KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Cần tăng mức ảnh hưởng của khoa học, công nghệ đến các ngành khác
(Ngày đăng: 28/11/2012   Lượt xem: 654)
Theo tính toán của một nhóm nghiên cứu, từ năm 2000 - 2011, chỉ số lan tỏa và độ nhạy của ngành khoa học, công nghệ đều phát triển ở mức thấp, thậm chí giảm hơn so với giai đoạn 5 năm trước. Hai chỉ số này cho thấy, khoa học, công nghệ chưa tác động tích cực đến những ngành khác. Như vậy có nên phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 sẽ có một số lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến, hiện đại của khu vực ASEAN tại Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ 2011 – 2020 không? Hay trước hết cần phấn đấu để tăng mức ảnh hưởng của ngành này đến các ngành, lĩnh vực khác?


Nguồn: ITN

Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam mới đây đã công bố chỉ số liên kết ngược (chỉ số lan tỏa) và liên kết xuôi (độ nhạy của ngành) của  khoa học, công nghệ nước ta dựa trên cấu trúc của các bảng cân đối liên ngành từ năm 2000 - 2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số lan tỏa và độ nhạy của ngành này đều nhỏ hơn 1 - là mức không tốt với phát triển của các ngành nghề. Mặt khác, cả hai chỉ số này trong giai đoạn 2006 - 2011 đều thấp hơn giai đoạn phát triển 5 năm trước đó. Theo nhóm nghiên cứu, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, sáng tạo trong nước chưa nhiều.

Tương ứng với kết quả nghiên cứu này, theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong thời gian qua, mức độ tác động của vốn vào tăng trưởng cao hơn gấp hai đến ba lần so với đóng góp của lao động (xấp xỉ 25%) và năng suất tổng hợp (22,9% trong giai đoạn 2000 – 2005, 6,7% trong giai đoạn 2006 – 2011). Như vậy, năng suất tổng hợp không chỉ có mức đóng góp thấp nhất trong ba yếu tố mà còn có xu hướng giảm mạnh trong những năm gần đây. Và năng suất tổng hợp của nước ta ở dưới mức 30% cũng có nghĩa là thấp hơn so với các nước trong khu vực ASEAN trong thời kỳ đầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tế, nước ta đã tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong một thời gian dài nhưng đến nay khoa học, công nghệ vẫn phát triển ở mức thứ nhất của 4 giai đoạn. Tức là một nền công nghiệp vẫn dựa vào nước ngoài, nhập công nghệ, gia công cho nước ngoài, vắng bóng khoa học, công nghệ đi vào cuộc sống.

Nhóm nghiên cứu cũng chỉ rõ, việc ứng dụng kết quả nghiên cứu, sáng tạo hay phát minh trong nước chưa nhiều dường như do hàm lượng khoa học trong các đề tài khoa học các cấp còn thấp. Thực tế, hầu hết các đề tài khoa học các cấp chỉ là nghiên cứu thực nghiệm dựa trên những ý tưởng nghiên cứu có sẵn trên thế giới, không có phát kiến mới. Như vậy, khoa học, công nghệ nước ta hiện nay mới phát triển mạnh khoa học ứng dụng, chưa phát triển đúng mức khoa học cơ bản. Trong khi đó, khoa học cơ bản là nền tảng cho phát triển khoa học, công nghệ của một quốc gia, cũng như là nền tảng của nhiều ngành nghề khác. Khoa học cơ bản phát triển sẽ tạo điều kiện để sáng tạo những sản phẩm mới và phát triển độc lập. Trong khi đó, nếu như nước ta và Thái Lan, Singapore có điểm xuất phát gần như nhau vào thời điểm năm 1973, thì hiện nay số công trình được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế của Việt Nam thấp hơn Thái Lan 5 lần, thấp hơn Singapore 12,5 lần.

Các cơ quan chức năng đã nhìn nhận rõ về việc giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của nước ta còn thấp, do chủ yếu là gia công hay xuất thô. Vì thế, để nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm sản xuất trong nước rõ ràng không có con đường nào khác là nâng cao mức đóng góp của khoa học, công nghệ trong mỗi sản phẩm. Đòi hỏi quản lý Nhà nước phải có phương thức phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách hợp lý, để có thể thúc đẩy hơn nữa nghiên cứu khoa học cơ bản. Đầu tư cho khoa học, công nghệ không thể tiếp tục giữ cách thức đầu tư bình quân chủ nghĩa, không phân biệt đâu là khu vực cần Nhà nước đầu tư nhiều hơn và chỉ Nhà nước có thể làm được như hiện nay. Cần xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định để khuyến khích lực lượng ngoài Nhà nước đầu tư nhiều hơn vào ngành này. Đây là kinh nghiệm được ứng dụng thành công tại nhiều quốc gia, nên không có lý gì mà còn chần chừ triển khai ở nước ta để có thể tăng mức ảnh hưởng của khoa học, công nghệ với những ngành nghề khác.

Theo: Đại biểu Nhân Dân - Hải Thanh
Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

41
Đang xem:
73.659.673
Tổng truy cập: