Đến
Tân Triều hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng: làng đã gần với
phố, bộ mặt nông thôn xưa ngày càng khang trang, cuộc sống người dân
ngày một đổi thay... nhưng các giá trị của một làng nghề vẫn hiện hữu.
|
Chị Trần Thị Vinh, xã viên HTX Công nghiệp Triều Khúc đang miệt mài với công việc. |
Những tháng cuối năm, xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) như bận rộn, tất
bật hơn. Từ xa xưa, Tân Triều nổi tiếng với làng nhiều nghề (LN), nay
tuy có mai một dần nhưng vẫn duy trì được những hoạt động chính yếu. Bí
thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Chí cho biết, Tân Triều có 2 thôn là Triều
Khúc và Yên Xá, trước đây Tân Triều được biết đến như một LN "bách nghệ"
của Hà Nội với 18 nhóm ngành nghề khác nhau. Chỉ tính riêng thôn Triều
Khúc trước đây nổi tiếng là LN thủ công về thêu, dệt the, dệt khăn mặt,
tơ lụa, nhuộm áo, nghề nhuộm, sản xuất chỉ, thu gom và tái chế phế liệu,
lông vũ… Còn thôn Yên Xá thì có nghề làm giày dép thời trang... đã đi
vào thơ ca mà đến nay vẫn còn được truyền tụng: "Tân Triều làng cổ ngoại
thành - Hai thôn đều có nghề mình làm riêng - Yên Xá nghề guốc cổ
truyền - Tôn cho phái nữ gót sen tươi hồng..." hay: "Làng nghề Triều
Khúc quê tôi - Sáu nghề tổ dạy, bao đời truyền trao - Dây đàn, dây rút,
quai thao - Chân chỉ, tóc độn đã bao nơi dùng…".
Hơn chục năm trở lại đây, cùng với các nghề truyền thống, Tân Triều còn
phát triển thêm nhiều ngành nghề mới như xây nhà cho thuê, dịch vụ ăn
uống, giải khát, sửa chữa xe máy, đồ điện gia dụng... làm cho đời sống
người dân được nâng lên rõ rệt. Xã hiện có 4.867 hộ (trên 24.475 nhân
khẩu) thì có tới 1.457 hộ cá thể sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công
nghiệp và dịch vụ thương mại. Mặc dù hiện nay, số hộ theo nghề truyền
thống còn rất ít: làm guốc mộc chỉ còn 10 hộ, sản xuất lông vũ còn 2-3
hộ, tóc giả còn 1 hộ… nhưng người dân đã năng động hơn, nhạy bén với thị
hiếu của thị trường.
Riêng với nghề dệt, người dân đã không chuyên vào sản xuất khăn mặt hay
hàng thổ cẩm như xưa mà chuyển sang dệt băng phù hiệu, cấp hiệu cho bộ
đội, công an và lực lượng dân sự, dệt vải và túi đựng tiền các loại...
Bàn tay khéo léo của người Tân Triều còn làm ra những quả "cù" dùng
trong ngày Tết - một nét đặc trưng của văn hóa người Việt, để treo trên
bàn thờ, mong muốn một năm với nhiều niềm vui mới, sung túc, an lành và
làm ăn phát đạt.
Đến thăm cơ sở sản xuất dệt của HTX Công nghiệp Triều Khúc, thấy chúng
tôi nhìn hơn chục chiếc máy dệt đã cũ kỹ, có vẻ nghi ngại về chất lượng
sản phẩm, Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Quy xòe đôi bàn tay ra nói ngay: "Sản
phẩm dệt của Triều Khúc không phụ thuộc nhiều vào máy móc mà vào đôi tay
của người thợ". Rồi như để chứng minh cho điều mình nói, ông dẫn chúng
tôi tới xưởng sản xuất bên cạnh, nơi hàng chục phụ nữ đang miệt mài
chọn, nhặt từng sợi chỉ sau đó đan tết lại với nhau. Nhìn họ làm việc,
chúng tôi mới thấy được sự tỉ mỉ để làm ra được một sản phẩm. Chị Trần
Thị Vinh, thợ dệt vải cho biết, chứng kiến sự thăng trầm của bao LN,
tưởng rằng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế thị trường như hiện
nay thì nghề dệt ở Triều Khúc sẽ mất đi nhưng nay chỉ giảm về số hộ còn
sản phẩm làm ra lại nhiều hơn, không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu
sang các nước như Lào, Campuchia.
HTX có 133 xã viên thì đến 70% là phụ nữ nhưng họ rất yêu nghề. Không
chỉ làm những mặt hàng thủ công, đơn giản, người làm nghề ở Triều Khúc
còn làm được những mặt hàng cao cấp, phức tạp, thậm chí mang tính đặc
thù cao như dây viền kính máy bay phản lực cung cấp cho Nhà máy A32 Quân
chủng Phòng không - Không quân (trước đây, dây phải nhập khẩu từ Liên
Xô (cũ) với giá rất đắt). Anh Nguyễn Hữu Lâm, người thợ trực tiếp làm ra
sản phẩm này tâm sự: Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác đến từng
chi tiết, nhưng do có kinh nghiệm từ nghề dệt nên mỗi ngày dệt được
khoảng 3-4m dây, hoàn toàn bằng tay...
Dẫu vậy, khi cùng chúng tôi đi thăm một vài cơ sở sản xuất guốc mộc, làm
lông vũ đang hoạt động, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Chí vẫn không giấu
được vẻ ưu tư khi cho biết: Bên cạnh những mặt tích cực như đã thấy,
cái buồn của Triều Khúc hôm nay là ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải
quyết triệt để. Mặc dù huyện đã quy hoạch cụm công nghiệp LN quy mô tới
10ha để đưa các hộ sản xuất ra khỏi khu dân cư nhưng vì nhiều lý do,
hiện mới có 12 hộ vào, còn lại vẫn sản xuất tại nhà. Xã đã xây dựng quy
hoạch LN phát triển kết hợp với du lịch nhưng không giải quyết triệt để
được ô nhiễm môi trường thì LN vẫn khó "bứt" lên được...