KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Nghề làm trống
(Ngày đăng: 27/11/2012   Lượt xem: 820)

Có một thanh niên từ ngoài Bắc vào TP.HCM lập nghiệp. Gia sản của anh chẳng có gì ngoài bí quyết làm trống cổ truyền của làng trống Đọi Tam. Trong hành trình khám phá những phương pháp làm trống mới lạ của phương Nam, anh tình cờ gặp rồi yêu một cô gái "con nhà nòi" ở làng trống Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Mối duyên tình của hai người con từ hai làng trống nổi tiếng đã tô điểm thêm nét đẹp cho những chiếc trống được "sản sinh" tại Sài Gòn: trống Thế Gia.

 Xem trống, "được" người!

Vào năm 1982, chàng trai trẻ Lê Thế Hùng cùng cha là Lê Thế Gia từ làng Đọi Tam, một làng làm trống gỗ lừng danh thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam vào TP.HCM mưu sinh. Hai cha con thuê mặt bằng tại số 18A Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 để mở cơ sở trống Thế Gia. Do yêu cầu về mỹ thuật thể hiện trên chiếc trống có nét khác biệt giữa hai miền Nam - Bắc và do thị trường đòi hỏi sự đa dạng về chủng loại nên anh Hùng đã cất công tìm hiểu cách làm trống trong Nam.

12.jpg

Gia đình anh Hùng Ảnh: Như Lịch

Việc học "lóm" của anh Hùng vô cùng gian khổ bởi không ai thích những độc chiêu làm trống của mình bị phổ biến rộng rãi. Sau nhiều lần lân la đến hiệu trống M.T trước đây trên đường Nguyễn Văn Giai (Q.1, TP.HCM), Hùng đã bị chủ hiệu đuổi thẳng. Nhưng chàng trai này quyết không bỏ cuộc. Hùng chuyển sang cách tiếp cận khác. Ngày ngày, Hùng "phục kích" tại quán cà phê, đợi công nhân hiệu trống M.T tan tầm là lẽo đẽo đạp xe theo sau. Lúc tặng gói thuốc, khi đưa gói trà, lúc giấu giếm thân phận, khi trút bỏ nỗi lòng..., dần dần, Hùng đã được những công nhân đó tin cậy chia sẻ một số kinh nghiệm làm trống Đội (loại trống bằng inox gồm 1 trống cái và 4 trống con, thường dùng trong các nghi thức ở trường). Không ai ngờ, chỉ một thời gian ngắn sau, chính chủ hiệu M.T đã đặt hàng và tiêu thụ trống Thế Gia!

Như thế cũng chưa thỏa! Đã vào Nam mà chưa mục kích làng trống tiếng tăm ở phía Nam là một thiếu sót lớn trong nghề! Với suy nghĩ này, Hùng đã nhiều lần khăn gói đi xem trống ở làng Bình An (xã Bình Lãng, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Một lần nữa, những cái nhìn nghi ngại lại ném về phía chàng trai bí ẩn "thợ không ra thợ, khách không ra khách" này. Tuy nhiên, chính sự điềm đạm và kiên trì của anh đã khiến chị Đào Thị Thúy Hồng - một cô gái có gia đình mấy đời làm trống ở Bình An đem lòng cảm mến. Sau hơn 5 năm (1992-1997) vừa tìm hiểu trống, vừa thử thách tình yêu, mối duyên giữa hai người con hai làng trống nổi tiếng phía Bắc và phía Nam đã đi đến kết cục đẹp bằng một đám cưới rộn ràng âm thanh của... trống!

Một thời gian sau khi gả con gái, cả nhạc mẫu lẫn nhạc phụ của anh Hùng đều rời làng trống Bình An lên TP.HCM sinh sống. Họ trở thành những thợ lành nghề trong cơ sở trống Thế Gia, tháng tháng tự nguyện nhận mức lương bình đẳng như bao thợ khác. Bà mẹ vợ điềm nhiên trở thành nữ nhân công duy nhất trong Cơ sở trống Thế Gia vốn tuyển mộ nam giới, mà hầu hết là con cháu trong dòng tộc.

Phất lên nhờ trống

Những chiếc trống "made in Sài Gòn" ở Cơ sở Thế Gia là sự kết hợp về mỹ thuật của loại trống trong Nam và kỹ thuật, độ tinh xảo của trống ngoài Bắc. Tự nhận mình là người có chí, từ nhỏ đến lớn "chưa bao giờ chán nản với nghề trống", chủ Cơ sở Thế Gia chia sẻ: "Người ta vốn quen tiêu thụ sản phẩm của những làng nghề nổi tiếng. Trong khi đó, trống ở TP.HCM thuộc dạng sinh sau đẻ muộn nên khó khăn lắm mới đứng vững trên thị trường. Theo tôi, muốn phát triển nghề thì phải bảo đảm chất lượng và tính thẩm mỹ. Chất lượng sẽ quyết định uy tín thương hiệu". Thoạt nhìn, làm trống có vẻ đơn giản như những nghề thủ công khác, nhưng để trống có chất lượng cao và bắt mắt thì rất cần vận dụng những bí quyết. Anh Hùng dẫn chứng, ở công đoạn làm tang trống, ngay cả những bác thợ mộc cũng khó lòng tính toán chuẩn xác để ráp những mảnh trống lại theo một độ cong và độ cao hài hòa. Khâu căng mặt trống cũng đòi hỏi sự công phu và khéo léo cao độ. Cùng là da của một con trâu nhưng người tinh nghề sẽ biết da ở nách và đùi giãn nhiều trong khi da ở cổ và lưng ít giãn hơn, âm thanh vang hơn, hay hơn...

13.jpg

Làm đẹp cho trống tại Cơ sở Thế Gia

Chỉ với 10 người thợ, trung bình mỗi năm, Cơ sở Thế Gia sản xuất 400 chiếc trống trường (thường làm bằng gỗ mít), 1.500 bộ trống Đội. Được biết, dàn trống ở khu du lịch Suối Tiên (năm 2000) và trống trưng bày trong đền Bến Dược - Củ Chi đặt từ Cơ sở Thế Gia. Đặc biệt, trống Thế Gia rất được những thương gia Nhật Bản ưa chuộng. Cơ sở này hằng năm xuất sang thị trường Nhật khoảng 10 ngàn chiếc trống nhỏ phục vụ trong các đoàn nghệ thuật. Trong tháng hè vừa qua, Thế Gia đã tập trung sản xuất 120 chiếc trống để cung ứng với giá "mềm" cho Công ty bút bi Thiên Long. Những chiếc trống này đã kịp vang lên giòn giã ở tận những ngôi trường heo hút vùng sâu, vùng xa trong ngày tựu trường... Từ tay trắng, anh Lê Thế Hùng hiện đã sở hữu 1 mặt bằng kinh doanh tại trung tâm thành phố, 1 cơ sở sản xuất ở Thủ Đức, 2 biệt thự, 1 chiếc Camry 3.0. Trong năm nay, anh dự định sẽ lập website giới thiệu trống qua mạng đồng thời đầu tư 200 triệu đồng để mua thêm máy móc làm trống Đội... Tuy vậy, đối với đôi vợ chồng "nhà trống" này, tài sản lớn nhất mà họ có được là ba đứa con kháu khỉnh, ngoan hiền.

"Lớp trẻ bây giờ làm trống đẹp và nhanh gấp ba đến năm lần thời chúng tôi, kỹ thuật lại cao hơn nữa. Trước đây tôi là vai chính, nay chuyển sang vai phụ rồi. Có những cái mình phải chấp nhận chịu thua con cháu thôi!" - nói đến sự "hơn thua" nhưng ánh mắt nghệ nhân trống làng Đọi Tam - ông Lê Thế Gia, 82 tuổi, lại lấp lánh niềm vui.

Theo Thanh niên

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 Tòa nhà 14a Khu đô thị Định Công - Quận Hoàng Mai _ Hà Nội - văn phòng Lineup

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 024.73046226  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

6
Đang xem:
72.525.948
Tổng truy cập: