(langnghevietnam.vn)- Nằm bên dòng sông Nhuệ, cách trung
tâm quận Hà Ðông hơn 1km về phía hạ lưu, có một ngôi làng nổi tiếng của xứ Ðoài
văn hiến - làng rèn Ða Sĩ. Trải qua hơn 1000 năm biến đổi, đến nay làng rèn Đa
Sĩ vẫn còn giữ được đầy đủ những thiết chế của làng việt cổ với cây đa, sân
đình, các lễ hội văn hóa dân gian… Nhưng những năm trở lại đây, sức sống của
làng nghề đã dần bị mai một, làng rèn đã vắng đi sự kế thừa từ việc truyền giữ lửa
nghề. Người dân làng nghề hiện còn đang phải đối mặt nhiều vấn đề bức xúc về
việc tìm đầu ra cho thị trường xuất khẩu, an toàn vệ sinh lao động, ô nhiễm môi
trường…
Chúng tôi có dịp về làng rèn Đa Sĩ
vào những ngày cuối năm, từng cơn gió lắt léo thổi ngược dòng sông Nhuệ, khiến
cái lạnh thêm buốt giá hơn. Con đường dẫn chúng tôi tới làng rèn xích lại gần
bởi tiếng búa, tiếng máy móc chạy xình xịch, hòa cùng tiếng va đập kim loại dồn
dập từ các xưởng rèn. Những người thợ rèn Đa Sĩ có vẻ
ngoài chất phác, thô kệch, nhưng lại có đôi bàn tay tài hoa khéo léo. Họ đã và
đang chế tạo không biết bao nhiêu nông cụ cầm tay phục vụ người dân lao động.
Sản phẩm của làng nghề không những có mặt trên mọi ngõ ngách của làng quê nông
thôn Việt Nam
mà tiếng thơm còn vang xa tới tận trời tây.
Chợ làng nghề ( Ảnh minh họa)
Người dân nơi đây tự hào rằng:” Từ
mũi Cà Mau tới địa đầu Móng Cái đâu đâu cũng có dao, kéo của làng. Tiếng lành
đồn xa, người Lào, người Campuchia cũng tìm về tận Đa Sĩ để mua hàng".
Cũng bởi vậy, hàng trăm năm nay, trong làng không lúc nào ngớt tiếng đe, tiếng
búa, tiếng xe...
Sản phẩm rèn Ða Sĩ phong phú về
chủng loại, kiểu dáng, kích thước. Ngoài những sản phẩm thông dụng, truyền
thống, thợ rèn Ða Sĩ còn tìm cách sản xuất các loại hàng chuyên dùng phục vụ
công tác khảo cổ, ngành may…
Ở đây, đàn ông - chủ gia đình là trưởng lò rèn, những thành viên khác trong gia
đình đều tham gia công việc, tùy theo sức lực và lứa tuổi. Nam giới thường
đảm nhiệm việc nặng như quai búa, chặt sắt, còn phụ nữ thì lo thu mua nguyên
vật liệu, bán sản phẩm và làm một số việc nhẹ nhàng hơn.
Ngày nay, nghề rèn đã đỡ vất vả hơn, năng suất cao gấp đôi do các hộ gia đình
đã tự đầu tư thêm máy cắt sắt, máy cắt hơi, hàn điện, búa máy.
Người thợ chỉ trực tiếp làm các công đoạn như tạo phôi, tạo hình, tạo dáng. Khó
nhất là khâu tôi thép. Người tôi thép phải nhìn được nước thép và ước lượng
được độ già non trong khi tôi. Đó là bước quyết định chất lượng sản phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn – Một trong những cao thủ của làng
rèn(Ảnh minh họa)
Trừ một số xưởng sản xuất như hộ gia
đình nghệ nhân Nguyễn Hồng Phấn, Nguyễn Văn Đoán… Chuyên sản xuất những sản
phẩm chất lượng cao, mẫu mã độc đáo. Phần lớn các hộ còn lại trong làng vẫn sản
xuất các sản phẩm bình dân, mẫu mã, hình thức của sản phẩm còn hạn chế, chưa
cạnh tranh được về chất lượng, giá cả, mẫu mã với hàng sản xuất tại nước ngoài nên
chưa thâm nhập vào phân khúc thị trường hàng gia dụng cao cấp, ít bày bán trong
hệ thống các cửa hàng lớn, trung tâm thương mại uy tín. Nguyên liệu chủ yếu từ
sắt phế thải là loại thép đen, vì vậy chất lượng sản phẩm còn thấp nên khi tiêu
thụ tại thị trường các đô thị hay xuất khẩu rất khó khăn.
Làng rèn Đa Sĩ đang gặp phải những bức xúc về mặt bằng sản xuất, vấn đề ô nhiễm
môi trường phát sinh từ quá trình lao động sản xuất…
Một thực tế đáng lo ngại là phần đông lớp thợ trẻ vì chạy theo năng suất, nên
rút ngắn một số công đoạn sản xuất, nguyên liệu hầu hết là thép tái sinh, nên
chất lượng sản phẩm giảm. Trong khâu tiếp cận thị trường, tìm đầu ra cho sản
phẩm vẫn chưa có giải pháp, khiến cho phần lớn các hộ sản xuất phải tự xoay xở,
chưa tìm được hướng đi mới, khả quan.
Gia đình bác Hoàng Hứa vẫn ngày ngày đỏ lửa( Ảnh minh họa)
Vài năm trở lại đây, dao kéo Trung
Quốc, Thái Lan đã tràn ngập thị trường Việt Nam, thậm chí ngay trong khu vực
của làng cũng có bán dao kéo Trung Quốc. Dao kéo nhập ngoại, nhất là từ Trung
Quốc mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng nên vẫn có sức hấp dẫn người tiêu dùng hơn,
đặc biệt là nơi phố thị. Để tiếp tục duy trì làng nghề, người Đa Sĩ đã phải đưa
sản phẩm đi bán rất xa.
Hiện nay trong làng còn 900 gia đình
làm nghề, chiếm khoảng 40% số hộ trong làng. Tính sơ sơ cũng đã có mấy trăm gia
đình bỏ nghề rồi. Làm dao kéo là một nghề vất vả, ai không có sức khoẻ thì
không thể theo được. Nhiều gia đình đã tìm nghề khác làm kế sinh nhai, như buôn
bán, mở cửa hàng ăn uống. Tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề sống còn của
dân làng nghề cả nước nói chung cúng như “ Làng dao kéo” nói riêng nhiều hộ sản
xuất đã đưa hàng đến các hội chợ triển lãm để tiếp thị hình ảnh nhằm tháo gỡ
khó khăn về sức mua hiện nay. Để tiếp lửa cho các làng nghề truyền thống, rất cần một chính sách
tổng thể từ các cơ quan hữu quan, nhằm hỗ trợ và giúp đỡ các làng nghề
ổn định và phát triển, nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đất
nước.
Một trong những gian hàng giới thiệu sản phẩm của Đa sỹ tại
triển lãm
Sản phẩm dao kéo các thể loại giới thiệu tại hội chợ triển lãm
Làng Đa Sĩ nay đã thay đổi rất
nhanh, làng rèn được lên phố. Nhưng vẫn còn đó băn khoăn, trăn trở của lớp nghệ
nhân, thợ giỏi tâm huyết với nghề bỏ ngỏ. Đó là sự tồn vong của một làng nghề
thủ công truyền thống bao đời nay, sẽ còn đỏ lửa, sẽ còn sức sống?
Giang Phong