Nằm cách trung tâm TP
Bắc Giang chưa đầy chục cây số, xã Tăng Tiến (Việt Yên) có 5 thôn thì 4 thôn
làm nghề mây tre. "Mây tre đan Tăng Tiến" từ lâu đã trở thành thương
hiệu của vùng quê này.
Nghệ nhân
Đinh Văn Tiến chuẩn bị sản phẩm để trưng bày tại Ngày hội.
Nghề
mây tre đan ở Tăng Tiến có từ bao giờ không ai nhớ nổi. Những người vào hàng
bách niên giai lão cho biết từ thuở nhỏ đã thấy dân làng làm nghề này rồi. Ngày
nay, ngoài các mặt hàng truyền thống như thúng, rổ, giần, sàng, nong, nia cho
đến lồng bàn, điếu cày, thuyền nan… thì đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chiếm ưu
thế. Bí thư Đảng uỷ xã Thân Văn Giang cho biết những năm gần đây, mỗi năm giá trị
sản xuất thu về qua hai HTX mây tre đan khoảng 15 tỷ đồng, chưa kể nguồn thu do
các chủ cơ sở tự sản xuất, giao hàng đi các nơi và bán lẻ, bán buôn tại chợ xã
hoặc một số thương nhân chuyên mua gom sản phẩm của làng nghề để giao cho các
công ty lớn ở Hà Nội. 64% thu nhập của xã là từ nghề mây tre đan. Toàn xã có
7.000 lao động thì có tới 4.000 người làm nghề này.
Đến
thăm nghệ nhân Đinh Văn Tiến, 64 tuổi ở thôn Chùa giữa lúc ông đang chuẩn bị
một số mặt hàng để trưng bày tại gian trại của huyện trong Ngày hội Văn hoá -
Thể thao - Du lịch các dân tộc của tỉnh. Ông Tiến nói: "Ngoài một số sản
phẩm mây đan mỹ nghệ có phết sơn màu cánh gián, tôi dự định làm một số hàng mây
trắng bóng thật đẹp để trưng bày. Chúng tôi cũng sẽ đem máy dệt mành tăm và cử
thợ dệt tại chỗ phục vụ khách tham quan". Với một cái kim chuốt bằng nhôm
dài cỡ 10 cm, vài mảnh dao cạo, cái kẹp bằng thép, hai bàn tay ông thoăn thoắt
đưa lên, đưa xuống, sang phải, sang trái luồn kim, rút sợi, nắn "cốt"
cho hình dạng đồ vật tròn đều cân đối hay vuông vức theo ý muốn. Những vật dụng
như tráp đựng kim chỉ, khung tranh ảnh, khung gương, khay đựng hoa quả, lọ hoa
các loại, vỏ phích nước, giành tích cho đến các loại lồng bàn được ông Tiến đan
từ những sợi mây chẻ bằng máy đều tăm tắp. Cả xã hiện nay chỉ có mình ông có kỹ
thuật đan mây xiên. "Đã truyền nghề cho đám trẻ nhưng chưa ai học
được". Ông Tiến trầm ngâm nói.
Phơi tăm làm mành xuất khẩu tại HTX mây tre đan
Tăng Tiến. Ảnh: Việt Hưng
Được
biết vào những năm kháng chiến, hàng mây tre như các loại sảo, sề, thúng sơn,
thuyền nan của Tăng Tiến từng phục vụ đắc lực cho công việc đào hầm hào, vận
tải lương thực, làm đường, đắp đê… Ở đây nếu không quan sát kỹ và tìm hiểu
trước thì có đi khắp làng cũng chưa thấy điều gì khác biệt với các làng quê khác.
Phải đi vào sâu trong làng mới biết người Tăng Tiến có nghề. Làng mây tre đan
không ồn ào vì rất ít công đoạn phải sử dụng máy móc, chẳng "bốc mùi"
hay "toả hương" như nhiều làng nghề khác. Nguyên vật liệu cũng chẳng
để bừa bộn khắp làng. Trong nhà, từ cụ già tới trẻ nhỏ có thể vừa thoăn thoắt
tay đan vừa trò chuyện hay xem tivi mà chẳng hề ảnh hưởng đến công việc. Đã có hàng
trăm khách du lịch quốc tế đến đây bởi sức hấp dẫn và sự độc đáo có một không
hai của làng nghề Tăng Tiến.
Bí
thư Đảng uỷ Thân Văn Giang vốn là một thợ lành nghề nhưng lâu nay bận công tác
xã hội nên anh đành tạm gác việc đan lát. Anh kể về những "ngón nghề"
nghe thật lôi cuốn. Nguyên vật liệu chủ yếu là cây mây sợi, mây lõi, tre và
dùng phấn. Có nguyên liệu rồi, mắt thợ lành nghề phải tính toán làm sao cho
tiết kiệm nhất. Trước đây công việc pha tre, chẻ nan rất vất vả nhưng nay đã có
máy móc hỗ trợ một phần, mặt khác người làng nghề đã nâng trình độ chẻ nan, tăm
dệt mành đến mức "nghệ thuật" nên năng suất lao động khá cao. Ví như
thợ giỏi Đặng Thị Loan, một ngày có thể chẻ bằng tay được 7 cân tăm. Chỉ với
mấy lưỡi dao mỏng và các ngón tay, chị "phù phép" sao đó mà chỉ nghe
kéo đến roạt một cái là ống dùng biến thành nắm tăm lụa đều tăm tắp, được khách
hàng ưa chuộng vì độ nhỏ đều, bóng, dai, không mốc.
Vào
làng chừng tiếng rưỡi, lúc chiều tối quay ra đã thấy chợ nguyên liệu họp chớp
nhoáng ở ngay đầu làng Chùa. Từ lúc mặt trời xế bóng cho đến khi nhọ mặt người,
dân mua cây dùng phấn tấp nập, chọn nhanh, cân nhanh để còn về kịp nấu cơm rồi
bắt tay vào công việc buổi tối. Mấy "núi" dùng phấn do xe tải chở từ
Thái Nguyên xuống chất đầy đường lớn vào làng. Vợ chồng anh chị Hoà - Tiến hối
hả cưa, chọn, bó dùng, cân bán cho khách. Hai tấn dùng chỉ bán trong hai buổi
chợ là hết. Dùng được bán theo cân. Một ống dùng cỡ vừa, nặng khoảng một kg (1kg
dùng có giá từ 3-4 nghìn đồng), có thể chẻ đan được hàng chục "mê" để
làm "bốc" (rổ rá nhỏ). Bà Lê Thị Nghề, 56 tuổi ở thôn Phúc Long đang lựa
mua dùng phấn nói: "Ngoài điểm bán dùng phấn ở đây còn có ở bên Phúc Long
và ở chợ xã. Ấy vậy mà những hôm khan hàng, khách đến mua phải tự nhảy vào cưa
lấy chứ nếu chờ đến lượt thì chỉ có về tay không". Chợ xã Tăng Tiến họp 5
ngày 2 phiên vào các ngày 1,4,6,9.
Ngày
nay khi mà các dịch vụ cung cấp hàng tiêu dùng mọc lên như nấm với các phương
thức thương mại hiện đại thì người dân Tăng Tiến vẫn giữ tập quán họp chợ từ
rất sớm, 4 giờ 30 phút đến khoảng 7 giờ. Người làng nghề có thói quen đi chợ
thật sớm, mua nhanh, bán nhanh để về còn làm chứ không ai đi chợ cả buổi bao
giờ. Đồ mây tre bán ở chợ chủ yếu là hàng tiêu thụ nội địa và cũng chỉ chiếm
30% sản phẩm làm ra của làng nghề nơi đây. 70% sản phẩm tinh xảo hơn như mành
tăm, bốc, một số mặt hàng mỹ nghệ khác dành để xuất khẩu. Hiện nay trong xã có
hai HTX chuyên sản xuất hàng mây tre xuất khẩu sang Nhật, Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc.
Dịp này, thời tiết bắt đầu hanh khô, rất thuận lợi cho người làm nghề. Đường
vào làng đã được cứng hoá, nhà cửa cũng được cải tạo nâng cấp khang trang nhờ
nguồn thu từ mây tre đan. Người dân nói về công việc và thu nhập một cách khiêm
nhường nhưng trong cái khiêm nhường ẩn chứa niềm tự hào. Bởi nghề mây tre
đan tuy thu nhập không cao nhưng cũng đủ cho người dân nơi đây có cuộc sống no
ấm.
Chị
Lê Thị Thơ, 38 tuổi, chủ một cơ sở dệt mành tăm kiêm mua gom hàng mây tre xuất
bán cho hai công ty ở Hà Nội cho biết, chị đang cố gắng để mở lớp dạy làm lồng
đèn bằng mây tre cho bà con. Tuy nhiên cái khó là người dân đã quen công việc
cũ thì ngại thay đổi, còn lớp trẻ thì dường như không mặn mà lắm với nghề
truyền thống mà có xu hướng tìm việc bên ngoài, vì thế chị vẫn chưa thực hiện
được mong muốn của mình. Nguồn hàng thì luôn không đáp ứng được nhu cầu của đối
tác về số lượng còn nhân lực có nguy cơ thiếu. Cùng với nỗ lực duy trì, phát triển,
đưa sản phẩm nghề truyền thống ra thế giới, đây cũng là nỗi trăn trở của các
thợ giỏi, nghệ nhân và những người có trách nhiệm với làng nghề. Được
biết cơ quan chức năng các cấp đang làm các thủ tục đề nghị trung ương
công nhận Tăng Tiến là xã nghề. Hy vọng rằng sau khi được công nhận, sẽ có
nhiều giải pháp hữu hiệu hơn nữa để nâng cao giá trị của sản phẩm mây tre đan
Tăng Tiến.
Nguồn: Báo Bắc Giang