Sự xâm nhập ồ ạt của hàng loạt các mặt
hàng, sản phẩm giá rẻ chất lượng thấp từ nước ngoài vào nước ta đã ảnh hưởng
không nhỏ đến các ngành nghề sản xuất trên cả nước. Các sản phẩm làng nghề
truyền thống cũng không tránh khỏi sự cạnh tranh gay gắt này. Do đó, xây dựng
và phát triển thương hiệu cho các làng nghề trong bối cảnh tự do hóa thương mại,
hội nhập toàn cầu, trở thành yếu tố cạnh tranh cơ bản để làng nghề tồn tại và
phát triển một cách bền vững.
Thương hiệu lụa Vạn Phúc
đang được “dệt” lên từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làng nghề.
Là một trong những địa phương dẫn
đầu cả nước về số làng nghề truyền thống, với nhiều làng nghề nổi tiếng, “độc
nhất vô nhị” như: làng Vác làm lồng chim, làng Chuông làm nón, làng thêu Quất
Động, làng khảm trai, làng mây tre đan Phú Vinh… Hà Nội đang là một trong những
“cái nôi” sản sinh ra các sản phẩm làng nghề truyền thống phong phú, đa dạng
góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế cả nước.
Nhắc đến làng nghề ở Hà Nội không
thể không nhắc đến làng lụa Vạn Phúc với những mẫu lụa Vân, lụa Sa, lụa Gấm…
nổi tiếng. Những mẫu lụa này đã trở thành hình tượng đáng tự hào của người dân
nơi đây. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân làng nghề Vạn Phúc, trong nhiều năm trở
lại đây do sự trà trộn ồ ạt của các sản phẩm lụa giá rẻ, kém chất lượng của
nước ngoài vào thị trường nước ta, cộng với sự hám lợi của nhiều tiểu thương và
sự dễ dãi của người tiêu dùng đã khiến cho lụa Vạn Phúc đứng trước nguy cơ bị
“lép vế”.
Nhận thức rõ sự quan trọng của việc
tạo thương hiệu cho sản phẩm làng nghề, nhiều nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc đã
coi việc quảng bá, xây dựng và phát triển thương hiệu là nhiệm vụ trọng tâm,
hàng đầu để tồn tại và phát triển.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, một trong những
nghệ nhân đi đầu trong việc gắn tên, thương hiệu lên biên vải lụa Vạn Phúc cách
đây 3 – 4 năm trở về trước cho biết, vài năm trở lại đây do sự cạnh tranh gay
gắt của các sản phẩm lụa giá rẻ của Trung Quốc đã khiến thị trường lụa Vạn Phúc
bị giảm sút. Trong khi sản phẩm áo lụa của Vạn Phúc có giá từ 500.000 – hơn 1
triệu đồng thì áo lụa Trung Quốc chỉ có giá từ 70.000 – 100.000 đồng, chính sự
chênh lệch giá cả này đã khiến một số hộ kinh doanh hám lợi trà trộn sản phẩm
lụa kém chất lượng lẫn với lụa Vạn Phúc để kiếm lời. Việc “Vàng thau lẫn lộn”
dẫn đến thương hiệu lụa Vạn Phúc dần kém tiếng trên thị trường. Do đó để phân biệt
lụa Vạn Phúc gia đình ông đã “tiên phong” trong việc việc gắn tên lên sản phẩm
lụa. Việc gắn tên không chỉ giúp người tiêu dùng dễ phân biệt mà còn giúp nâng
cao uy tín, thương hiệu sản phẩm làng nghề.
Cầm trên tay tấm vải lụa vừa mua,
chị Nguyễn Thị Hòa, du khách tham quan sản phẩm lụa làng nghề Vạn Phúc cho
biết, trước đây sản phẩm lụa Vạn Phúc chưa có tên trên mác sản phẩm nên những
người mua như chị hay bị nhầm lẫn, có khi bỏ ra cả triệu đồng nhưng cũng chỉ
mua được tấm lụa kém chất lượng. Việc gắn tên, nhãn mác lên sản phẩm vài năm
trở lại đây đã giúp những người mua như chị dễ dàng phân biệt lựa chọn được đâu
là sản phẩm Vạn Phúc thật, đâu là sản phẩm nơi khác sản xuất…
Không chỉ có các hộ sản xuất có những
biện pháp tự bảo vệ sản phẩm và thương hiệu như vậy, chính quyền địa phương
cũng rất tích cực vận động các hộ kinh doanh thực hiện hành động văn minh
thương mại. Đó là niêm yết giá sản phẩm công khai, đồng thời phân loại rõ các
loại vải nhập khẩu với vải Vạn Phúc để người mua có lựa chọn đúng đắn.
Tuy nhiên, theo các nghệ nhân việc
phân loại lụa chỉ là giải pháp tạm thời giúp khách hàng phân biệt lụa Vạn Phúc,
về lâu dài để giữ gìn, phát triển thương hiệu làng nghề cần có sự đầu tư nghiêm
túc từ chất lượng đến cải tiến mẫu mã sản phẩm. Việc cải tiến mẫu mã không chỉ
giúp cho sản phẩm lụa Vạn Phúc phù hợp với thị hiếu hơn mà còn giúp nâng cao
được uy tín, thị phần của lụa Vạn Phúc trên thị trường.
Đồng thời, để lụa Vạn Phúc phát triển
hơn, một yếu tố không thể thiếu là phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước, với các cơ
chế, chính sách môi trường thuận lợi. Trong đó cần chú trọng đầu tư cho các
hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động truyền thông quảng bá cho sản
phẩm làng nghề…
Vạn Phúc hiện có trên khoảng 800 hộ dân làm nghề dệt, hàng
năm sản xuất đưa ra thị trường từ 2,5 – 3 triệu m2 vải. Nhằm tạo cơ hội cho các
sản phẩm làng nghề khẳng định tên tuổi thương hiệu với bạn bè trong nước và
quốc tế, mới đây Hà Nội đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển mỗi làng
nghề một sản phẩm (OVOP) giai đoạn 2012 – 2015. Trong đó, từng bước chú trọng
hỗ trợ phát triển thương hiệu cho các làng nghề.
Nguồn: VEN