KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Chuyện xóa nghèo ở Sóc Trăng
(Ngày đăng: 01/12/2012   Lượt xem: 889)

Về Sóc Trăng vào dịp Lễ Ðol ta (Ðôn ta) - Tết cúng ông bà, tổ tiên của người Khmer. Tiếng  cười đùa rộn rã và điệu Lâm Thôn vang lên tại nhiều phum, sóc, phản ánh cuộc sống no ấm đang về với nhiều gia đình nơi đây. Ðạt được kết quả này là nhờ sự trợ giúp của Nhà nước, chính quyền địa phương, ngành khuyến nông, sự nỗ lực, chăm chỉ của người nông dân.

1127163323.jpg

Chị La Diên ở ấp Phước Quới (Phú Tân, Châu Thành) làm thêm nghề mây tre đan để tăng thu nhập gia đình.

An cư để  lạc nghiệp

Dẫn chúng tôi theo con lộ đan (đường bê-tông), ra thăm những cánh đồng mẫu lớn bạt ngàn thảm lúa đang thì con gái xanh mát mắt, Trưởng ấp Phước Quới (xã Phú Tân, huyện Châu Thành) Lâm Caol chậm rãi nói: Mấy năm nay số hộ đói trong ấp không còn, số hộ nghèo liên tục giảm.  Do chưa nói thạo tiếng phổ thông, thỉnh thoảng trong câu chuyện, Trưởng ấp Lâm Caol vẫn pha trộn tiếng Khmer. Tôi thắc mắc hỏi nghĩa hai từ "se tẩu" thì được Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Huỳnh Thái Quốc cho biết đó là trúng mùa. Thì ra, những năm gần đây, bà con Khmer ở ấp Phước Quới liên tiếp được mùa, năng  suất lúa  tăng lên đến 8-9 tấn/ha, chả bù trước kia mỗi ha chỉ  đạt bốn tấn.

Về nguyên nhân trúng mùa, Phó Bí thư Ðảng ủy xã, Lý Konh cho biết: "Nhờ bà con hộ nghèo được Nhà nước cho cái nhà để "an cư, lạc nghiệp". Phụ nữ, trẻ em gái chăm chỉ làm thêm nghề đan lát lúc nông nhàn và quan trọng nhất là bà con trong xã tham gia cánh đồng mẫu lớn, được Nhà nước hỗ trợ 50% lúa giống. Theo anh Lý Konh, việc vận động bà con tham gia cánh đồng mẫu lớn lúc đầu cũng khó khăn bởi mọi người đang quen canh tác theo lối cũ, nhỏ lẻ, nên chúng tôi phải mời cán bộ khuyến nông trên huyện xuống thuyết trình và làm mẫu việc canh tác trên cánh đồng mẫu lớn. Ăn thua là mời bà con đến chứng kiến từ lúc xạ lúa; ngành khuyến nông tập huấn giúp mọi người biết cách bón phân, xịt thuốc chống sâu bệnh đúng chủng loại từ lúc ngâm giống và đồng loạt dùng giống lúa đặc sản thơm mới OM 6976 cho năng suất cao, giá bán cao hơn giống lúa cũ OM 4900 là 500 đồng/kg. Năng suất lúa đạt từ bảy đến chín tấn/ha. Trong khi giống cũ OM 4900 chỉ cho khoảng 5,5 tấn/ha. Ðến vụ thu hoạch, UBND xã lại mời bà con các thôn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Ðược "mắt thấy, tai nghe",  tay được sờ vào từng bông lúa sai hạt, trĩu bông mọi người trầm trồ ngạc nhiên.

Không chỉ làm công tác vận động, ấp Phước Quới có sáu đảng viên, đều gương mẫu xung phong  tham gia làm cánh đồng mẫu lớn trước, cuối vụ thu hoạch cũng trúng mùa lúa.  Vậy là so với giống lúa cũ, giống lúa mới cho năng suất vượt trội, khi nấu chín hạt cơm mềm và ngọt, lại được Nhà nước lo đầu ra. Rồi thương lái cũng tìm về tận nơi mua lúa, nên bà con Khmer ở các ấp trong xã Phú Tân tin tưởng, bảo nhau cùng tham gia làm cánh đồng mẫu lớn. Nhờ vậy, số hộ đói ở xã Phú Tân giảm từ 25%, xuống còn 23% (năm 2011). Riêng ấp Phước Quới, dự kiến năm 2012, có khoảng 21 hộ thoát nghèo.   

Qua nhà vợ chồng anh chị La Diên, anh đi làm ruộng vắng, chị và con gái La Thị Bé (học lớp 7) đang đan cần xé (sọt), bôi gà (lồng gà) và ghế nhựa... lúc nông nhàn. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, chị La Diên rất kiệm lời, nhỏ nhẹ cười và chỉ vào ngôi nhà đang ở nói: "Nhà lá cũ dột hết trơn, may có Nhà nước cho cái nhà mới lợp ngói. Gia đình mình cũng mới ra khỏi danh sách thoát nghèo đó".       

Cùng chung niềm vui có nhà mới, vợ chồng anh Lâm Quốc Huy luýnh quýnh pha nước mời chúng tôi và khoe: "Mình có nhà mới là nhờ Nhà nước giúp một mớ, trong nhà anh, chị  em giúp chút đỉnh, còn vợ chồng mình vay thêm chút chút để xây. Sắp đến Tết cúng tổ tiên, ông bà được ở trong nhà mới thiệt là vui". Vậy là, nhờ Chương trình 167, nhiều hộ nghèo ở Phước Quới và xã Phú Tân có nhà mới khang trang. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Xã hội của UBND tỉnh Sóc Trăng Tôn Quang Hoàng: Chương trình hỗ trợ người nghèo xóa nhà tạm bằng những ngôi nhà kiên cố, theo Quyết định 167/2008/QÐ-TTg là chương trình có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình và ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân ở Sóc Trăng. Với phương châm "Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để làm nhà ở", mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 8,4 triệu đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và được vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội tám triệu đồng để làm nhà ở. Ở xã Phú Tân, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước xây cho mỗi gia đình nghèo một căn nhà 24 m2, người dân đã vay mượn thêm bà con, anh em xây dựng nhà với diện tích lớn hơn. Tại ấp Phước Quới, ngôi nhà kiên cố rộng gần 70 m2, đổ mái bằng của vợ chồng  chị  Sơn Thị Mộng Kim và anh Triệu Quốc với đầy đủ tiện nghi đã làm chúng tôi thật sự ngạc nhiên. Chị Kim cười rất vui: "Mấy năm nay trong ấp nhà nào cũng trúng mùa. Lúa không chỉ đủ ăn mà còn đem bán lấy tiền sắm sanh đồ đạc. Ngôi nhà này mình và chồng xây bằng tiền  Nhà nước cho, cộng tiền bán lúa, nên nhà mới to hơn nhà khác. Mừng lắm, con mình vừa được trợ giúp tiền mổ tim miễn phí".

Cho "cần câu",  đừng cho "xâu cá"

Ðến huyện Trần Ðề, chúng tôi thấy nhà nhà đang làm bánh tét để cúng ông bà, tổ tiên đón Tết Ðôn ta theo tục lệ của người Khmer. Cả ấp Sóc Lèo tưng bừng tiếng trống, tiếng nhạc, những lời ca dìu dặt, bay bổng theo điệu múa Lâm Thôn. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sạch sẽ, khang trang, thoáng mát, chị Trần Thị Sia, ở ấp Sóc Lèo, xã Lịch Hội Thượng xởi lởi khoe: Mấy hôm nay, mọi nhà trong ấp đang làm bánh, chuẩn bị thịt heo, gà ăn Tết Ðôn ta thật vui. Trước kia nhà mình cực lắm. Con nhỏ, mình lại bị đau nặng nằm một chỗ. Chỉ có chồng mình làm ruộng, nên thiếu đói, thiếu tiền đóng học cho con, phải đi vay lãi nặng. Mấy năm gần đây, mình khỏe hơn, hai vợ chồng chăm chỉ làm ăn, lại được Hội Nông dân xã mời mấy anh khuyến nông về mở lớp hướng dẫn cách chọn giống, sản xuất lúa giống, cách bỏ phân, phun thuốc trừ sâu bệnh... nên các nhà trong ấp trồng được cây lúa có nhiều bông, nhiều hạt, kể cả  củ mì, củ khoai cũng to hơn, không nhà nào còn đói ăn. Ngày Tết,  cơm cúng ông bà, tổ tiên cũng chọn loại gạo hạt mềm, thơm  và dẻo. Cúng ông bà xong thì đi cúng ở chùa. Rồi nhà nhà tụ lại hát múa Lâm Thôn vui lắm.

Ðưa chúng tôi đi thăm một số hộ dân trong ấp Sóc Lèo, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lịch Hội Thượng Nguyễn Xuân Nghị thủng thẳng kể chuyện: Việc vận động bà con trong ấp làm cánh đồng mẫu lớn và đưa khoa học - kỹ thuật vào canh tác giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao cũng gian nan lắm. Ban đầu do chưa tin tưởng, nên lớp học khuyến nông do huyện mở ra trống trơn, không ai chịu đến. Tôi đến từng nhà trong ấp năn nỉ thuyết phục bà con đi học để biết cách làm cánh đồng mẫu lớn, nhưng mọi người vẫn nghi ngại lắc đầu. Biết là bà con Khmer chỉ quen "cầm tay, chỉ việc", không thể nói suông, tôi trực tiếp ra đồng ruộng, gặp từng người, hỏi các gia đình có khó khăn gì cần giúp. Người thì kêu thiếu vốn làm ăn, người nói không biết loại giống cây nào cho nhiều hạt, củ to, giống lợn, gà nào dễ nuôi, rồi làm thế nào tránh dịch bệnh. Vài ngày sau tôi tìm cách đưa một số bà con trong ấp sang các ấp khác tham quan cánh đồng mẫu lớn; mời cán bộ khuyến nông của huyện cùng đi thăm đồng, chỉ cho bà con biết các loại lúa và hoa màu bà con trồng đang mắc bệnh gì, cần sử dụng loại thuốc nào để trừ sâu bệnh hiệu quả. Tiếp đó, Hội Nông dân xã phối hợp cán bộ khuyến nông, khuyến lâm của huyện về trình diễn thí điểm các mô hình giống lúa mới và cây trồng cho năng suất cao. Ðến mùa thu hoạch, lúa thì sai bông lúc lỉu, cây hành tím, khoai tây, cây mì (sắn) cũng cơ man là củ... bà con gật gù bảo nhau: Ðúng là "Trăm nghe không bằng một thấy". Vậy nên mấy năm gần đây, khi huyện Trần Ðề mời Trường đại học Cần Thơ phối hợp Dự án CBDC-BU CAP và Trung tâm giống cây trồng - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng về giảng bài, bà con trong ấp kéo đến chật lớp học, không đủ chỗ ngồi.

Kể đến đây, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lịch Hội Thượng dừng lời, chỉ vào một khung kính đặt trang trọng trên chiếc tủ của nhà chị Trần Thị Sia giải thích: Ðây là giấy chứng nhận của lớp học cấp cho chị Sia đã hoàn thành khóa đào tạo kỹ năng chọn giống và sản xuất lúa giống năm 2011. Thấy chúng tôi chăm chú nhìn, chị Sia thật thà giải thích:  "Mình phải đi học, vì chồng mình không biết chữ mà. Về  mình dạy lại cho chồng biết cùng làm theo". Ðúng là có học vẫn hơn. Khi được vay vốn 15 triệu đồng do Hội Nông dân xã tín chấp, vợ chồng chị Trần Thị Sia đã mua hai con bò để nuôi. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi đã  học, bò mẹ sinh thêm ba bò con. Chị Sia bảo : Khi có bò con, mình học theo cán bộ khuyến nông chỉ dẫn "bán cái ngắn, nuôi cái dài", để bò mẹ tiếp tục sinh thêm ba bê con. Ngoài làm cánh đồng lúa mẫu lớn, mình còn trồng hành tím, trồng bắp. Làm thì cực, nhưng đến cuối vụ thu hoạch cũng khá. Có tiền, mình tiết kiệm dữ lắm, tích cóp từng đồng để mua xi-măng, mua gạch để dành, khi Nhà nước cho tiền làm nhà theo Chương trình 167, mình và chồng làm được cái nhà to hơn tám chục mét vuông như vầy. Không còn lo khi  mưa to, gió lớn, nhà dột tùm lum nữa. Bữa trước, nhà mình vừa được bà con trong ấp bình chọn  thoát nghèo mừng quá trời! Tiếp lời chị Sia, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Xuân Nghị cười vui: Bây giờ bà con trong ấp Sóc Lèo  thấy chị Trần Thị Sia cùng chồng chăm chỉ học hỏi cách trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi theo phương pháp mới hiệu quả, họ không chỉ làm theo, mà còn ngợi khen, bảo nhau: "Phải làm theo gương chị Sia mới mau thoát nghèo".

Hiện, Sóc Trăng đã tổ chức thành công 44 cánh đồng mẫu lớn, nâng tổng diện tích lên gần 4.500 ha, có hơn ba nghìn hộ nông dân tham gia, trong đó có tám cánh đồng mẫu quy mô hơn 100 ha. Từ thành công trong tổ chức lại sản xuất ở huyện Trần Ðề và huyện Châu Thành cho thấy, mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tạo được khả năng "liên kết bốn nhà" một cách bền chặt  và tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tham gia vào sản xuất theo hướng hiện đại. Nhiều nông dân Khmer ở huyện Trần Ðề khẳng định, làm lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn hiệu quả hơn rất nhiều so với "mạnh ai nấy làm". Chỉ tính riêng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nông dân tiết kiệm được trên dưới năm triệu đồng/ha, lúa ít sâu bệnh, năng suất cao, bán được giá.

Tạm biệt chị Sia, ở ấp Sóc Lèo, chúng tôi ngẫm nghĩ về câu nói của chị: Nhà nước hãy cho người dân Khmer cái "cần câu", đừng cho "xâu cá". Nghĩa là chỉ cho tiền mà không chỉ cho cách làm ăn, thì mọi người sẽ tiêu hết tiền, rồi lại đói, lại khổ.

Theo nhân dân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

18
Đang xem:
72.522.601
Tổng truy cập: