Chưa ai thống kê ở 50 xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) hiện
nay có bao nhiêu người nằm trong độ tuổi lao động được giải quyết việc làm tại
địa phương. Kinh tế thuần nông, thiếu vắng cơ sở công nghiệp, làng nghề chậm
phát triển, xem ra mục tiêu XDNTM với phương châm “ly nông bất ly hương” vẫn
còn xa vời.

Làng nghề đan đát ở ấp Mỹ I. Ảnh: T.Đ.
Bỏ quê ra phố
Ông Lại Văn Tám (ấp 18, xã Vĩnh
Bình, huyện Hòa Bình) năm nay đã 73 tuổi. Khi có chủ trương XDNTM, ông hưởng
ứng rất nhiệt tình nhưng vẫn không khỏi băn khoăn: “Nông thôn mới mà hộ nông
dân bán đất, bỏ quê đi làm ăn xa nhiều quá, tôi thấy chưa an tâm”. Còn cụ bà
Nguyễn Thị Ba (ấp Huê II A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) hồ hởi nói: “XDNTM
bảnh lắm cháu ơi. Đường sá rộng rãi, sạch đẹp, trường học gần nhà nên các cháu
đi học dễ lắm!”. Nhưng khi hỏi về nghề nghiệp của con cháu mình, bà bảo: “Ở đây
nó chỉ có làm ruộng thôi. Mấy đứa có sức thì nó chê làm ruộng không có tiền
nhiều nên kéo nhau lên thành phố tìm việc làm!”. Ở vùng chuyển đổi của xã Phước
Long (huyện Phước Long), ông Dương Quốc Trung, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận:
“Ngoài sản xuất tôm - lúa, làm phụ hồ, thanh niên xã này phần lớn bỏ quê đi làm
ăn ở TP. HCM, Bình Dương…”.
Mục tiêu cuối cùng của XDNTM là nâng
cao đời sống người dân nông thôn (cả vật chất và tinh thần), từng bước công
nghiệp hóa - hiện đại hóa, làm cho diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong
đó, vấn đề giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập để cuộc sống của người dân
ổn định, khá giả là một tiêu chí mấu chốt. Chủ trương của Đảng trong vấn đề này
là chú trọng giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, đẩy mạnh chuyển
dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang lĩnh vực khác theo hướng “ly nông bất
ly hương”. Thế nhưng, câu chuyện việc làm và thu nhập ở xã XDNTM cho thấy đang
gặp bế tắc.
Ông Nguyễn Văn Út, Chi cục trưởng
Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: “Trong 13 xã điểm XDNTM của tỉnh
đề ra mục tiêu “chạm đích” xã nông thôn mới vào năm 2015, mới có 2 xã đạt tiêu
chí về thu nhập (24 triệu đồng/người/năm). Đó là xã Phong Thạnh Tây B và Vĩnh
Thanh (huyện Phước Long)”. Ông Út đánh giá, thu nhập là tiêu chí rất khó đạt
nếu các địa phương không có giải pháp tốt. Lao động nông thôn chủ yếu làm nông nghiệp,
trong khi ở quê hiện nay chỉ còn lại lao động phụ, số lao động chính đua nhau
đi tìm việc làm ở các khu công nghiệp. Lương thấp, xa nhà, chi phí ăn ở quá
cao, cuộc sống của họ cũng chẳng cải thiện được gì.
Bất cập trong đào tạo nghề
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch
Hội Nông dân tỉnh, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ, gần đây,
Hội Nông dân tỉnh cùng Sở LĐ-TB&XH đã có rất nhiều cố gắng trong đào tạo
nghề cho nông dân và thanh niên nông thôn, song kết quả mang lại không cao. Đa
số học viên sau khi học xong không có điều kiện mua sắm dụng cụ hành nghề hoặc
bỏ nghề. Số khác thì không có việc làm do địa phương không có cơ sở công nghiệp.
Và nếu có đi làm xa, tay nghề của họ cũng không được doanh nghiệp chấp nhận do
thời gian và chương trình dạy nghề quá ngắn, lại thiếu cơ sở thực hành. Vả lại,
cơ chế hỗ trợ cho người học nghề không phù hợp, thủ tục nhiêu khê nên số người
tham gia học hàng năm cũng rất ít. Với thực trạng đó, trong năm 2012, Hội Nông
dân tỉnh chỉ mở duy nhất một lớp dạy nghề.
Để cải thiện chất lượng dạy và học,
ông Nguyễn Văn Vũ cho rằng, tới đây, Hội Nông dân tỉnh sẽ liên kết với các cơ
sở sản xuất trên địa bàn tỉnh để nhận học viên vào thực hành và cam kết giải
quyết việc làm cho họ nếu thấy tay nghề đạt yêu cầu. Cách làm này hy vọng giải
quyết một phần đầu ra cho người học nghề trong thời gian tới.
Giữ chân người lao động bằng cách nào
Nhiều người cho rằng, tiềm năng thu
hút lao động nông nhàn để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động ở các xã XDNTM
chính là làng nghề. Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bạc Liêu hiện có 8 làng nghề đã
được công nhận và 7 làng nghề sẽ được công nhận trong thời gian tới. Nhiều nhất
là làng nghề muối, kế đó là làng nghề đan đát, mộc, dệt chiếu, bánh tráng, nghề
rèn, vá lưới…
Ở 8 làng nghề được công nhận đã giải
quyết việc làm cho hơn 10.500 lao động chính và 1.770 lao động phụ với gần
3.300 hộ gia đình có thu nhập thường xuyên. Còn ở các làng nghề chưa có quyết
định công nhận, đã có hàng ngàn hộ được tăng thêm thu nhập. Về mặt lý thuyết,
đa số những lao động này lẽ ra có một cuộc sống khá giả, bởi nhu cầu thị trường
rất cần sản phẩm của họ. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất ở các làng nghề những
năm gần đây gần như dậm chân tại chỗ. Thu nhập cao nhất là làng nghề mộc: 21 triệu
đồng/người/năm, kế đó là nghề đan đát: 3,6 triệu đồng/người/năm và thấp nhất là
nghề làm muối: từ 10 - 20 triệu đồng/hộ/năm. Nguyên nhân là do cơ chế, chính
sách của tỉnh dành riêng để hỗ trợ làng nghề gần như không có. Các ngành, các
cấp chưa cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ bằng những chương trình, dự
án ưu tiên cho phát triển ngành nghề, làng nghề. Thậm chí, Nghị định 66 về
chính sách phát triển làng nghề đã ra đời 6 năm mà các bộ, ngành chưa có thông
tư liên tịch phối hợp để thực hiện.
Bà Trần Thị Mỹ Xuyên (làng nghề đan
đát ấp Mỹ I, xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long), bày tỏ: “Khó khăn nhất ở các
làng nghề là không có vốn để cải tiến thiết bị và mô hình. Song, tiếp cận vốn
vay ngân hàng là chuyện cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, việc thành lập Quỹ hỗ trợ
phát triển làng nghề (tương tự như Quỹ hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể) cũng
không có”.
Hoạt động làng nghề gặp nhiều khó
khăn. Do thiếu vắng các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ… dẫn
đến lao động nông thôn đua nhau bỏ quê lên thành thị mưu sinh. Và như vậy,
khoảng cách giàu - nghèo giữa nông thôn và thành thị sẽ còn là bài toán chưa có
lời giải
BN (Nguồn:Bạc Liêu)