KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
(39,60)- Đồng Nai: Làng gốm cổ 300 năm tất bật “chạy đua” trước Tết
(Ngày đăng: 11/01/2023   Lượt xem: 134)

Các lò gốm ở làng gốm Tân Hạnh thuộc xã Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai vào thời điểm này trở nên chộn rộn, nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Hàng trăm nhân công tất bật “chạy đua” để kịp thực hiện các đơn hàng phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2023.

Có mặt tại làng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, phóng viên Báo Lao động Thủ đô chứng kiến không khí hối hả của nhân công làm gốm khi vào mùa.

Trên diện tích hàng chục héc-ta, “làng gốm mới” được xây dựng, quy hoạch với một hệ thống nhà xưởng quy củ, có gần hai chục hợp tác xã, công ty, xí nghiệp. Tại đây, các khu vực được phân chia theo từng công đoạn sản xuất gốm như khu tập kết đất sét, khu chuốt xoay, tạo hình, khu gọt giũa, láng mịn, khu tráng, nhúng men, vẽ hoa văn họa tiết, khu đốt lò nung bằng khí gas và khu tập kết các sản phẩm được vừa được ra lò...

Đồng Nai: Làng gốm cổ 300 năm tất bật “chạy đua” trước Tết
Nhân công sản xuất gốm tại làng gốm Tân Hạnh đều là con em trong làng.
Tại khu vực nhà xưởng chuốt, công đoạn đầu tiên để lên khuôn, tạo hình, chúng tôi chứng kiến nhiều nhân công đang hối hả, nhanh tay xoay, cắt, vuốt để hoàn thành sản phẩm thô. Trong không gian khá nóng và khói bụi, người nào người nấy mồ hôi nhễ nhại. Tại khu vực khác, các nhân công lại hối hả phơi khô sản phẩm, cẩn thận bê từng sản phẩm thô, chuẩn bị đưa đi láng mịn, nhúng men, xếp vào lò...

Nhân công tại đây đều là các con em những người dân lớn lên và sinh sống tại làng gốm truyền thống Tân Hạnh. Trong công việc, đàn ông thường làm những việc nặng nhọc hơn, còn phụ nữ đảm trách các công đoạn cần sự tỉ mỉ như vẽ hoa văn, tạo họa tiết, pha chế men. Công đoạn chuốt, tạo hình sản phẩm thô nặng nề, vốn cần sức khỏe do đàn ông đảm nhiệm thì hiện có các bàn xoay tự động, nhờ đó cũng đỡ vất vả hơn.

Làng gốm Tân Hạnh là làng nghề truyền thống có lịch sử hơn 300 năm ở thành phố Biên Hòa. Gần đây làng gốm này được quy hoạch lại để thực hiện việc bảo vệ môi trường cũng như để phát triển kinh tế nghề gốm, bảo tồn những giá trị truyền thống và đang tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Công đoạn pha chế tạo nước men cho ra những màu sắc riêng đáp ứng yêu cầu theo đơn đặt hàng bắt buộc phải sử dụng công thức riêng; hoặc công đoạn vẽ hoa văn, tạo họa tiết thì các thợ gốm phải luôn học hỏi, cập nhật những kiến thức mới.

Đồng Nai: Làng gốm cổ 300 năm tất bật “chạy đua” trước Tết
Công đoạn tô vẽ hoa văn, họa tiết trên chậu gốm.
Sau công đoạn tráng men, những chậu gốm được đưa vào lo nung bằng khí gas trong suốt 48 giờ ở nhiệt độ khoảng 1.160 độ C, sau đó chờ khoảng 24 giờ khi nguội mới có thể ra lò. Những sản phẩm gốm làm từ nguồn đất sét lấy từ khu mỏ đất đặc trưng được quy hoạch ở thị trấn Lái Thiêu, Bình Dương, lúc này sẽ được tỏa đi muôn nơi để phục vụ khách.

Anh Đoàn Văn Lâm, Phó Giám đốc Công ty gốm Ngọc Thành - một trong những đơn vị sản xuất gốm lớn tại làng gốm Tân Hạnh cho biết, hiện các đơn vị tham gia sản xuất tại đây đều phải bỏ vốn khá lớn, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Hệ thống máy móc được đầu tư ngày càng hiện đại. Riêng mỗi lò nung bằng gas đã có giá hàng tỷ đồng, một cơ sở sản xuất có khi có 6 - 7 lò nung loại này.

Đồng Nai: Làng gốm cổ 300 năm tất bật “chạy đua” trước Tết
Làm gốm cần tay nghề cao, đòi hỏi sự tỉ mỉ.

“Cơ sở của tôi có gần 100 thợ. Các sản phẩm được sản xuất theo kiểu công nghiệp hàng loạt thì làm nhanh nhưng có nhiều sản phẩm đặc trưng được khách đặt làm một cách tinh xảo thì rất phải công phu, cần đến các thợ có tay nghề cao, các nghệ nhân trong làng. Hiện sản phẩm gốm chủ lực tại đây là dòng chậu cây kiểng, thường được đặt hàng theo đơn trong năm. Đến mùa Tết thì đắt hàng hơn, nhiều dòng sản phẩm còn được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới" anh Lâm chia sẻ.

Cũng theo anh Lâm, với các sản phẩm tương đối đơn giản thì mỗi ngày trung bình một thợ làm ra khoảng chục sản phẩm thô, riêng với các sản phẩm đặc trưng được đòi hỏi nhiều thời gian. Hiện thu nhập bình quân của thợ gốm tại làng gốm truyền thống này dao động khoảng 7 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Tháo gỡ khó khăn để làng nghề phát triển

Cách đây không lâu, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã đến thăm và khảo sát tình hình sản xuất tại làng gốm cổ Tân Hạnh. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai có phương án, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc của làng gốm một cách phù hợp, đúng quy định. Các sở, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp Hiệp hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai rà soát, xây dựng phương án phù hợp để tạo không gian lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống lâu đời, tốt đẹp của nghề gốm, trong đó có nghề gốm đất đen.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất gốm cần áp dụng các công nghệ sản xuất phù hợp, tiết kiệm năng lượng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, tránh làm ảnh hưởng đến các khu dân cư; đồng thời, giữ được chất lượng, nét riêng của sản phẩm gốm địa phương. Chủ động nghiên cứu, nâng cao giá trị, đa dạng mẫu mã các sản phẩm gốm, có phương án để giữ chân các nghệ nhân, đào tạo lao động, tăng cường các chương trình, hoạt động quảng bá để thương hiệu cho gốm Biên Hòa, gốm Đồng Nai được bảo tồn và không ngừng phát triển…

                                         Theo: laodongthudo.vn
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

35
Đang xem:
68.393.456
Tổng truy cập: