Thời gian gần đây, khi việc tiêu thụ các sản phẩm gốm trở
nên khó khăn thì tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), một số dịch vụ
ăn theo như tô tượng, nặn gốm lại thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.
Sân chơi gốm ngày càng xuất hiện nhiều tại làng gốm Bát Tràng
Sáng tạo mới có tiền
Gần đây các làng nghề ở ngoại thành, trong đó có làng gốm Bát Tràng là điểm đến
ngày càng hấp dẫn của giới trẻ, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Tại đây,
ngoài việc tìm mua những món đồ xinh xắn, hợp túi tiền và không kém phần độc
đáo làm từ gốm, các bạn trẻ còn được tự tay tạo nên những sản phẩm tùy theo ý
thích khi trực tiếp tham gia các công đoạn từ nặn đất đến tô vẽ sản phẩm của
mình.
Là người thường xuyên đưa con đến làng gốm Bát Tràng vào những ngày nghỉ, chị
Hồ Phương Thanh ở đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy cho biết, hai cô con gái nhà
chị rất thích tô tượng và nặn đất sét. “Nhốt con mãi ở nhà tôi không đành lòng,
bọn chúng suốt ngày chúi mũi vào mấy trò chơi điện tử vô bổ. Do vậy, được một
người bạn mách, tôi đã cho con đến Bát Tràng. Được thoải mái nghịch đất, thỏa
sức sáng tạo các con tôi rất thích thú. Giá cả cho các trò chơi ở đây cũng phải
chăng nên các phụ huynh cũng không cần phải cân nhắc nhiều” – chị Thanh chia
sẻ.
Hiện không chỉ các gia đình mà cả một số trường học cũng tổ chức cho học sinh
sang làng gốm Bát Tràng tham quan, dã ngoại. Cô Nguyễn Tú Oanh – một giáo viên
tiểu học ở quận Ba Đình nhận xét, đi dã ngoại ở làng nghề, các em không chỉ
được thay đổi không khí mà còn biết thêm được nhiều điều mới lạ ngoài sách vở.
Việc được tự tay tạo ra các sản phẩm gốm khiến các em rất phấn khởi bởi nó
không chỉ rèn cho mỗi cá nhân sự khéo léo, tỉ mỉ mà còn thể hiện dấu ấn riêng,
khả năng sáng tạo của từng người.
Với số vốn ban đầu bỏ ra ít, đầu tư đơn giản, không cần tay nghề, không cần kỹ
thuật cao, các xưởng cung cấp dịch vụ này làm ăn khá phát đạt. Chỉ cần vài ba
bàn xoay, đất, bút, mực vẽ, tượng trắng là ai cũng có thể lập một xưởng tô vẽ,
nặn gốm. Trung bình giá dịch vụ là 20.000-30.000 đồng một lần tô vẽ, nặn tượng.
Nếu khách muốn có sản phẩm thì giá từ 30.000-60.000 đồng. Khách cũng có thể sấy
sản phẩm và vẽ tạo hình rồi sơn bóng để mang về bày trang trí, hoặc thêm tiền
để cửa hàng đưa đến lò nung, tráng men, với mức phí từ 30.000 đến 50.000 đồng/1
sản phẩm. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, một số xưởng gốm còn có các dịch
vụ chuyển sản phẩm về tận nhà cho khách. Như vậy, trung bình mỗi ngày, các xưởng
tô vẽ, nặn tượng này có thể kiếm được tiền triệu.
Nhiều bạn trẻ thích thú với dịch vụ tô tượng, học nặn gốm
Phải dẹp nạn “cò”
Anh Vũ Đình Công - một chủ xưởng ở làng gốm Bát Tràng chia sẻ, để có được một
xưởng sản xuất đồ gốm ở Bát Tràng, người dân không chỉ cần có kỹ thuật, tay
nghề, mà còn đầu tư vốn lớn với lò nung, một diện tích rộng để làm xưởng phơi
sấy, làm khô sản phẩm. Dịch vụ cho khách tự trải nghiệm cảm giác được nặn những
sản phẩm từ đất ở làng gốm Bát Tràng đã xuất hiện từ khá lâu nhưng mới rộ lên
trong vài năm gần đây và trở thành lựa chọn của nhiều gia đình. Hiện trong làng
gốm có khoảng vài chục gia đình ở gần khu vực chợ gốm - nơi thường xuyên có
đông khách tham quan đi qua. Thu nhập từ dịch vụ này của mỗi hộ trung bình từ
5-10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập từ các lò, xưởng gốm cũng chỉ cao
hơn khoảng 30% nhưng vất vả hơn nhiều.
Điều đáng nói là, từ khi làng gốm Bát Tràng ngày càng đông khách thì một số cơ
sở sản xuất đã thuê “cò” chèo kéo khách ảnh hưởng đến mỹ quan của du lịch làng
nghề, gây ức chế đối với du khách. “Cò” thường xuất hiện tại đầu làng – nơi xe
chở khách dừng đỗ hoặc tại các điểm dừng xe buýt. Nguyễn Thảo Trang, sinh viên
ĐH Hà Nội than phiền: “Khó chịu nhất là họ cứ đi theo mời chào, dù không thích
nhưng vì không muốn bị làm phiền nên bọn em đành chấp nhận đi theo họ. Dù tiền
tham quan chỉ mất 10.000 đồng/người, học làm gốm và mang sản phẩm mang về là
30.000 đồng/người, phí tô tượng thì tùy vào tượng to hay nhỏ song khi tính
tiền, mỗi người lại phải trả thêm 30.000 đồng với lý do “phí học làm gốm”.
Trong khi đó, người chơi chỉ được hướng dẫn sơ qua rồi làm gì tùy ý. Em còn
được biết, mỗi khi giới thiệu được khách, “cò” sẽ được chủ cơ sở sản xuất chia
50% giá vé (5.000 đồng/1khách vào tham quan) khiến nhiều bạn rất ấm ức”.
Không chỉ có vậy, tại khu vực cổng chợ gốm, hàng ăn mọc lên ngày càng nhiều.
Đây chỉ là những quán xá được dựng tạm, đồ ăn không được che chắn nên vấn đề vệ
sinh an toàn thực phẩm khó được đảm bảo. Chưa nói đến việc cả khách và người
bán hàng còn xả rác ngay xuống lòng đường gây ô nhiễm môi trường. Nghiêm trọng
hơn, cách nơi bán hàng chỉ vài bước chân là một điểm vứt rác tự phát, bốc mùi
hôi thối.
Để làng gốm truyền thống Bát Tràng ngày càng thu hút được đông đảo khách tham
quan, phát huy tiềm năng du lịch địa phương, chính quyền địa phương cần nhanh
chóng có các biện pháp giải quyết những vấn đề còn tồn tại, tránh tình trạng
khách “một đi không trở lại”.
Theo ANTĐ