Luôn
trăn trở cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, những “nghệ nhân” ở xã Phúc Sen
(huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) đang xây dựng cho mình thương hiệu nổi tiếng -
nghề rèn Phúc Sen.
Dọc theo Quốc lộ 3 đi cửa khẩu Tà Lùng, chúng tôi trở lại
“xã rèn” Phúc Sen. Dù bóng chiều ở miền sơn cước đã tràn ngập khắp ngõ xóm đi
vào các thôn bản ở xã, nhưng tiếng búa vẫn chan chát, những bếp than đang rừng
rực cháy, và những “nghệ nhân” vẫn chưa ngừng tay.
Nghề rèn truyền thống đã gắn bó với người Nùng ở Phúc Sen
hàng trăm năm.
Đổi đời nhờ… rèn
Theo Chủ tịch UBND xã Phúc Sen Linh Văn Phù, chúng tôi đến
thôn Lũng Vài, một trong những thôn nổi tiếng nhất xã vì những tay búa tài hoa.
Chúng tôi rẽ vào thăm gia đình người bạn cũ Lương Văn Học - một quân nhân trăn trở
với nghề truyền thống nên sau khi xuất ngũ đã trở về quê vực dậy nghề rèn. Vẫn
nụ cười quen thuộc, vẫn nếp nhà sàn cũ, nhưng tôi thấy đồ dùng trong nhà tươm
tất và khang trang hơn so với mấy năm trước. Với người đàn ông 46 tuổi dân tộc
Nùng này, đó là thành công nhờ “tổ nghề”.
Cụ Hoàng Văn Hình, 80 tuổi, bảo làng đã trải qua 300 năm làm
nghề rèn dao búa. Mấy năm gần đây, người dân trong xã rất tự hào với nghề vì
những sản phẩm chất lượng cao đã được xuất ra nước ngoài. Nhờ vậy, người làm nghề
cũng khấm khá.
Hiện nay ở xã Phúc Sen có 420 hộ dân, trên 2.000 nhân khẩu,
đều là dân tộc Nùng, trong đó có đến gần 160 hộ làm nghề rèn truyền thống, có
gần 400 thợ lành nghề và hàng trăm thợ phụ. Điều đặc biệt là những thợ phụ chủ
yếu là người trong nhà, hoặc người già hoặc phụ nữ. Mỗi năm, Phúc Sen sản xuất
hàng trăm nghìn sản phẩm.
“Không biết người đem nghề về làng là ai. Chúng tôi sinh ra
đã có nghề rồi. Những kinh nghiệm truyền thống của làng nghề đều được truyền
lại từ gia đình qua các thế hệ. Chúng tôi sinh ra, lớn lên sớm cảm nhận được âm
thanh quen thuộc của làng nghề từ tiếng quai búa, tiếng mài đá… Nghề rèn như
người thầy dạy cho chúng tôi tính cần cù, nhẫn nại”- cụ Hình nói.
Trăn trở cho một
thương hiệu nghề
Đi vào các làng ở xã Phúc Sen, ở đâu cũng có lò rèn, nhà nào
cũng có khung cửi dệt vải. Sản phẩm từ nghề rèn là các công cụ cầm tay như búa,
dao, liềm, cuốc, xẻng, cào… Anh Tô Văn Thành ở thôn Pác Rằng bảo, mỗi ngày anh
có thể làm được 4 -5 sản phẩm. Mặt hàng gồm các loại nông cụ cầm tay thường
ngày bà con dùng đi nương rẫy, nhưng mặt hàng bán chạy nhất vẫn là dao vì đây
là sản phẩm khách du lịch thường ghé qua xã mua làm quà.
Xã Phúc Sen là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Nùng An
(là một trong 8 ngành của dân tộc Nùng ở Cao Bằng) đã có lịch sử lâu đời. Làng
của người Nùng quần cư từ 30- 100 ngôi nhà theo chế độ thân tộc, sinh sống chủ yếu
bằng nghề nông. Để phát triển sản xuất và chăm lo đời sống, bên cạnh nghề rèn,
họ còn có thêm nghề dệt vải.
Theo anh Thành, mấy năm nay, những người làm nghề rất trăn
trở để cải tiến mẫu mã, nâng cao tay nghề. Nếu chỉ quanh năm làm liềm, làm cuốc
thì thu hút được khách du lịch đã khó mà mơ đi trời Tây lại càng xa. “Không
hiểu tại sao người ta lại đồn thổi là chúng tôi chuyên sản xuất “hàng lạnh” bán
cho bọn trộm cướp” - anh Thành tâm sự.
Được biết từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, nghề rèn ở
Phúc Sen đã bắt đầu chuyển sản phẩm thủ công thành hàng hóa. Nhờ làm nghề
truyền thống mà Phúc Sen đã có thay đổi căn bản, lao động có việc làm, đời sống
được nâng lên đáng kể. Đặc biệt, hiện nay, cùng với các địa phương trong cả nước,
Phúc Sen cũng đã và đang tham gia tích cực phong trào xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Linh Văn Phù - Chủ tịch UBND xã, tỷ lệ hộ nghèo của
xã đã giảm nhanh. Theo tiêu chí mới, năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo ở Phúc Sen là hơn
22% thì đến nay chỉ còn gần 13%. Bên cạnh đó, xã có điều kiện đầu tư, nâng cấp
cải tạo hệ thống giao thông, thủy lợi; đầu tư tu sửa, xây dựng mới nhiều công
trình phúc lợi.
Trong 2 năm qua, xã đã cùng nhân dân tập trung nạo vét kênh
mương, đảm bảo tưới tiêu đồng ruộng, kiên cố kênh mương cụm xóm Khào; huy động
nhân dân đóng góp công sức sửa chữa hàng trăm mét đường giao thông nông thôn… Theo
ông Phù, mục tiêu thời gian tới của xã là cần giảm nghèo nhanh, bền vững.
Nguồn: Dân Việt