dệt và nghề làm guốc. Trong đó, nghề làm guốc đã trở thành
thương hiệu nổi tiếng về mẫu mã cũng như chất lượng. Song, đó là câu chuyện của
rất nhiều năm về trước.
Với sự xuất hiện của guốc xốp, guốc nhựa, guốc mộc đã mất
dần chỗ đứng trên thị trường.
Đến với Yên Xá bây giờ, chúng tôi được nghe các cụ cao niên
trong làng kể lại về thời kỳ hưng thịnh của “kinh đô guốc” là những năm 1980 –
1985. Trước hầu như gia đình nào cũng làm guốc, cả làng có tới 80% người làm nghề,
chủ yếu làm loại guốc 5 – 7 phân. Guốc của làng Yên Xá thường được đóng một
triện hình con voi lên đỉnh để phân biệt.
“Thanh niên bây giờ nếu không đi học thì đi làm công nhân
chứ không còn học làm guốc như trước đây nữa”.
Ông Nguyễn Văn Đức
Theo sự chỉ dẫn của các cụ, chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân
Trương Công Đức, một trong ít hộ gia đình còn nối nghiệp làm guốc. Ông cũng
chính là Nghệ nhân Bàn tay Bạc chế tạo đôi guốc lớn nhất Việt Nam.
Nghệ nhân Đức chia sẻ: “Tôi kế thừa cái nghiệp này từ tổ tiên
để lại, tới đời tôi là thế hệ thứ 3. Nghề làm guốc thấm vào máu, bao giờ vẫn
còn làm được thì tôi vẫn sẽ giữ nghề”.
Để làm ra đôi guốc, người thợ phải làm nhiều công đoạn. Từ
cây gỗ phải cưa khúc, bổ khổ, sau đó cho vào máy xẻ, tiếp đến là công đoạn mài
thô, mài bóng, mài nhẵn, phun sơn, đóng đế và quai... “Tuy nghề làm guốc vất vả
là thế nhưng đổi lại thu nhập lại không đáng kể, gia đình nào tâm huyết cũng đành
bỏ nghề”- ông Đức bộc bạch.
Rời nhà Nghệ nhân Đức, đến với gia đình anh Vũ Văn Thiều.
Tại xưởng nhà anh, những đôi guốc chưa thành phẩm và gỗ nguyên liệu chất đầy
một góc sân. Anh Thiều cho biết: “Tôi sống trên đất làng nghề nên bén duyên với
nghề guốc. Nhưng làm nghề không đủ sống, giờ đây tôi chỉ tranh thủ làm hàng lúc
nông nhàn hay vào những ngày nghỉ cuối tuần”.
Khó giữ một nghề
Guốc có rất nhiều loại khác nhau, nhưng chia ra thành 2 loại
chính: Guốc thời trang và guốc thô. Trong đó, guốc thời trang là mặt hàng được
đặt nhiều hơn và phần lớn là xuất khẩu, còn guốc thô được mua với số lượng ít
để bán lẻ ở các chợ và cho các lớp võ cổ tryền cũng như các vở nhạc kịch. Nghệ
nhân Đức cho biết: Thông thường, một đôi guốc thời trang nhập với giá 95.000
đồng/đôi, còn giá một đôi guốc mộc thô giá 17.000 đồng/đôi.
“Bây giờ người ta đi guốc nhựa, guốc xốp nhiều. Làm guốc mộc
chi phí đắt: Tiền gỗ xoan, đinh, quai và tiền điện máy làm guốc đã lên đến
14.000 đồng/đôi, trong khi đó bán ra chỉ được 17.000 đồng/đôi. Lời lãi chẳng
được bao nhiêu nên mọi người đều phải chuyển sang làm nghề khác hoặc kinh doanh,
xây nhà trọ cho thuê”.
Tại Nhật Bản, nghề làm guốc gỗ (còn gọi là Geta) vẫn sống
khỏe nhờ đi kèm với quốc phục Kimono. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân ở Nhật,
nghề sở dĩ vẫn sống bởi guốc được làm hoàn toàn bằng tay rất tỉ mỉ và kỳ công.
Gỗ được làm từ những loại gỗ tốt nhất và vải bạt thượng hạng... Đặc biệt trên
mặt guốc có nổi lên những thớ gỗ giúp kích thích huyệt đạo rất tốt cho sức khoẻ.
Với một thợ lành nghề như Nghệ nhân Đức có thể làm 30 đôi
guốc/ngày, ông chủ yếu làm guốc thời trang nên có thu nhập hơn 200 triệu
đồng/năm. Tuy nhiên, chỉ mình ông có mối bán hàng ở miền Nam nên mới có
thể duy trì.
Về chính sách khôi phục và định hướng phát triển làng nghề,
ông Nguyễn Văn Đức – Phó thôn Yên Xá cho biết: “Dù rất mong muốn giữ gìn và
phát huy làng nghề nhưng hàng guốc lại cần mẫu mã và thời trang, dân không theo
kịp, trong khi lợi nhuận mang lại thấp. Vì thế, chúng tôi không có cách nào để
phát triển nghề”.
Yên Xá giờ đây nhà cửa san sát. Các dự án, công trình mọc
lên như nấm sau mưa. Và rồi thêm một nghề truyền thống mà tổ tiên, ông cha ta
đã truyền lại sẽ bị mai một, có thể sẽ thất truyền trong thời gian tới.
Nguồn: Dân Việt