KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vượt qua khó khăn
(Ngày đăng: 22/12/2012   Lượt xem: 962)

Có thể nói năm 2012 là một trong những năm khó khăn nhất đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung và các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề nói riêng.

Xuất khẩu suy giảm, nguồn vốn khó khăn, cạnh tranh ngày càng khốc liệt… cùng với nhiều nguyên nhân chủ quan như sự bị động, thiếu am hiểu thị trường, thiếu sự sáng tạo… là những khó khăn tổng lực tác động lên hoạt động sản xuất công nghiệp nông thôn. Dù vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của chính quyền Hà Nội, cụ thể là Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (PTCN) Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả tháo gỡ một phần khó khăn cho các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn trên địa bàn Thủ đô.

Năm 2013 tới, dự kiến tình hình vẫn chưa thể thoát khỏi khó khăn, vì vậy, Hà Nội sẽ tiếp tục có thêm nhiều hỗ trợ cho các làng nghề để các DN có thể trụ vững và vực dậy sản xuất.

Trúng những vấn đề bức xúc

Càng đứng trước thực tại khó khăn, càng thấy rõ hiệu quả của các hoạt động khuyến công, bởi hơn lúc nào hết, các làng nghề cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính quyền Thành phố (TP). Trong năm qua, cùng với việc TP phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2012, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã bắt tay ngay vào việc triển khai các nội dung nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các làng nghề. Các hoạt động khuyến công và tư vấn PTCN trong năm qua được đánh giá là bước đầu "đánh" trúng vào những vấn đề bức xúc của làng nghề như: Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mẫu mã sản phẩm, khoa học kỹ thuật lạc hậu, nhân lực thiếu thốn…

Cụ thể, về công tác hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nổi bật trong năm qua Trung tâm đã tổ chức thành công Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012. Hội chợ có quy mô 532 gian hàng của trên 200 DN Hà Nội và 18 tỉnh, thành trong cả nước. Hội chợ đã thu hút trên 2.000 khách thương mại, trong đó có 440 nhà nhập khẩu nước ngoài đến thăm quan và giao dịch tại hội chợ với tổng số 933 biên bản ghi nhớ và thỏa thuận hợp tác; 4 hợp đồng xuất khẩu trược tiếp (giá trị 90.000USD) được ký kết giữa khách thương mại, nhà nhập khẩu với các DN tham gia Hội chợ.

Theo báo cáo của các DN tham gia hội chợ, các hợp đồng ký kết trong năm 2013 thông qua Hội chợ này đạt khoảng 3 triệu USD. Tổng giá trị bán lẻ hàng hóa của các DN tham gia Hội chợ đạt trên 4 tỷ đồng.

maytre21122012-g.jpg

Sản phẩm mây tre giang đan của làng nghề mây tre đan Yên Trường, thôn Nam Cường, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức và hỗ trợ 6 đoàn với gần 50 DN (trong đó có 2 đoàn nước ngoài và 4 đoàn trong nước) tham gia các hội chợ trong nước và ngoài nước. Kết thúc các hội chợ xuất khẩu có 80% số DN tham gia hội chợ tìm kiếm được khách hàng mới và 60% số DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá trị hàng trăm ngàn USD. Kết thúc các hội chợ bán lẻ, trung bình một DN tiêu thụ được lượng sản phẩm trị giá khoảng 100 triệu đồng. Có thể nói, các hội chợ ngoài việc giúp DN trực tiếp bán được hàng, trực tiếp ký những hợp đồng còn là cơ hội để các sản phẩm làng nghề được quảng bá trực tiếp đến nhà nhập khẩu. Xưa nay, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của ta được đánh giá cao về chất lượng, sự tinh tế và giá thành phù hợp, tuy nhiên nó lại ít được thế giới biết đến, việc xuất khẩu lại qua nhiều khâu trung gian khiến giá thành đội lên cao còn lợi nhuận cho nhà sản xuất giảm đi.

Về công tác cấy nghề, truyền nghề, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN đã tiến hành tổ chức cấy nghề tiểu thủ công nghiệp cho 50 làng thuần nông, mỗi làng 35 lao động. Kết thúc các lớp cấy nghề, cơ bản bước đầu các làng đã hình thành nghề, là cơ sở ban đầu cho việc phát triển nghề, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế địa phương. Trung tâm cũng tổ chức 57 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho trên 1.995 lao động nông thôn. Kết thúc đào tạo từ 75 - 80% số lao động đã có việc làm, góp phần quan trọng giúp các DN, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề, đồng thời tạo thêm thu nhập cho người dân. Ngoài ra, 6 lớp tập huấn với các nội dung như: Khởi sự DN, nâng cao kỹ năng quản lý, quản trị và điều hành DN… cho gần 500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn TP cũng đã được tổ chức.

Qua đó, các học viên đã tiếp cận kiến thức mới về quản lý, quản trị DN thông qua các giảng viên là các Giáo sư, Tiến sỹ đến từ các trường đại học lớn ở Hà Nội…

Trong thời điểm suy thoái kinh tế, một nhược điểm của làng nghề càng bộc lộ rõ là vấn đề mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Trong những năm qua, tuy một số làng nghề có các sản phẩm độc đáo, nhưng nhìn chung mẫu mã sản phẩm còn đơn điệu, rập khuôn, thiếu tính sáng tạo, mang nặng cách làm gia công, sao chép. Một số mẫu mã độc đáo thì lại quá cầu kỳ, khó sản xuất hàng loạt, thiếu tính thương mại, tính ứng dụng…

Vì vậy, năm qua, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN cũng đã hỗ trợ nhiều DN trong vấn đề này, cụ thể là hỗ trợ 10 DN ngành thủ công mỹ nghệ thiết kế sản phẩm mới (mỗi DN 1 sản phẩm hoặc bộ sản phẩm mới). Đặc biệt, Trung tâm đã tổ chức thành công cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN Hà Nội với tổng số 210 sản phẩm của 83 đơn vị, cá nhân gửi đăng ký dự thi. Cuộc thi được cho là cú hích, động lực để các nghệ nhân, DN, cơ sở sản xuất đầu tư vào việc sáng tạo mẫu mã, tăng cường sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trung tâm cũng đã triển khai khai hỗ trợ 5 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các dự án sau đầu tư đã phát huy hiệu quả, giúp DN, cơ sở sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Ngoài ra là nhiều hoạt động khác như tổ chức các đoàn đi trao đổi kinh nghiệm công tác khuyến công tại một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long; Hỗ trợ một số địa phương như Sơn La và Lai Châu cấy nghề tiểu thủ công nghiệp…

Tiếp tục hỗ trợ cho hàng trăm làng nghề

Năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước được dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và cơ sở công nghiệp nông thôn. Vì vậy, công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp được đánh giá là đặc biệt quan trọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các DN, cơ sở công nghiệp nông thôn Hà Nội phát triển, góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn mới.

Vì vậy, theo ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn PTCN Hà Nội, Trung tâm sẽ tiếp tục hoàn thiện và báo cáo Sở Công Thương trình UBND TP phê duyệt kế hoạch khuyến công địa phương năm 2013 ngay từ tháng đầu năm, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện nhiều chương trình cụ thể báo cáo Sở Công Thương trình UBND TP phê duyệt. Theo đó, mục tiêu mà Trung tâm đặt ra là phải hoàn thành trên 95% chỉ tiêu, kế hoạch công tác khuyến công và trên 85% kế hoạch chỉ tiêu công tác tư vấn và công tác khác đề ra trong năm 2012; Cấy nghề cho 120 làng thuần nông, phấn đấu về cơ bản các làng sau cấy nghề, duy trì ổn định và phát triển nghề; Đào tạo và tạo việc làm cho 1.800 lao động khu vực nông thôn; Tạo ra 200 - 250 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới.

Để đạt được những mục tiêu trên, dự kiến, Trung tâm sẽ có nhiều hoạt động cụ thể thiết thực như: Tổ chức Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội năm 2013 với quy mô 600 gian hàng tại Hà Nội, thời gian dự kiến cuối tháng 10/2013; Tổ chức 2 đoàn với khoảng 15 - 20 DN tham gia hội chợ quốc tế hàng TCMN tại nước ngoài; tổ chức 3 - 5 đoàn gồm 50 DN tham gia hội chợ quốc tế thủ công mỹ nghệ và hội chợ hàng công nghiệp nông thôn tổ chức trong nước; Mở rộng và phát triển hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, phấn đấu hình thành tour du lịch có điểm đến là phòng trưng bày; Tổ chức 120 lớp cấy nghề cho 120 làng thuần nông (mỗi làng 35 lao động), tổ chức 50 lớp đào tạo nghề, truyền nghề cho các làng đã có nghề (mỗi lớp 35 lao động).

Kết thúc đào tạo, cấy nghề có trên 75% số lao động có việc làm và thu nhập ổn định; Hỗ trợ xây dựng 5 dự án đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; Tổ chức 5 lớp tập huấn quản trị DN cho khoảng 400 học viên và 5 lớp tập huấn giới thiệu văn bản khuyến công mới cho 400 cán bộ làm công tác khuyến công cấp huyện, xã; Hỗ trợ 10 - 15 DN hàng TCMN thuê tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm…

Ngoài ra, Trung tâm cũng liên kết hoạt động khuyến công với các địa phương phía Bắc khác như: Hỗ trợ 7 tỉnh miền núi phía Bắc cấy nghề, miễn phí 100% chi phí 50 gian hàng tiêu chuẩn tại Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2013 cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Bên cạnh công tác khuyến công thì công tác tư vấn phát triển công nghiệp cũng được Trung tâm đặc biệt chú trọng. Trong năm 2013, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện các dự án tư vấn lập quy hoạch còn dở dang của năm 2012, triển khai các dự án lập quy hoạch mới trong năm 2013. Trong năm 2012, Trung tâm đã hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển nghề và làng nghề Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã báo cáo Thường trực UBND TP, đang chờ phê duyệt cùng với nhiều chương trình, kế hoạch tư vấn khác…

Nguồn: KTĐT

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

5
Đang xem:
72.525.459
Tổng truy cập: