KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tăng tính kết nối, đáp ứng nhu cầu phát triển
(Ngày đăng: 26/12/2012   Lượt xem: 882)

Hà Nội hiện có khoảng 1.350 làng nghề với hàng ngàn mặt hàng thủ công mỹ nghệ có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cùng với sự khó khăn chung của nền kinh tế và áp lực cạnh tranh từ các nước khác, các làng nghề của ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, đó là sự kém cỏi trong việc quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng. 

Trước thực tế đó, TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp để các làng nghề truyền thống phát triển vươn xa, như hỗ trợ tài chính để đổi mới mẫu mã, quảng bá sản phẩm, đồng thời thúc đẩy du lịch làng nghề…

trungbay14122012-g.jpg

Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội tại 176 Quang Trung, Hà Đông.

Năm 2010, Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề với mục đích trưng bày, quảng bá các làng nghề Hà Nội. Đến nay, sau hơn 2 năm đi vào hoạt động với những hiệu quả thiết thực, UBND TP đã quyết định mở rộng thêm phòng trưng bày này với diện tích tăng gấp đôi.

Những trăn trở

Với lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, là nơi hội tụ của hầu hết các làng nghề lâu đời, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là sự kết tinh của truyền thống văn hóa lâu đời với sự tài hoa, khéo léo, tỷ mỷ của đôi tay và tâm hồn của những người thợ thủ công. Những giá trị tinh hoa của các làng nghề ở Hà Nội được giữ gìn, lưu truyền và phát triển từ đời này sang đời khác. Làng nghề san sát nhau, từ làng thêu Quất Động, làng may Trạnh Xá, rồi làng Duyên Thái, Chuyên Mỹ điêu luyện về nghề sơn mài, khảm trai; làng Nhân Hiền giỏi nghề điêu khắc đá; làng Nhị Khê có nghề mộc và tiện gỗ; làng Chuông làm nón; làng mây tre đan Phú Vinh…

Nhiều làng nghề Hà Nội đã nổi tiếng trong và ngoài nước với những sản phẩm độc đáo được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như làng cổ gốm sứ Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc... Gốm Bát Tràng được biết đến và nổi tiếng từ xa xưa với việc chế tạo ra các loại men gốm đẹp và những công đoạn tạo dáng. Những thợ gốm với kinh nghiệm gia truyền đã chế tác ra nhiều sản phẩm gốm độc đáo cả về dáng, họa tiết trang trí và men, đặc biệt là men đồng đen, men cổ hoặc dát lá đồng mỏng trên họa tiết nổi của chân đèn men nâu… mang lại nét đặc trưng riêng cho thương hiệu làng nghề gốm Bát Tràng. Rồi làng lụa Vạn Phúc cùng các làng dệt Hòa Xá, Phùng Xá, Tân Lập, La Khê đã làm nên tên tuổi lụa Hà Đông được ưa chuộng trong nước và nước ngoài... Nhắc tới Vạn Phúc không thể không nhắc tới những mẫu lụa nổi tiếng xa gần như lụa Vân, lụa Sa, lụa Hoa, gấm, lanh... Những mẫu lụa này đã trở thành nét đặc trưng rất đáng tự hào của người dân nơi đây…

trungbay.jpg

Sản phẩm làng nghề Hà Nội được trưng bày.  

Dù có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch và xuất khẩu, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn và việc làm ăn manh mún, chưa có chiến lược quảng bá sản phẩm đã khiến các làng nghề ngày càng mai một. Tại nhiều làng nghề, người dân không còn thiết tha với nghề, đã bỏ đi làm các công việc khác có thu nhập cao hơn. Sản phẩm làm ra tuy độc đáo nhưng khách hàng quốc tế không biết đến và vì vậy các đơn hàng xuất khẩu ít dần, sự sáng tạo của làng nghề theo đó cũng mai một dần. Trong khi đó, việc kết hợp phát triển làng nghề với du lịch đã được đặt ra nhiều nhưng do sự đơn điệu, thiếu kiến thức về du lịch đã khiến các làng nghề truyền thống mất dần sức hút.

Sự hỗ trợ cần thiết

Trước thực trạng đó, UBND TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các làng nghề. Ngoài việc nhân cấy nghề, hỗ trợ các làng nghề đổi mới công nghệ sản xuất, đổi mới thiết kế mẫu mã, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, đồng thời tổ chức các hội chợ thủ công mỹ nghệ lớn trong nước…, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã xây dựng cả một Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội. 

Phòng trưng bày được xây dựng năm 2010 tại số 176 Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội). Đến đây, khách tham quan được chiêm ngưỡng hơn 1.000 sản phẩm thủ công mỹ nghệ các làng nghề truyền thống của Hà Nội, từ những sản phẩm đơn giản đến những sản phẩm độc đáo, tinh xảo. 

Trên tổng diện tích 306m2, các sản phẩm được trưng bày chia làm 10 nhóm: Gốm sứ, mỹ nghệ, kim hoàn, thêu thùa, điêu khắc, mây tre… được lựa chọn từ 1.350 làng nghề của thành phố. Khách tham quan được thưởng thức đầy đủ nhất tinh hoa của các làng nghề truyền thống Hà Nội. Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc hình thành Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề có ý nghĩa lớn, bởi đây không chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của làng nghề mà còn là nơi trao đổi, giao lưu ký kết hợp đồng mua bán sản phẩm giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề với khách hàng trong và ngoài nước. Đây cũng là địa điểm tham quan mua sắm cho khách du lịch khi có nhu cầu thưởng thức, tìm hiểu sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề Hà Nội.

trungbay2.jpg

Sau 2 năm khai trương, Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề đã thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm, là điểm đến của nhiều tour trong chương trình kết hợp giữa du lịch và làng nghề. Nhiều cuộc triển lãm chuyên đề của các làng nghề đã được tổ chức, từ đó giúp các làng nghề được quảng bá rộng rãi tới các khách hàng trong nước và quốc tế. Hai năm qua, phòng trưng bày đã trở thành cầu nối giữa các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới với các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hàng đầu của Hà Nội. Tại đây, các nhà nhập khẩu có cơ hội mua những sản phẩm chất lượng tốt với giá cạnh tranh, đồng thời không ít những hợp đồng xuất khẩu có giá trị được ký kết. Sự hình thành Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề với chủ trương hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và các làng nghề, không thu phí đối với các sản phẩm trưng bày, song vẫn bán hàng trực tiếp và gián tiếp cho người sản xuất, địa chỉ này thực sự là cầu nối tin cậy giữa các nhà nhập khẩu trên toàn thế giới với các nhà sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội.    

Mở rộng Phòng trưng bày

Tuy nhiên, sau 2 năm phát triển với những giá trị thiết thực mang lại, có thể thấy mô hình của phòng trưng bày hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu trưng bày của các làng nghề cũng như nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch, các nhà nhập khẩu. 

Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã quyết định cải tạo, nâng cấp phòng trưng bày để phù hợp với điều kiện thực tiễn. Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, cuối tháng 12 này, dự án mở rộng và cải tạo Phòng trưng bày sản phẩm làng nghề Hà Nội sẽ chính thức được triển khai. Dự kiến phòng trưng bày được mở rộng tới 600m2, gấp đôi diện tích hiện tại là 306m2. 

Có thể nói, đây là một trong những hỗ trợ thiết thực của TP Hà Nội trong việc khôi phục và phát triển các làng nghề. Chưa khi nào hàng loạt giải pháp đồng bộ được thực hiện để vực dậy các làng nghề đến vậy. Theo ông Hoàng Xuân Thủy (Giám đốc Trung tâm  Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Sở Công Thương, Hà Nội), trong những năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội đã và đang tập trung vào nhiều hoạt động để hỗ trợ các làng nghề như: Cấy nghề cho các làng thuần nông nhằm mục tiêu đến năm 2017, 100% làng ở Hà Nội có nghề tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ thiết kế mẫu mã mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, với mục tiêu mỗi năm có từ 100 đến 150 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới ra đời; hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thị trường… Và trong năm tới, việc mở rộng Phòng trưng bày hy vọng sẽ đem lại hiệu quả thiết thực cho các làng nghề Hà Nội.

Nguồn: KTĐT

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

8
Đang xem:
72.526.110
Tổng truy cập: