Thúng chai hay thuyền thúng có lẽ là
sản phẩm độc quyền của người Việt. Đó là phương tiện trung chuyển đồng thời là thuyền
cứu sinh của ngư dân. Những con tàu đánh bắt xa bờ thường trang bị từ 5 – 10
thúng chai. Gần đây thúng chai của làng nghề Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An,
Phú Yên, còn tìm được đường ra hải ngoại. Sang Thái. Rồi Thuỵ Sĩ.

Trên 100
thúng chai đã được xuất sang Thái như là phương tiện chống lụt vào cuối năm
2011. Ông Võ Văn Kin – Năm Kin, 55 tuổi, ở phường 6, Tuy Hoà, Phú Yên có
chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời sang Thái Lan cùng thúng chai từ 9 –
11.11.2011, để làm thầy dạy "lắc". Và Năm Kin đã có cuộc
"biểu diễn" thúng chai tại cơ quan đăng kiểm Thái Lan, sau đó
là tại hội Chữ Thập Đỏ Bangkok, dạy lắc cho hàng loạt "cán
bộ" và ngư dân Thái… Ảnh: Ngô Văn Thanh

Chà trét
phân bò tươi bịt kín các lỗ hở để thúng không thấm nước, trước khi trét nhựa
chai.
|

Bé gái mười
tuổi đã biết đan thúng. Phú Mỹ đang có trên 50 hộ với khoảng 150 lao động
chính sống bằng nghề thúng chai, chủ yếu giải quyết lao động tại chỗ.
|

Nứt vành,
một công đoạn khó, quyết định độ chắc chắn của thúng chai. Tuỳ kích cỡ, đường
kính thúng từ 1,2 đến trên 3m, giá xuất xưởng bán cho các mối buôn từ 500.000
đến 3 triệu đồng/thúng; thúng Phú Mỹ đang đi khắp nơi, đến tay người mua thì
giá phải tăng lên cỡ gấp rưỡi, gấp đôi. Dân làng thúng hiện kiếm được bình quân
80.000 – 100.000 đồng/ngày công.

Một phụ nữ
đang chuyển giao phần nan bụng thúng vừa đan xong. Sản xuất thúng chai có
nhiều công đoạn. Có hộ chỉ gia công phần vót nan đan mê (dùng làm phần bụng
thúng); bởi việc lận bụng, nứt vành thúng khá nặng nhọc, đòi hỏi phải có sức
vóc đàn ông thạo nghề. Nhiều hộ sản xuất từ A – Z.
|

Đắp đất,
lận cho bụng thúng tròn đều. Nguyên liệu chính để sản xuất thúng chai là nan
tre, dầu chai và… phân bò.
|

Ngư dân Thái
đang hào hứng làm quen với thúng chai. Làng nghề thúng chai Phú Mỹ đang có hợp
đồng đặt hàng 200 thúng chai xuất sang Thuỵ Sĩ để cung cấp cho các công ty du
lịch nước này. Ảnh: Ngô Văn Thanh
Theo Sài Gòn Tiếp Thị