KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Loay hoay tìm lối đi
(Ngày đăng: 18/01/2013   Lượt xem: 841)

Với hơn 1.300 làng nghề, trong đó có 244 làng nghề truyền thống, Hà Nội là địa phương có nhiều cơ hội phát triển du lịch làng nghề. Nhưng trong nhiều năm qua, du lịch làng nghề ở Hà Nội vẫn phát triển một cách tự phát và đang chờ sự đầu tư thỏa đáng cả về cơ sở hạ tầng và phương thức phát triển hoạt động du lịch.

bat trang.jpg

Làng gốm sứ Bát Tràng hiện nay thu hút rất nhiều khách du lịch tới tham quan và mua sắm.

Trong số các làng nghề Hà Nội, làng gốm cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Ðông) được các khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến nhiều hơn cả. Nhiều sách hướng dẫn du lịch của thế giới cũng có chỉ dẫn cho khách du lịch đến tham quan hai làng nghề này, khi họ đi du lịch ở Việt Nam. Trên thực tế, hai làng nghề này có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như: ở gần trung tâm Hà Nội, giao thông thuận tiện, số hộ tham gia làm nghề trong làng khá đông... Theo số liệu của Sở Công thương Hà Nội, mỗi tháng làng nghề Vạn Phúc thu hút từ 5.000 đến 7.000 khách đến tham quan, mua sắm các sản phẩm lụa. Làng gốm Bát Tràng đông khách đến hơn, do nơi này phát triển khá tốt dịch vụ kinh doanh tại chợ gốm và các dịch vụ tô vẽ tượng, nặn đồ gốm dành cho các em nhỏ.

Tuy nhiên, ngoài hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc thu hút nhiều khách đến thăm, các làng nghề khác như: làng mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Ðộng, sơn mài Hạ Thái (huyện Thường Tín), khảm trai Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), chạm khắc gỗ Liên Hà (huyện Ðông Anh)... vẫn trong tình trạng tiềm năng bỏ ngỏ. Bất cập đầu tiên là hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động du lịch, do đường giao thông chưa thuận lợi, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi chưa có hoặc mới ở mức độ sơ khai, chưa có các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm xứng tầm. Trong khi người dân ở các làng nghề thiếu cả kỹ năng giao tiếp lẫn kỹ năng bán hàng. Ngay cả vấn đề tế nhị là hệ thống nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch đến tham quan, mua sắm ở các làng nghề này cũng chưa được xây dựng. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến Dũng nhận định: "Hà Nội đứng đầu cả nước về số lượng làng nghề, nhưng để khai thác di sản làng nghề truyền thống phục vụ phát triển du lịch còn rất nhiều khó khăn. Ngoài những bất cập về hạ tầng cơ sở, dịch vụ du lịch, thì hạn chế lớn nhất là nhận thức về làm du lịch của chính quyền địa phương và người dân còn quá bất cập".

Mới đây, khi khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch tại làng nghề chạm khắc gỗ Liên Hà (xã Liên Hà, huyện Ðông Anh), nhiều thành viên trong đoàn khảo sát du lịch của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội băn khoăn tự hỏi: Nếu đưa khách du lịch về đây, không biết sẽ cho họ xem gì, chơi đâu, mua bán như nào? Bởi các mặt hàng phục vụ du lịch không nhiều vì các sản phẩm chạm khắc gỗ tại làng nghề này chuyên về sản phẩm gia dụng lớn như giường, tủ, bàn, ghế, sa-lông. Ðó là chưa kể tới yếu tố môi trường không bảo đảm vì làng nghề quá nhiều bụi và tiếng ồn.

Hay với làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ)- địa phương có nghề truyền thống khá phát triển, các sản phẩm du lịch phong phú, nhưng thiếu nhiều dịch vụ du lịch, chưa xây dựng được trung tâm giới thiệu sản phẩm chung của làng nghề, tính sôi động của làng nghề chưa cao. Mặc dù Tổng cục Du lịch cũng như một số tổ chức nước ngoài đã đầu tư phát triển du lịch tại đây, nhưng làng Phú Vinh vẫn khó thu hút khách. Ngay cả làng nghề Vạn Phúc và làng nghề Bát Tràng, hiện thu hút rất đông khách du lịch, nhưng vẫn còn nhiều bất cập trong phát triển du lịch bởi chưa xây dựng được điểm tham quan chuẩn tại làng nghề, môi trường chưa sạch, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi còn thiếu.

Trưởng phòng Ðầu tư và Phát triển - Tổng Công ty Du lịch Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng: "Làng nghề truyền thống là một trong những sản phẩm du lịch được khách du lịch và các công ty du lịch quan tâm. Nhưng để phát huy được giá trị đặc sắc của các làng nghề, kết hợp với phát triển du lịch cần có sự đồng bộ và chuyên nghiệp ở nhiều khâu như: phát triển hoạt động của nghề trên diện rộng, có lộ trình tham quan tốt tại làng nghề, đào tạo cho người dân địa phương kiến thức du lịch, triển khai quy hoạch làng nghề, xử lý môi trường...".

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành chương trình Phát triển làng nghề kết hợp du lịch từ cuối năm 2012 đến 2015, nhằm khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, làm phong phú sản phẩm du lịch và góp phần phát triển nghề thủ công truyền thống tại các làng nghề. Theo chương trình này, đến năm 2015, Hà Nội sẽ triển khai công tác xây dựng đề án, chuẩn bị đầu tư cho 14 làng nghề kết hợp du lịch; xây dựng, phát triển sáu làng nghề kết hợp du lịch. Ðể xây dựng làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, các địa phương tập trung bảo tồn nhà truyền thống, nhà cổ, cải tạo sắp xếp lại sản xuất của các hộ gia đình, xây dựng, cải tạo đường giao thông, hệ thống thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng coi việc xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề là một trong những công việc cần quan tâm nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên địa bàn, góp phần thu hút du khách đến với Thủ đô. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những điều kiện cần, để sản phẩm du lịch làng nghề trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn cần có những cách làm bài bản, đồng bộ cùng với những tâm huyết và trách nhiệm của cả chính quyền địa phương lẫn cơ quan quản lý du lịch.

Nguồn: Báo Nhân Dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

49
Đang xem:
74.214.986
Tổng truy cập: