Hiện cả nước có 4.575 làng nghề, góp phần tạo việc làm cho hơn 11 triệu
lao động nông thôn, trong đó có địa phương thu hút hơn 60% lao động. Nhiều nông
dân đã giàu lên từ các làng nghề. Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các làng
nghề đang lâm vào cảnh "thoái trào", cần hướng đi mới để phát
triển bền vững.
Tạo hình cho sản phẩm gốm
sứ ở làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội)
Làng nghề bỏ nghề
Làng
nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vốn nổi tiếng là phát triển tốt và thích ứng
nhanh với cơ chế thị trường, kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu các làng nghề
trong cả nước, nhưng hiện tại, lượng khách mua hàng cũng sụt giảm, nhiều đơn
hàng bị cắt, lượng hàng tồn kho cao. Theo Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng, nếu trước
đây làng gốm sứ giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động thì giờ đây con
số đó chỉ còn một nửa. Nổi tiếng không kém Bát Tràng là làng lụa Vạn Phúc (Hà
Ðông, Hà Nội). Với bề dày truyền thống gần 1.200 năm tuổi, lụa Vạn Phúc đẹp nổi
tiếng và nức tiếng gần xa. Vào thời điểm "hoàng kim", mỗi năm,
Vạn Phúc đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng nghìn
lao động địa phương và các nơi khác. Nhưng cùng với khủng hoảng kinh tế, sự
vắng vẻ đã bao trùm lên làng lụa. Với hơn 150 cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm,
làng lụa Vạn Phúc nay không còn duy trì được sự tấp nập bán, mua.
Cùng
chung "số phận" với gốm sứ Bát Tràng và lụa Vạn Phúc là làng nghề mây
tre đan xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội; làng nghề chạm khắc gỗ Ðông
Giao, xã Lương Ðiền, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương; làng nghề gỗ mỹ nghệ Ðồng
Kỵ, Từ Sơn (Bắc Ninh)... ở các làng nghề này, cảnh đìu hiu vắng bóng khách tham
quan, mua sắm là không khí bao trùm. Hệ quả là sản phẩm mây tre đan Phú Túc bị
thu hẹp dần do sức ép của cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng như sự
cạnh tranh của nhiều mặt hàng gia dụng có sức bền cao như nhựa, gỗ, i-nốc...
Dạo quanh làng nghề chạm khắc gỗ Ðông Giao hỏi bất kể gia đình nào cũng đều
nhận những lời than vãn về sự khó khăn mà người dân làng nghề này đang gặp
phải. Anh Vi chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp mỹ nghệ Vi Thoa chia sẻ: Các sản
phẩm của gia đình làm ra từ đầu năm đến nay bán rất chậm. Ðã nhiều năm làm
nghề, nhưng chưa năm nào khó khăn như năm nay. Lượng hàng bán ra giảm 50% so với
năm 2011. Sản phẩm làm ra thì ế, xưởng phải hoạt động cầm chừng... Tại làng
nghề gỗ mỹ nghệ Ðồng Kỵ, hàng loạt các cơ sở sản xuất đang điêu đứng. Nhiều
người ở làng nghề cho biết: Cách đây hai năm, hàng làm đến đâu bán hết đến đó.
Các thương lái người Trung Quốc còn đến tận làng để xem xét mẫu mã, chất lượng
sản phẩm rồi mua buôn về nước để tiêu thụ. Nay tình hình tài chính khó khăn cho
nên họ không còn mặn mà với sản phẩm của làng nghề này nữa. Hàng không bán
được, kéo theo hàng loạt "hệ lụy" là người dân thất nghiệp, thua lỗ,
phá sản, không có khả năng trả nợ do vay quá nhiều vốn... Thậm chí nhiều người
phải bỏ làng đi trốn nợ.
Chồng chất khó khăn
Từ
năm 2006, Chỉnh phủ đã ban hành Nghị định số 66/2006/NÐ-CP về khuyến khích phát
triển ngành nghề nông thôn, và Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề
cũng được phê duyệt từ tháng 10-2011, nhưng theo Chủ tịch Hiệp hội làng nghề
Việt Nam Lưu Duy Dần thì đến nay các làng nghề vẫn đang phải đối mặt với khó
khăn chồng chất.
Theo
số liệu điều tra và báo cáo kiến nghị của nhiều địa phương, có 18/51 tỉnh,
thành cho rằng đang có sự chồng chéo về quản lý ngành nghề nông thôn giữa các
cơ quan nhà nước từ T.Ư đến địa phương. Một số nội dung quy định tại Nghị định
66 như quản lý chất lượng sản phẩm làng nghề, đào tạo nhân lực làng nghề chưa
có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành có liên quan. Chưa có chính sách phát huy
sự tham gia, liên kết giữa cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn với các nhà đầu
tư và thị trường. Ngay như quản lý nhà nước về môi trường làng nghề theo quy
định là Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, nhưng lực lượng của phòng này khá
mỏng cho nên việc quản lý môi trường làng nghề chưa được quan tâm đúng mức.
Trong
khi đó, các chính sách về vốn tín dụng cho phát triển ngành nghề nông thôn,
làng nghề theo quy định trong Nghị định 66/2006/NÐ-CP về khuyến khích phát
triển ngành nghề nông thôn và các chính sách có liên quan còn nhiều vướng mắc,
dẫn đến các hộ sản xuất, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc
tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Anh Vi,
chủ cơ sở sản xuất đồ gỗ cao cấp mỹ nghệ Vi Thoa cho biết: "Là doanh
nghiệp được phép vay vốn tín dụng nhưng quá trình tiếp cận nguồn vốn cũng rất
khó khăn. Ðể tiếp cận được nguồn vốn, chúng tôi phải qua các khâu trung gian,
theo đó mất thêm mức lãi suất từ 3,5 đến 4%. Như thế, mức ưu đãi còn lại chẳng
đáng là bao". Chính vì vậy, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ cho vay
phát triển ngành nghề nông thôn liên tục tăng trưởng, với tốc độ tăng bình quân
khoảng 26%/năm, nhưng các hộ kinh doanh gần như không tiếp cận được do nhiều
yếu tố khác nhau.
Ngoài
ra, tại các làng nghề hiện nay đang thừa lao động phổ thông nhưng lại thiếu
trầm trọng lao động có tay nghề cao. Một bộ phận lớp trẻ tại nhiều làng nghề đã
không còn mặn mà với nghề cha truyền con nối. Trong khi đó, việc phát triển
nguồn nhân lực tại các làng nghề như đào tạo nghề, truyền nghề, tư vấn sản xuất
kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn... chưa được sự quan tâm đúng
mức của chính quyền địa phương. Nguồn nhân lực tay nghề cao thiếu hụt đã ảnh
hưởng nghiêm trọng đến chất lượng các sản phẩm. Phần lớn các sản phẩm truyền
thống cần đến độ tinh xảo, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh
tranh gay gắt như hiện nay, thì nhiều làng nghề đã không đáp ứng được, dẫn đến
mất dần thị trường truyền thống.
Bên
cạnh đó, tình trạng sản xuất cầm chừng, xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn tại các
làng nghề còn có nguyên nhân từ việc các chương trình xúc tiến thương mại quốc
gia và quốc tế chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều Hội chợ làng nghề trong
nước cũng được tổ chức nhưng chỉ dừng lại ở mô hình các gian hàng trưng bày,
khách hàng đến tham quan là chính, chưa có tác dụng kích thích tiêu dùng. Ngoài
việc các sản phẩm làng nghề thường chậm đổi mới mẫu mã, thì chiến lược kinh
doanh của các doanh nghiệp dường như vẫn chưa "đánh trúng" tâm lý của
người tiêu dùng.
Giải pháp pháp triển
Ðể
các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển ngành nghề nông
thôn, làng nghề có hiệu quả cao hơn, tạo môi trường thuận lợi để các thành phần
kinh tế tham gia phát triển sản xuất, thì quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngành
nghề nông thôn cũng cần có điều chỉnh phù hợp. Cần sửa đổi, bổ sung Nghị định
số 66/2006/NÐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, trong
đó sửa đổi, làm rõ một số nhóm ngành nghề và bổ sung một số chính sách phù hợp
với chủ trương, chính sách xây dựng nông thôn mới. Các chính sách tín dụng cho
ngành nghề nông thôn cũng phải được xây dựng trên cơ sở phù hợp với thực tế sản
xuất.
Theo
Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, ngân hàng cần dành nguồn vốn
cố định hằng năm để cho các thành phần kinh tế vay phát triển ngành nghề phi
nông nghiệp ở nông thôn. Theo đó, tăng vốn tín dụng ưu đãi, vốn chương trình
kích cầu của Nhà nước cho các cơ sở ngành nghề nông thôn được vay vốn trung và
dài hạn với lãi suất ưu đãi nhằm đổi mới thiết bị, công nghệ, sản xuất mặt hàng
mới, tăng cường xuất khẩu. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn
và tạo nguồn ngân sách ổn định cho quỹ hoạt động một cách thường xuyên và có
khả năng cung cấp đủ vốn cho các cơ sở ngành nghề nông thôn với các thủ tục cho
vay đơn giản. Ðây là công cụ chính sách quan trọng để đẩy mạnh phát triển ngành
nghề nông thôn, làng nghề.
Một
giải pháp quan trong khác là giải quyết mặt bằng cho sản xuất, kinh doanh. Ðối
với các doanh nghiệp làng nghề, yêu cầu cấp bách nhất hiện nay là có đất đai
làm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu duy trì và mở rộng sản
xuất. Tuy nhiên, việc thuê mặt bằng hiện nay không dễ. Vì vậy, cần có chính
sách trợ giúp về sử dụng kết cấu hạ tầng và giải quyết môi trường cho doanh
nghiệp để có thể thuê mặt bằng ở các khu, cụm công nghiệp đã có. Hoặc Nhà nước
đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho làng nghề, trợ giúp và giảm
nhẹ giá thuê để doanh nghiệp có thể thuê đất với giá thấp nhất.
Ngoài
ra, theo Cục trưởng Cục chế biến, thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối
Ðỗ Văn Nam thì các làng nghề hiện nay cũng cần đổi mới theo hướng tập trung
phát triển gắn với các chương trình văn hóa xã hội và du lịch. Ðiển hình cho mô
hình này là làng nghề Vạn Ðiểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội đã mở thêm điểm du
lịch làng nghề. Mỗi năm có hàng chục đoàn du lịch đến đây thăm quan, góp phần
thúc đẩy hoạt động mua bán sản phẩm. Ðồng thời khuyến khích các hộ làm
nghề, cơ sở sản xuất và các doanh nghiệp triển khai ứng dụng kết quả khoa học
và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới và thực hiện các dịch vụ
khoa học công nghệ hay tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hoàn thiện
sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hóa thuộc lĩnh vực ngành nghề nông
thôn. Song song với đó là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng, nâng cao
tay nghề, đào tạo nghệ nhân trẻ, phát huy vốn quý của các nghệ nhân nhiều tuổi,
hình thành nhiều lớp nghệ nhân trong làng nghề, qua đó tạo lực lượng kế thừa,
lưu giữ được những tinh hoa truyền thống làng nghề.
Ðã
từ lâu, làng nghề luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa
phương và bảo đảm đời sống cho người lao động. Mức thu nhập từ sản xuất nghề cao
hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp. Thu nhập trung bình của người lao
động đạt từ 450 nghìn đồng/tháng đến bốn triệu đồng/tháng (tùy theo từng loại
ngành nghề), gấp 1,5 đến bốn lần so với lao động thuần nông. Theo Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, định hướng phát triển ngành nghề nông thôn giai
đoạn 2012- 2020 là thực hiện quy hoạch phát triển ngành nghề, làng nghề phải
gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa
phương. Phát triển ngành nghề nông thôn cần phù hợp với quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội, gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, hệ thống giao thông
đầu mối. Ðáng chú ý, cần đẩy mạnh thực hiện chương trình bảo tồn và phát triển
làng nghề phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới. Muốn làm được điều
này, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, từ T.Ư đến địa phương và các tổ chức Hiệp
hội cũng như ý thức xây dựng làng nghề phát triển bền vững của mỗi hộ dân.
Theo ND