Những ngày “nhớ nắng”, xuôi dòng Hương Giang về làng hoa Phú Mậu (huyện
Phú Vang, TT- Huế), cả một cánh đồng hoa với đủ màu sắc trải ra trước mắt.
Người dân vùng đất chiêm trũng nơi đây vốn cần cù, với đôi bàn tay khóe léo đã ươm
những mầm hoa mang hương xuân cho phố phường…
Hoa kiểng được mùa
Trồng
hoa tết là một nghề truyền thống có từ lâu ở xã Phú Mậu. Hầu hết cư dân ở các
thôn Tiên Nộn, Quy Lai, Thanh Tiên… nhà nào cứ vào dịp cận Tết cũng có vài sào
hoa trồng để bán. Cây hoa trở thành một lợi thế ở vùng đất này bởi nó được
hưởng đặc ân phù sa nơi hạ nguồn sông Hương.
Tranh
thủ thời tiết tạnh ráo, ông Lê Văn Lự (thôn Tiên Nộn) đang ra đồng hoa nhổ cỏ,
tỉa nhánh cho vựa hoa tết của mình. Ông Lự cho biết: “Như những ngày thường
mình trồng khoảng hai sào hoa các loại. Duy chỉ có trồng hoa Tết thì ít hơn, số
lượng chỉ một sào thôi. Thời tiết năm nay có lợi thế là không lụt nên cây hoa
sinh trưởng tốt, đều, thân bậm. Nếu giá bán được như năm ngoái thì bà con ở đây
không còn lo chuyện lỗ nữa.
Mặt
khác, thông thường thị trường hoa Tết ở Huế chỉ cung ứng được một nửa, chủ yếu
hoa từ Đà Lạt và các vùng khác đổ về. Năm nay chưa biết giá cả thế nào, tuy
nhiên đến nay xem như đã thành công bước đầu”.
Vườn hoa
Tết của ông Lự chủ yếu trồng các loại hoa ly, thược dược, cúc, chuông… được lấy
giống từ TP. HCM và Đà Lạt. Điểm đặc biệt năm nay, ngoài các loại hoa thông
thường, ông Lự đã mạnh dạn đưa vào hoa chuông, thược dược và ly để trồng thử
bán Tết.
Ông
Lự nhẩm tính: “Hoa ly mình lấy giống củ đã 16.000 - 17.000 đ/củ, trồng trong 3
tháng, tính cả chi phí từ công sức, phân bón, tre nan…bình quân mỗi chậu cây
trên 30.000 đồng. Dịp Tết bán với giá từ 45.000 - 50.000 đồng/cây mới có lãi
được. Đối với hoa thược dược, nếu được giá thì lãi từ 10.000 - 15.000
đồng/chậu”.
Cùng
chung niềm vui với ông Lự, hơn 20 hộ trồng hoa là xã viên của HTX Phú Mậu 2
cũng đang khấp khởi mừng cho vựa hoa được mùa năm nay. Cứ đến 15/10 ÂL là người
dân Tiên Nộn bắt đầu bước vào trồng hoa Tết. Cây lúa đang ngày một khó khăn do
thời tiết không chiều lòng người, thì hoa bán tết đã giúp người dân vùng
đất trũng có cái tết ấm no hơn.
Ông
Nguyễn Xuân Hùng, một hộ dân trồng hoa ở Tiên Nộn chia sẻ: “Bình quân mỗi hộ
đều có từ 1 - 2 sào hoa bán Tết. Gia đình tui năm nay chỉ trồng gần 1 sào cúc
mà thôi. Hoa cúc bán tết dễ “chạy” hơn. Cứ như năm nay, đến thời điểm nay bà
con ai cũng mừng vì không bị lụt, hoa được mùa. Trừ chi phí 1 sào hoa cúc cũng
kiếm được vài chục triệu đồng”.
Ông
Hà Út, Chủ nhiệm HTX Phú Mậu 2 cho biết: “Toàn thôn Tiện Nộn có khoảng 150 hộ
dân thì có hơn 50% số hộ đều trồng hoa. Tận dụng được lợi thế về đất đai, nguồn
nước tưới, năm nay toàn HTX đưa vào trồng gần 10 ha hoa Tết các loại. Thời tiết
khá thuận lợi, nếu ổn định được giá cả thì bình quân mỗi hộ cũng thu nhập từ 30
- 50 triệu đồng”.
Hoa giấy hồi sinh
Từ
con đường liên thôn trải dài ven chân ruộng, đến thôn Thanh Tiên, từ đầu làng
đã thấy bảng "Làng nghề truyền thông hoa giấy Thanh Tiên". Điểm khác
biệt so với mọi năm, hoa giấy không chỉ được làm một lần mỗi lúc tết đến xuân
về mà bằng sự khéo léo của những nghệ nhân nơi đây, hoa sen giấy đã ra đời và
đã được làm quanh năm, bán cho những tư thương có nhu cầu ở các chợ.
Từ
lâu, hoa giấy Thanh Tiên đã gắn với đời sống tâm linh của người dân xứ Huế.
Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, hoa giấy Thanh Tiên lại theo chân những người dân
trong làng dạo khắp phố phường.
Để
có những cánh hoa sặc sỡ màu sắc, những người thợ Thanh Tiên phải chuẩn bị các
công đoạn từ mùa khô mấy tháng trước. Từ tháng 9 - 10 ÂL hằng năm, các
nghệ nhân bắt đầu chọn những cây tre tốt trong làng đem chẻ nhỏ, vót mỏng phơi
khô làm cuống hoa. Nghề làm hoa giấy cũng công phu, đòi hỏi tính kiên trì không
kém gì trồng hoa tươi.
Những
cành hoa, cuống hoa được phơi kỹ trong mấy tháng mùa khô, sau đó được đem tẩm
phẩm màu. Phẩm màu có thể là các hợp chất hoặc được chiết xuất từ các loại cây cỏ
trong làng, tạo nên một thứ màu sắc đặc trưng không lẫn được của hoa giấy Thanh
Tiên.
Chính quyền xã Phú Mậu đang hoàn
thiện hồ sơ gửi UBND tỉnh TT- Huế để được công nhận nghề làm hoa giấy Thanh
Tiên là một làng nghề truyền thống. Trong các kỳ Festival, hoa giấy Thanh
Tiên đã có mặt trong cuộc thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm hàng
lưu niệm phục vụ du lịch Huế do UBND tỉnh TT- Huế tổ chức.
|
Giấy
làm hoa có thể do những người thợ tự nhuộm bởi những màu sắc tự nhiên mà mỗi
gia đình có một bí kíp riêng. Ngày nay, rất ít gia đình trong làng sử dụng
phương pháp này. Giấy làm hoa chủ yếu là các loại giấy màu bán sẵn với các màu
sắc khác nhau.
Anh
Nguyễn Hiếu, một thợ làm hoa giấy cho biết: “Năm nay gia đình mình thử nghiệm
đưa loại hoa sen giấy vào làm để bán trong dịp Tết. Các loại hoa giấy khác
nhiều lúc không thể cạnh tranh được với loại hoa làm từ kẽm, nhựa từ các vùng
khác đưa về.
Hoa
sen giấy bền, đẹp hơn nên được người dân xứ Huế rất ưa chuộng. Cứ chi phí mỗi
cành mình làm ra khoảng 6.000 đồng, dịp tết bán với giá 9.000 - 10.000 đồng/hoa
mới có lãi. Nhìn chung mình làm hoa giấy vừa giữ được nghề của cha ông, vừa
kiếm kế sinh nhai trong mấy ngày Tết”.
Nghệ
nhân Nguyễn Hóa (54 tuổi), một trong những người có tâm huyết với nghề hoa
giấy. Một thời hoa giấy tưởng đã mai một đi, chính ông đã đi học hỏi ở các làng
nghề truyền thống, đổi mới mẫu mả, đầu tư công cụ hiện đại hơn để đưa nghề hoa
giấy trở lại.
Hiện
nay, cơ sở làm hoa giấy Thanh Tiên của ông đã có các đơn vị đặt hàng ổn định.
Ông đã truyền nghề lại cho con trai của mình là anh Nguyễn Hiếu. Từ những bước
thành công đầu tiên của ông Hóa, hiện ở Phú Mậu có hơn chục hộ dân đã trở
lại làm nghề hoa giấy.
Nguồn: Báo Nông Nghiệp