Những năm về trước, xã
Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là một vùng quê nghèo, người dân địa
phương quanh năm chỉ biết gắn bó với cây lúa, củ khoai. Nhưng vài năm trở lại
đây, nhờ sự năng động của lớp thanh niên trẻ đưa nghề mộc về làng, tạo công ăn
việc làm cho nhiều lao động trong địa phương nên đời sống của hầu hết người dân
trong xã Mai Đình đang từng bước được nâng lên.
Theo số liệu thống kê,
đến thời điểm hiện nay ở xã Mai Đình có hàng trăm xưởng mộc lớn, nhỏ, trong đó
đa số chủ các xưởng mộc đều là những người trẻ tuổi. Họ là những người năng
động, biết tìm tòi và phát huy những yếu tố hiện đại để phát triển sản xuất.
Công sức và lòng yêu nghề của họ đã ăn sâu vào từng nét chạm khắc, cho ra đời
những sản phẩm đạt trình độ kỹ thuật, tinh xảo. Anh Đỗ Văn Quang, thôn Mai
Thượng, xã Mai Đình là một trong những chủ xưởng đang làm ăn phát đạt ở địa
phương tâm sự: “Học xong cấp 3, gia đình nghèo lại đông anh em, tôi không có
tiền học tiếp nên đã xin bố mẹ ra Đồng Kỵ làm mộc thuê kiếm sống. Được hai năm,
tôi thấy các chủ xưởng mộc ở đây thu lợi nhiều từ nghề mộc, đặc biệt là làm đồ
dân dụng như bàn, ghế, tủ, giường… Thấy thế tôi quyết tâm theo học nghề, ban
đầu tôi làm thuê không lấy tiền công để học nghề. Sau khi học được nghề, năm
2008, tôi trở về quê đầu tư gần 2 tỷ đồng mở xưởng với mong muốn đưa
nghề mộc về quê mình”.
Anh Đặng Văn Tuấn, công nhân xưởng mộc của gia đình anh Đỗ
Văn Quang ở thôn Mai Thượng.
Được biết, thời gian
đầu mở xưởng, anh Quang tập trung nhận làm những vật dụng đơn giản như bàn, ghế
và chủ yếu nhận làm khoán cho các xưởng mộc lớn trong xã. Khi đã tích lũy được
kinh nghiệm và công nhân đã chắc tay nghề, anh Quang triển khai làm các mặt
hàng cao cấp khác; đồng thời tự mình đi chào hàng, móc nối đầu mối tiêu thụ bán
hàng. Đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình anh Quang có hệ thống bạn hàng ở
khắp các địa phương trong cả nước. Nhờ vậy, doanh thu của gia đình anh lên tới
hơn 1 tỷ đồng/năm và tạo công ăn việc làm cố định cho 10 người với mức lương
200 đến 300 nghìn đồng/ngày.
Anh Đặng Văn Tuấn,
công nhân đang làm việc tại xưởng mộc của gia đình anh Quang tâm sự: “Học xong
phổ thông, chưa có việc làm nên tôi xin vào xưởng mộc của gia đình anh Quang
làm công nhân. Ở đây tôi được học nghề, ban đầu làm những vật dụng đơn giản như
bàn, ghế, dần dần học làm tủ và những vật dụng gia đình cao cấp khác”.
Rời xưởng mộc của gia
đình anh Quang, chúng tôi đến xưởng mộc của gia đình anh Nguyễn Văn Nhuận (một
trong những người đầu tiên đưa nghề mộc về làng). Xưởng mộc của gia đình anh
Nhuận khang trang với nhiều máy móc hiện đại, với các sản phẩn tinh tế như bàn,
ghế (chủ yếu dùng cho các nhà hàng, khách sạn), giường, tủ… Anh Nhuận chia sẻ:
“Cũng như các chủ xưởng mộc trong làng, thời gian đầu tôi cũng đi làm thuê cho
các xưởng mộc lớn ngoài Đồng Kỵ. Vừa làm, vừa học nghề, sau mấy năm học hỏi,
khi đã cơ bản nắm được bí quyết nghề mộc, tay nghề khá vững, tôi trở về quê nhà
đầu tư mở xưởng mộc. Công việc làm ăn suôn sẻ nên thu nhập của gia đình tôi
cũng khá. Không những vậy, xưởng mộc của gia đình tôi còn góp phần giải quyết
việc làm cho 5 lao động là con, em trong địa phương, với mức lương từ 2 đến 3
triệu đồng/tháng”.
Nghề mộc ở xã Mai
Thượng được phát triển từ năm 2005. Thời gian đầu cả làng chỉ có khoảng 20 hộ
làm nghề, sau thấy nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ trong xã đã
cho con em mình tới các xưởng mộc để học nghề, đến nay tổng số hộ làm nghề mộc
đã tăng lên gấp 10 lần. Các mặt hàng như bàn, ghế không có mức giá nhất định,
tùy từng thời điểm mà có thể tăng lên hoặc giảm xuống nhưng hầu như không bao
giờ bị thua lỗ.
Ông Nguyễn Quang Thùa,
Chủ tịch Hội nông dân xã Mai Đình cho chúng tôi biết: “Từ khi nghề mộc phát
triển ở đây đã giải quyết rất nhiều việc làm cho thanh niên trong xã. Nhiều
người sau khi học nghề đã có việc làm ổn định ngay tại quê nhà. Hiện nay, doanh
thu từ nghề mộc chiếm hơn 30% tổng doanh thu của xã. Có thể nói, nhờ có nghề
mộc mà đời sống của người dân trong xã được nâng cao rõ rệt”.
Nguồn: Quân Đội Nhân
Dân