Nhờ chủ trương đưa nghề phụ vào sản xuất
nông nghiệp, giúp tăng thu nhập cho người dân lúc nông nhàn, đến nay, 90% các
hộ dân ở Giao Tân (Giao Thủy - Nam Định) đều có nghề phụ với mức thu nhập từ
1,5-2 triệu đồng/tháng.
Về Giao Tân vào những ngày này, đâu
đâu cũng thấy cảnh bà con bận bịu với những que đan và túi sợi. Nghề phụ đan
sợi đến với người dân Giao Tân gần 5 năm nay, đã tạo việc làm và mang lại thu
nhập cho hàng trăm lao động ở địa phương lúc nông nhàn.
Hàng ngày, ngoài thời gian chăm sóc
đàn lợn và 5 sào lúa, chị Nguyễn Thị Hoa lại cần mẫn đan sợi làm hàng thủ công
mỹ nghệ. Tính ra, mỗi tháng chị và con gái cũng kiếm được 2 triệu đồng từ đan
sợi, đủ tiền trang trải cuộc sống. Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, không giấu
được niềm vui, chị Hoa cho biết, trước đây, gia đình chị là một trong những hộ
nghèo của xã, lúc nào cũng trong tình cảnh túng thiếu, không đủ tiền lo cho các
con ăn học… Thế nhưng từ khi bắt tay vào làm nghề đan sợi, cuộc sống của gia
đình chị đã thay đổi, không còn lo cái ăn cái mặc. Nghề sợi đã làm thay đổi
cuộc sống của những phụ nữ nghèo như chị.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề
đan sợi làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu “manh nha” từ năm 2007, do Hội phụ
nữ xã Giao Tân phối hợp với các doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ tiểu thủ công
nghiệp phát triển, nhằm thu hút tạo việc làm cho lao động lúc nông nhàn. Người
dân tham gia dự án này được bao tiêu sản phẩm, không phải bỏ vốn đầu tư, thu
nhập được tính theo số sản phẩm làm ra trong ngày, đầu ra được đảm bảo… nên số
hộ tham gia dự án khá đông đảo, đến nay đã chiếm tới 90% các hộ dân ở Giao Tân.
Chị Đoàn Thị Đào, người dân tham gia
nghề phụ đan sợi cho biết, nhà có 3 mẹ con, ngoài thời gian đi học, 2 con gái
còn giúp chị làm sản phẩm. Mỗi tháng gia đình chị cũng thu được 2 triệu đồng
nhờ đan sợi. Số tiền này đủ chi tiêu cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Tâm sự với chúng tôi, bà Nguyễn Thị
Mai, thành viên Hội phụ nữ xã phấn khởi cho hay, nghề đan sợi làm hàng xuất
khẩu đã mang đến cho Giao Tân một sức sống mới. Tính đến nay, nghề tiểu thủ
công nghiệp này đã giúp 50% số hộ trong xã thoát nghèo. Hiện tại, toàn xã có
khoảng 500 lao động là phụ nữ đang tham gia sản xuất các mặt hàng xuất khẩu từ
sợi, với thu nhập ổn định hàng tháng khoảng 1,5 triệu đồng/người.
Cũng theo bà Mai, đạt được những thành
tựu trên là nhờ trong thời gian qua Hội phụ nữ đã tích cực tìm kiếm, phối hợp
với Phòng Công Thương huyện và các doanh nghiệp tìm đầu ra, bao tiêu, đổi mới,
nâng cao chất lượng cho sản phẩm.
“Để tạo công ăn việc làm cho người
dân, tiến tới chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp triển khai
đưa nghề phụ về làng cho bà con tăng gia sản xuất, tạo thêm thu nhập cho gia đình...”,
bà Mai cho biết thêm./.
Nguồn:VEN