KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Về đâu “vương quốc” gạch miền Tây?
(Ngày đăng: 28/12/2012   Lượt xem: 646)

gach.jpg 

Nhiều tháng qua, ở địa phương được mệnh danh là “vương quốc” gạch - gốm miền Tây này có đến trên 80% lò gạch ngưng hoạt động. Vì sao lại diễn ra thực trạng này?

Trong khi, tỉnh Vĩnh Long hiện có 1.082 cơ sở sản xuất gạch - gốm với 2.284 miệng lò, sản xuất khoảng 800 triệu viên/năm, cung ứng vật liệu xây dựng khắp các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Chi phí “đầu vào” tăng, công nghệ lạc hậu


Đến Vĩnh Long những ngày này, đi dọc sông Cổ Chiên hay các tuyến đường huyết mạch ở 2 huyện Long Hồ, Mang Thít, không còn nhìn thấy những ngọn khói lò nghi ngút như mọi khi. Thay vào đó là nhiều ngọn lò do lâu rồi không đốt lửa, cỏ đã mọc um tùm... rêu phong; những lán trại trống vắng, rách nát và nhiều máy móc đang rỉ sét,... Xa xa mới có một miệng lò nhả khói nhè nhẹ.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai - chủ một cơ sở sản xuất gạch ở xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít - chỉ tay vào một miệng lò đang cháy đỏ, nói: “Lò này đốt cho... “đỡ buồn” chứ ra mẻ này chắc phải bán cả tháng. Ngoài kia còn mấy chục thiên gạch chưa bán được. Có bữa nằm dài trên võng hay đánh cờ tướng cả ngày trời, uống chục bình trà cũng không thấy ai ghé hỏi mua...”.

Không chỉ riêng ông Bé Hai mà cả “xóm lò kinh thầy Cai”, “xóm gạch Nhơn Phú” ở khu vực này đều chung thực trạng như thế. Có khá nhiều lò đã đăng ký lên doanh nghiệp sản xuất thì nay xin “xuống cấp” thành cơ sở; còn nếu đang là cơ sở thì trong giai đoạn sản xuất èo uột, có nguy cơ phá sản...

Nói về sự bế tắc của làng nghề, ông Nguyễn Văn Thắng - chủ một cơ sở sản xuất gạch ở xã An Phước, huyện Mang Thít - buồn rầu cho biết: “Vài năm trở lại đây, gạch Mang Thít không thể cạnh tranh được với loại gạch được nung bằng công nghệ mới từ các tỉnh khác tràn vào. Chính vì giá trấu tăng cao chóng mặt, nguyên liệu đất sét ngày càng hiếm, công nghệ đốt lạc hậu nên đẩy giá thành cao. Khi gạch ra lò, nếu bán thì lỗ, không bán thì lấy tiền đâu ra để xoay sở?”.

Theo Phòng Công thương huyện Mang Thít - nơi tập trung làng nghề gạch - gốm của tỉnh Vĩnh Long - toàn huyện có 1.037 cơ sở sản xuất gạch với 2.132 lò. Đến cuối tháng 9.2012 có 732 cơ sở (1.492 lò) tạm ngừng hoạt động và đến tháng cuối tháng 11.2012 có hơn 80% lò tạm ngừng hoạt động... Ông Hồ Văn Vàng - Chủ tịch Hội nghề gốm Vĩnh Long - bức xúc: “Cái thứ “đồ bỏ” ngày trước, bây giờ lại khan hiếm! Với giá trấu, giá đất sét như hiện nay những người làm gạch - gốm Vĩnh Long rất có nguy cơ bỏ nghề!”.

Gạch nung sẽ hết “đất sống”!

Thấy trước thực trạng này, hơn 10 năm trước tỉnh Vĩnh Long đã đau đầu đi tìm hướng tháo gỡ, nhưng vẫn chưa có hướng nào phù hợp... Năm 1995, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng lò gạch công nghệ tuynen. Sản xuất không được bao lâu, do giá dầu DO tăng cao nên lò gạch này phá sản.

Vài năm sau đó, Vĩnh Long cũng đã tổ chức nhiều đoàn đi tham quan các mô hình lò gạch cải tiến ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cả phía Bắc để học hỏi kinh nghiệm. Thế là một loại lò cải tiến nữa hình thành, song do nhiên liệu đốt bằng ga nên cũng... dẹp tiệm sớm! Thời gian gần đây, mô hình lò gạch Hoffman được xem là hiệu quả nhất, nhưng cũng đã có nhiều lò phải “trùm mền” và đang phải đối mặt với nợ nần chống chất...

Mới đây, tại huyện Mang Thít có 2 chủ lò mạnh dạn cải tiến sử dụng kiểu lò liên hoàn Hoffman mới là Cty TNHH Tân Mai và một doanh nghiệp ở Bình Dương đang hợp tác với Cty TNHH SaiGia đầu tư hơn 5 tỉ đồng xây dựng... Tuy nhiên, đây cũng là những viên gạch nung, theo quy định cũng sẽ bị cấm trong một tương lai gần.

Mới đây, trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa VIII, ông Nguyễn Văn Diệp - Chủ tịch UBND tỉnh - khẳng định chuyện không sử dụng đất nung trong xây dựng tại Vĩnh Long là theo hướng chung của cả nước.

Ngày 28.4.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung đến năm 2020. Ngày 16.4.2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về việc tăng cường sử dụng vật liệu không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung. Tiếp đó, ngày 28.11.2012, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 09/2012/TT-BXD quy định sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng (có hiệu lực từ ngày 15.1.2013).

Theo đó, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng 100% vật liệu xây dựng không nung kể từ ngày thông tư này có hiệu lực. Tại các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung kể từ ngày thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau 2015 phải sử dụng 100%.

“Vương quốc” gạch - gốm Vĩnh Long đang lao đao lại thêm điêu đứng. Trên 20.000 lao động ở gắn bó cuộc sống với nghề này sẽ đi về đâu trong cuộc mưu sinh? Đó là câu hỏi đang rất cần ngành chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc hỗ trợ!

Theo Huỳnh Nhi
Báo Lao động

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

21
Đang xem:
74.247.243
Tổng truy cập: