KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Gắn tăng trưởng xanh với xóa đói giảm nghèo
(Ngày đăng: 28/11/2012   Lượt xem: 1494)
Sau hơn 20 năm tăng trưởng “nâu”, đất nước đang phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy giảm chất lượng môi trường sống, đã đến lúc Việt Nam phải tăng trưởng xanh theo hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tăng trưởng xanh không khó

Ngày 28.9 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam thể hiện rõ cam kết trong hành động nhằm hướng tới phát triển bền vững. Chiến lược với mục tiêu tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Giảm phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững là ba nhiệm vụ quan trọng của chiến lược này.

Đây thực sự là bước đi lớn tạo ra những cơ hội mới trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, tăng trưởng xanh chỉ là “sân chơi” của các nước giàu với một nền kinh tế phát triển nhất định. Tham gia tăng trưởng xanh đồng nghĩa với việc phải chi khá nhiều cho công nghệ, bắt buộc phải sử dụng tài nguyên thận trọng hơn, không khai thác ồ ạt như trước đây, vì thế tốc độ tăng trưởng có thể không cao. Rõ ràng, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước đang gặp nhiều khó khăn, chấp nhận tăng trưởng chậm là một quyết định không dễ dàng.

“Đừng nghĩ tăng trưởng xanh là một điều gì đó vĩ mô, xa vời. Nước ta hoàn toàn có thể thực hiện được và nếu không tiếp cận sớm với hướng đi mới này, sẽ khó có thể theo kịp với các nước phát triển trên thế giới” - PGs. Ts Nguyễn Thế Chinh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN - MT, Bộ TN - MT nhấn mạnh.

Tăng trưởng xanh là tiến tới sử dụng năng lượng tái tạo thay thế dần năng lượng nhiên liệu hóa thạch. Với hơn 3.000km bờ biển và nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nước ta có nhiều thuận lợi trong việc phát triển năng lượng gió. Nước ta cũng có nhiều tiềm năng về năng lượng mặt trời với tổng số giờ nắng trong năm dao động từ 1.400 đến 3.000 giờ, tổng bức xạ mặt trời trung bình năm khoảng 230 -250kcal/cm2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam. Việc sử dụng các tài nguyên thay thế bằng tái sử dụng, tái chế chất thải hay thu hồi khí mê tan từ chăn nuôi và bãi thải cũng không gặp khó khăn khi chủ yếu là chất thải hữu cơ trên 60%. Hơn nữa, tiết kiệm tài nguyên, đầu tư đổi mới công nghệ và đưa công nghệ mới vào hoạt động sản xuất không chỉ tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

Gắn với xóa đói giảm nghèo

“Bảo vệ môi trường gắn với xóa đói giảm nghèo là vấn đề mà chiến lược cần giải quyết. Tăng trưởng xanh phải đóng góp vào tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đồng thời theo hướng bảo tồn, phát triển và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên” - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục tài nguyên và môi trường, Bộ KH - ĐT Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đây cũng chính là điểm đặc thù, khác biệt trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới. “Tăng trưởng xanh phải do con người và vì con người, cần gắn phát triển kinh tế đất nước với sinh kế của người dân. Song hành hai nhiệm vụ đó là hướng đi đúng đắn đối với một nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam” - PGs. Ts Nguyễn Thế Chinh nói.

Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều quốc gia đang phát triển, tỷ lệ dân số đói nghèo và có mức thu nhập thấp chiếm tỷ trọng cao, chính vì vậy vấn đề ưu tiên trước hết là sinh kế và thu nhập nhằm vươn lên thoát khỏi nghèo đói. Trên cơ sở đó, cần tăng cường và tạo điều kiện cho mọi người dân cung cấp dịch vụ môi trường - sinh thái, nhất là dịch vụ sinh thái rừng. Đây thực chất là công cụ kinh tế, sử dụng để những người được hưởng lợi từ các dịch vụ hệ sinh thái chi trả cho những người tham gia duy trì, bảo vệ và phát triển các chức năng của hệ sinh thái đó. Đơn cử như khi người dân cung cấp các dịch vụ như bảo vệ rừng đầu nguồn góp phần điều hòa nguồn nước cho nhà máy cung cấp nước ở hạ lưu sẽ được người mua dịch vụ chi trả cho công tác này. Việc thực hiện hoạt động đó góp phần tạo cơ hội mới về tài chính nhằm bảo đảm và nâng cao cuộc sống của người dân nghèo sống dựa vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và cũng chính là người bảo vệ nguồn tài nguyên này.

Để đạt được mục tiêu gắn bảo vệ môi trường với xóa đói giảm nghèo, rất cần có sự điều hành phối hợp giữa các bộ, ngành có liên quan. Thế nhưng, đây cũng là “vấn đề cấp bách mà hiện nay Việt Nam chưa đạt được” - một chuyên gia góp ý. Do vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải thành lập Ban điều phối triển khai chiến lược tăng trưởng xanh trực thuộc Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu. cùng với đó cần được phân công, phân nhiệm cụ thể đối với các bộ, ngành có liên quan.

Theo: Đại Biểu Nhân Dân - Thu Trang
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

10
Đang xem:
72.525.695
Tổng truy cập: