Càng gần đến Tết
Nguyên đán Quý Tỵ cũng là lúc các làng nghề sản xuất bánh tráng, nem chả...
trong tỉnh “tăng hết công suất” để kịp giao hàng cho khách. Năm nay, nhờ thời
tiết ít mưa, các làng nghề sản xuất bánh tráng đã có vụ sản xuất thuận lợi, đạt
sản lượng cao…
Người làm nem ở Chợ Huyện rất chú trọng đến
khâu giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nem, không dùng các chất có
hại cho sức khỏe như hàn the, hóa chất trong chế biến nem, chả.
-
Trong ảnh: Pha chế thịt để làm nem tại
một cơ sở sản xuất nem chả ở Phước Lộc.Ảnh: ĐÔNG A
Nhộn nhịp làng bánh tráng Nhơn Hưng
Không khí sản xuất ở các làng bánh tráng phường Nhơn Hưng (thị xã
An Nhơn) vào vụ Tết thật tất bật. Mới 4 giờ sáng, các lò tráng bánh đã sáng
trưng ánh điện để bắt đầu một ngày làm việc mới. Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ hộ sản
xuất bánh tráng ở khu vực An Ngãi, cho biết: “Vợ chồng tôi phải dậy thật sớm để
tráng được nhiều bánh kịp giao cho khách. Ngày thường tôi chỉ tráng đến 1 giờ
chiều là xuống lò, nhưng thời điểm cuối năm thì phải làm đến khi tắt nắng vì
nhu cầu tăng cao. Hiện nay mỗi ngày tôi làm khoảng 15-20kg gạo, tăng gấp đôi so
với ngày thường. Ngoài tiêu thụ trong tỉnh, sản phẩm bánh tráng của địa phương
còn được tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên”.
Anh Đỗ Văn Thoại, cũng sản xuất bánh tráng ở An Ngãi, cho biết
thêm: “Năm nay thời tiết ít mưa nên khá thuận lợi cho việc sản xuất bánh tráng.
Hiện đang vào mùa cao điểm sản xuất bánh để cung ứng cho thị trường Tết. Nhu cầu
tiêu thụ bánh tráng trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên vào dịp Tết
khá lớn, nên sản phẩm làm ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết”.
Theo thống kê của UBND phường Nhơn Hưng, trên địa bàn phường có
khoảng 300 hộ sản xuất bánh tráng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.000
lao động, tập trung nhiều nhất ở khu vực An Ngãi. Thu nhập bình quân của các hộ
làm bánh tráng từ 2,5-3 triệu đồng/người/tháng, riêng vào tháng cuối năm có thể
tăng gấp đôi, gấp ba. Mỗi ngày các lò bánh tráng ở Nhơn Hưng sản xuất hơn 4 tấn
gạo, với khoảng gần 20.000 chiếc bánh tráng các loại như: bánh tráng gạo, bánh
tráng mì, bánh cuốn chả ram…
Anh Trần Văn Bình, chủ lò sản xuất bánh tráng ở đây, cho biết
thêm: “Bánh tráng Nhơn Hưng làm bằng loại gạo dẻo thơm và không pha bột mì, nên
sản phẩm được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh. Vài năm trở lại đây, nhiều hộ làm
bánh tráng ở địa phương đã đầu tư trang bị máy móc, nâng cấp lò bánh tráng, mọi
công đoạn từ xay bột đến tráng bánh được thực hiện nhanh, ít hao hụt; chất lượng
sản phẩm cũng ngày càng được nâng lên nên được người tiêu dùng tín nhiệm cao.
Tuy là nghề phụ nhưng đã mang lại thu nhập chính cho bà con làm nghề làm bánh
tráng ở địa phương”.
Phơi bánh tráng tại làng bánh tráng An Ngãi,
phường Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn). Ảnh: N.H
Tất
bật làng nghề nem, chả Chợ Huyện
Ông Tám Đậu, chủ một cơ sở nem chả gia truyền ở Chợ Huyện thuộc xã
Phước Lộc (huyện Tuy Phước), cho biết: “Vào những ngày cận Tết, gia đình tôi phải
dậy thật sớm để cắt lóc thịt heo, đưa vào cối giã, tẩm gia vị… chuẩn bị cho
công đoạn gói. Ngày thường cơ sở của tôi chế biến từ 5 - 10kg thịt, nhưng thời
điểm tháng Chạp, nhu cầu tiêu thụ cao, phải tăng công suất lên gấp 2-3 lần mới
đủ hàng cung ứng cho thị trường”.
Ở chợ Huyện có gần 10 cơ sở làm nem chả gia truyền và hàng chục điểm
bán sỉ nem chả dọc theo quốc lộ 19. Những “thương hiệu” làm nem chả được nhiều
người biết đến như: Năm Hóa, Tám Ðậu, Bảy Liêm, Bốn Lai, Năm Mại…
Hiện nay, ở Chợ Huyện có gần 10 cơ sở làm nem chả gia truyền và
hàng chục điểm bán sỉ nem chả dọc theo quốc lộ 19. Những “thương hiệu” làm nem
chả được nhiều người biết đến như: Năm Hóa, Tám Đậu, Bảy Liêm, Bốn Lai, Năm Mại…
mỗi ngày cung cấp cho thị trường hàng ngàn chiếc nem, hàng trăm ký chả các loại,
giải quyết việc làm cho cả trăm lao động ở địa phương. Những món đặc sản này
thường không thể thiếu đối với nhiều gia đình trong dịp giỗ, Tết; và là món quà
cho bạn bè và người thân ở phương xa.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, con trai của ông Tám Đậu, cho biết: Ngày thường,
cơ sở chúng tôi bán ra từ 300 - 500 chiếc nem; thời điểm tháng Chạp và cận Tết
thì tăng gấp ba lần. Hiện nay giá nem chả vẫn ổn định do giá thịt heo không
tăng. Nem đơn giá từ 20.000 - 22.000 đồng/10 chiếc; nem cây từ 110-120 ngàn đồng/cây;
chả cây 120-130 ngàn đồng/cây; bì (tré) 15.000 -20.000 đồng/cây…
Theo các hộ làm nem chả ở Chợ Huyện, để sản phẩm đạt chất lượng
thì kỹ thuật chế biến là cả một bí quyết nghề nghiệp. Nguyên liệu làm nem phải
chọn thịt heo nạc tươi, lọc hết mỡ, sau đóđưa vào cối giã nhuyễn. Gói nem cũng
là một công đoạn không kém phần nghệ thuật, lá dùng để gói phải là lá ổi, trước
khi gói phải lau bằng khăn sạch, không được rửa lá ổi vì sẽ đánh mất hương vị.
Bên ngoài chiếc nem được gói bằng lá chuối tươi để vừa giữ độ ẩm làm cho nem
mau chua, vừa thêm phần thẩm mỹ. Sản phẩm đạt yêu cầu là khi bóc các lớp lá chuối
bọc bên ngoài thì nem phải khô, có màu đỏ hồng, khi ăn có mùi thơm, giòn. Đặc
biệt, người làm nem ở Chợ Huyện rất chú trọng đến khâu giữ vệ sinh an toàn thực
phẩm trong sản xuất nem, không dùng các chất có hại cho sức khỏe như hàn the,
hóa chất trong chế biến nem, chả.
Thời điểm
tháng Chạp, cận Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, mặt hàng này xem ra cũng chịu sự
cạnh tranh khốc liệt, một số cơ sở sản xuất nem chả ở các nơi khác cũng nhái
nhãn hiệu nem chả Chợ Huyện. Tuy vậy, các cơ sở sản xuất nem gia truyền ở đây
đã không vì lợi nhuận cao mà đánh mất “bản sắc” sản phẩm truyền thống của quê
mình; họ đã và đang tiếp tục tìm mọi cách để nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ
chữ tín với người tiêu dùng.
Nguồn: Báo Bình Định