Trong khi nhiều
làng nghề truyền thống sống một cách thoi thóp thì làng nghề đan lát mây tre
Bao La (xã Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đang có nhiều khởi sắc nhờ nỗ lực không
ngừng nghỉ của chính người dân nơi đây.
Từ năm triệu đồng
Từ
sáng sớm, không khí hợp tác xã (HTX) mây tre đan Bao La đã nhộn nhịp. Gần 100
nhân công ở đây miệng cười nói liên lục nhưng bàn tay vẫn thoăn thoát làm việc.
Ông Võ Văn Dinh, chủ nhiệm HTX cho biết, dân làng Bao La từ xưa đã truyền tụng:
xóm Chùa đan rá, xóm Đình đan mủng trẹt, xóm Hóp đan rổ, xóm Câu đan nia, xóm
chợ đan dần, sàng. Mỗi xóm của làng Bao La đều có một thế mạnh riêng. Nông dân
nơi đây, sau vụ mùa, lại bắt tay vào đan lát không kể đàn ông hay phụ nữ. Sáng
sớm, người phụ nữ lại mang rổ, rá, mủng, dần…đến các chợ bán. Cuộc sống vẫn êm
đềm như thế hàng trăm năm nay.
Nghệ nhân Võ Chức (người đầu tiên bên phải) cùng nhiều thợ tại HTX - Ảnh:
Tuyết Khoa
Tuy
nhiên, từ những thập niên 80 của thế kỷ XX, làng nghề bắt đầu rơi vào luẩn quẩn
khi thị trường đồ nhựa xâm nhập ồ ạt. Nhiều người bỏ nghề vì sản phẩm làm ra
không ai mua. Dân làng nhiều lần họp bàn nhưng vẫn không tìm được giải pháp.
Đến năm 2007, dân làng đồng lòng thành lập HTX đan lát mây tre Bao La. Ban đầu
HTX có 25 xã viên. Số vốn chỉ có 5 triệu đồng-là số tiền vay mượn của 5 người
thợ kỳ cựu trong làng. Họ cũng chính là những người tiên phong khởi xướng và
kêu gọi dân làng thành lập HTX, dẫu biết sẽ gặp không ít khó khăn.
“Bao
La chủ yếu đan lát những vật dụng trong gia đình như rổ, rá, thúng mủng… Khi
thành lập HTX, chúng tôi đã xác định hướng đi là chuyên sản xuất hàng lưu niệm
mỹ nghệ bằng mây tre. Tôi và một số người tốn rất nhiều thời gian để tham khảo
thị trường. Biến những sản phẩm mỹ nghệ bằng chất liệu khác thành mây tre. Chỉ
có phong phú mẫu mã mới cạnh tranh nổi!”, ông Võ Chức, một trong hai nghệ nhân
của làng, cho biết. Sau gần 2 năm gây dựng, năm 2008, làng nghề Bao La được
vinh danh là làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 2011, sản phẩm bộ
đèn lồng bằng tre của làng nghề Bao La đoạt giải Nhất trong cuộc bình chọn sản
phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Cuối năm 2011, sản phẩm bộ mâm
khay tre của làng đạt giải Nhì tại cuộc thi sản phẩm làng nghề tiêu biểu do Bộ
VH-TT-DL tổ chức. Hàng năm sản phẩm của làng nghề Bao La còn được đem trưng bày
ở nhiều lễ hội trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Khởi sắc
Hiện,
HTX có trên 350 mẫu mã khác nhau như đèn ngủ, đèn lồng các loại, giỏ đựng trái
cây, lồng bàn, hoa sen trang trí, nông cụ… Sản phẩm của HTX đã đi khắp nơi từ
bắc vào nam. Thợ không sợ làm ra không có thị trường tiêu thụ. Việc luôn có
quanh năm. “Người Bao La đi đâu cũng tự hào vì quê mình có nghề truyền thống
nổi tiếng khắp nơi. Người dân ở đây hầu như ai cũng biết đan lát. Dân
gian mới có câu: Thúng mủng Bao La đem ra đựng bột/Chiếu Bình Định tốt lắm ai
ơi”, Chị Liên, một thợ giỏi ở đây chia sẻ. Theo chị Liên, trước đây mỗi ngày
đan lat, chị kiếm được khoảng 20-25 ngàn đồng. Nhưng từ khi vào HTX, thu nhập
của chị mỗi tháng từ 1,2- 1,5 triệu đồng mỗi tháng.
“Làng
nghề đang khởi sắc từng ngày. Người dân ai cũng hứng khởi. Đan lát chỉ là nghề
phụ của nhiều gia đình sau vụ mùa. Nhưng lại là nguồn thu nhập chính của nhiều
nông dân ở đây, đặc biệt là phụ nữ. Tuy vậy, làng nghề cũng đang đứng trước
nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thị trường, thợ giỏi sẽ khan hiếm dần…”
Nguồn: Thanh Niên