Tằm nhả tơ... vàng
Từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, Nha Xá sản
xuất nhiều mặt hàng như đũi, tơ se, lụa hoa, hàng lanh... phục vụ
tiêu dùng thị trường nội địa, mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp và
nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Nằm
sát triền đê sông Hồng thơ mộng, Nha Xá (xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh
Hà Nam) - một làng dệt lụa được mệnh danh là Á Hậu của Việt Nam, được
hình thành từ đầu thế kỷ XIII gắn liền với tên tuổi vị Thành Hoàng Trần Khánh
Dư - giống như bao làng quê thanh bình khác của vùng đồng bằng Bắc bộ, chỉ khác
biệt ở chỗ đi đến đâu cũng nghe thấy tiếng con thoi nhịp nhàng, tiếng dồn dập
của khung cửi hoà với tiếng nói cười rôm rả của những người thợ.
Nếu so sánh với lụa Hà Đông, lụa Nha Xá chưa thể sánh được
về mặt kiểu dáng, hoa văn, nhưng giữ nguyên được nét đẹp cổ truyền vốn
có. Ảnh: L.Hiếu
Nếu so sánh với lụa Hà Đông, lụa Nha
Xá chưa thể sánh được về mặt kiểu dáng, hoa văn…nhưng điều nổi bật nhất trong
cơ chế thị trường là lụa Nha Xá giữ nguyên được nét đẹp cổ truyền vốn có của nó
- chính là hồn của thiên nhiên, trong sắc có độ trong, độ đục, có sự lấp
lánh dưới ánh nắng trời... Từ lâu, các lái buôn hàng lụa thị trường Sài Gòn -
Chợ Lớn và kể cả ở Viêng Chăn - Lào đã tín nhiệm những tấm lụa nõn bóng, mượt
mà của Nha Xá.
Từ những năm đầu thế kỷ, những súc tơ lụa nõn bóng, mượt mà của vùng quê Nha Xá
đã chinh phục được hầu hết các thị trường lớn cả nước. Cái hồn của lụa tơ tằm
Nha Xá chính là hồn của thiên nhiên, trong sắc có độ trong, độ đục, có sự lấp
lánh dưới ánh nắng trời…
Những súc tơ lụa nõn bóng, mượt mà của vùng quê Nha Xá đã
chinh phục được hầu hết các thị trường lớn. Ảnh: L.Hiếu
Khi đất nước chuyển sang cơ chế thị
trường, làng nghề càng nhộn nhịp hơn và quy mô sản xuất của làng nghề tiếp tục
được mở rộng theo hướng công nghiệp. Nhiều gia đình tiếp tục đóng thêm máy dệt,
hoặc đầu tư thay khung gỗ bằng khung sắt để làm ăn lâu dài. Đặc biệt người làng
dệt nhanh nhạy với thị hiếu người tiêu dùng luôn chuyển đổi mặt hàng. Nhiều mặt
hàng mới ra đời như hàng đũi, hàng tơ se, hàng lụa hoa, hàng lụa trơn, hàng
lanh… và chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao. Từ Nha Xá, nghề
dệt đã lan rộng đến nhiều vùng như Lảnh Trì, Chuyên Ngoại, Hoà Mạc, Đồng Văn…
tạo việc làm và thu nhập ổn định, thậm chí là cao cho hàng trăm gia đình.
"Quả là tằm nhả tơ vàng... Hy vọng Nha Xá luôn giữ vững và phát
huy truyền thống làng nghề", một du khách chia sẻ.
Hiện tại làng có 170 máy dệt trơn, 54 máy dệt đầu giao và có 7 máy dệt kiếm là
loại máy tiên tiến bậc nhất trên thị trường nước ta. Áp dụng công nghệ tiên
tiến, cao điểm nhất sản lượng lụa của làng làm ra đạt 1,8 triệu
mét/năm. Nhiều gia đình đông lao động, tổ chức sản xuất hợp lý có tới 2-3
máy dệt trong nhà. Những gia đình này thường khép kín các công đoạn sản xuất từ
mua nguyên liệu đến bán thành phẩm. Thị trường là những đô thị lớn như Hà Nội,
Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.
Một công đoạn làm ra sản phẩm của người thợ Nha Xá. Ảnh: L.Hiếu
Ông Nguyễn Quang Thoại, Trưởng thôn Nha Xá, cho biết: “Trước
những đòi hỏi khắt khe của nền kinh tế thị trường, nếp sản xuất thủ công, năng suất
thấp, mẫu mã sản phẩm đơn điệu không còn phù hợp nữa. Để lưu giữ và phát triển
nghề cổ truyền của ông cha để lại từ nhiều đời (từ năm 1280), người dân Nha Xá
đã từng bước thay thế phương thức sản xuất thủ công bằng phương thức sản xuất
bán công nghiệp, đem lại lợi ích kinh tế rất cao”.
Năm 2004, làng nghề xứng đáng được UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống
dệt lụa Nha Xá vì những kết quả đạt được của làng nghề và có 3 thợ giỏi được
công nhận vì đã có công lao đóng góp cho phát triển làng nghề.
Theo Dân việt