KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Thương mại điện tử – nhìn từ chợ đến siêu thị
(Ngày đăng: 27/11/2012   Lượt xem: 935)

Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển được nhiều hình thức khá phong phú: chợ, siêu thị, cửa hàng. Khủng hoảng kinh tế càng làm doanh nghiệp quan tâm hơn đến mô hình kinh doanh này như cách tiết kiệm chi phí. Trong tương lai không xa, thương mại điện tử sẽ là công cụ không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh.

Bài 1: Chợ đã bắt đầu đông vui

Cũng như những ngôi chợ truyền thống, chợ trên mạng được hiểu là chủ mạng bỏ tiền để xây hạ tầng, doanh nghiệp và tiểu thương thuê gian hàng hay thuê chỗ để bán hàng. Đến nay, hạ tầng chợ đã tương đối đầy đủ các công cụ phục vụ doanh nghiệp bán hàng.

Một số chủ chợ đã thực hiện dịch vụ giao hàng cho khách và thanh toán tiền hàng cho chủ sạp. Trong ảnh: chuyến đi giao hàng của nhân viên 123.vn. Ảnh: Minh Phúc

Cũng như chợ đời...

Ngày 8.11.2012, phiên bản mới của 123mua.vn đã hoạt động. Ông Nguyễn Thế Đông, trưởng ban quản lý ngôi chợ này cho biết: “Hoạt động từ 2006, trước đây ngôi chợ này có khoảng 5.000 gian hàng của các doanh nghiệp nhưng cách sắp xếp hàng hoá chưa hợp lý. Vì lẽ đó mà chúng tôi đã thiết kế lại với hình thức thuận tiện hơn cho người bán lẫn người mua cũng như cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm bày bán”. Trước đây, trên 123mua.vn, doanh nghiệp chỉ đăng thông tin sản phẩm, còn ở phiên bản mới, hàng hoá của khách hàng còn được hiển thị hình ảnh, kèm theo những thông tin khuyến mãi, giá cả... Hình thức kinh doanh hiện nay của ngôi chợ này là cho thuê sạp.

Ông Nguyễn Hoà Bình, tổng giám đốc công ty Peacesoft, chủ sở hữu ngôi chợ Chodientu.vn cho biết, đến nay trên Chodientu.vn có khoảng 40.000 khách đăng ký thuê sạp, trong đó 20.000 sạp và khoảng 20.000 “chỗ ngồi”. Theo ông Bình, ban đầu mục đích của Peacesoft là xây chợ để doanh nghiệp thuê sạp giới thiệu hàng hoá của mình. “Chỗ của nhóm khách hàng cá nhân có vẻ mạnh hơn vì họ có nhiều chính sách linh hoạt, từ phương thức giao hàng cho đến giá cả. Tuy nhiên, sạp của doanh nghiệp hiệu quả hơn vì có nhiều hàng để lựa chọn, uy tín về thương hiệu và hậu mãi như bảo hành, bảo trì sản phẩm”, ông Bình lý giải.

Còn chợ Vatgia.com hoạt động từ năm 2007. Ông Nguyễn Ngọc Điệp, tổng giám đốc công ty cổ phần Vật Giá nói rằng, ban đầu Vatgia.com chỉ dành cho doanh nghiệp thuê gian nhưng gần đây, cá nhân tham gia ngôi chợ này đang tăng mạnh. Theo ông Điệp, dù xuất hiện sau nhưng hiện nay số lượng cá nhân thuê chỗ để giao dịch trên Vatgia.com đã theo kịp số lượng sạp của doanh nghiệp với mức tăng trong năm 2011 là 40%.

Không chỉ tổ chức không gian mua sắm, nhiều chủ chợ còn đảm nhận nhiều phần việc như giao hàng, thanh toán cho các chủ sạp. Tận dụng đội ngũ giao hàng và công cụ thanh toán 123pay.vn, chợ 123mua.vn kiêm nhiệm việc giao hàng và thanh toán cho khách mua. Nhưng nhìn chung, thanh toán theo kiểu “nhận hàng – trả tiền” vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn trong các giao dịch thương mại điện tử hiện nay.

Theo thống kê của hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính giao dịch thương mại điện tử trong năm 2012 khoảng 40.000 tỉ đồng.

“Ngay từ đầu không chủ ý xây dựng mạng lưới kinh doanh cá nhân, tuy nhiên nhóm khách hàng cá nhân tăng mạnh là do tác động khủng hoảng kinh tế. Từ sạp, nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang thuê chỗ với giá rẻ hơn”, ông Điệp của Vatgia.com lý giải hiện tượng lượng khách thuê chỗ tăng mạnh. Không tiết lộ hiệu quả kinh doanh nhưng theo lời xác nhận của ông Bình, nhiều ngôi chợ cũng gặp khó trong việc thu hút khách hàng lớn. Dù là một ngôi chợ lớn nhưng năm 2011, doanh thu của 123mua.vn là 7 tỉ đồng. Còn trong năm 2012, theo lời ông Đông, ước chừng 11 tỉ đồng.

Lớn, nhỏ đều muốn có

Không ít doanh nghiệp có chợ trên mạng riêng, có hệ thống siêu thị thực tế lên đến con số hàng trăm trên toàn quốc nhưng vẫn thuê gian hàng trên các chợ ảo với mục đích “thêm kênh truyền thông để khách hàng đến với mình nhiều hơn” như lời của bà Nguyễn Thuỳ Linh Cát, giám đốc điều hành hệ thống bán lẻ hàng thời trang Catsashop. Theo bà Linh Cát, hiện hệ thống bán lẻ của bà đã có mặt tại TP.HCM, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột... nhưng vẫn thuê gian trên 123mua.vn. Còn Viễn Thông A, nhà bán lẻ điện thoại di động và máy tính đứng hàng thứ hai tại Việt Nam với hệ thống bán lẻ trực tiếp trên 100 điểm, cộng vào đó là phương thức kinh doanh trên mạng tại website riêng nhưng cũng vẫn đặt gian hàng trên 123mua.vn hoặc thuê chỗ trên nhiều mạng khác để tiếp thị thương hiệu hơn là bán hàng, bà Hoàng Ngọc Vy, giám đốc Viễn Thông A cho biết. Tương tự, là một nhà phân phối các nhãn hiệu điện thoại di động lớn như Philips, Alcatel... nhưng Thành Công Mobile vẫn đặt chỗ trên 123mua.vn, Vatgia.com...

Doanh nghiệp lớn đã vậy, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc cá nhân, vì nguồn vốn của họ chỉ vài tỉ đồng, không thể đủ sức để xây dựng chợ riêng nên phương thức hiệu quả hơn vẫn là thuê sạp trên những ngôi chợ có tiếng tăm, có lượng khách hàng ghé thăm lớn. Dù có điểm bán hàng tại Tân Bình (TP.HCM) nhưng cửa hàng máy ảnh kỹ thuật số Hoàng Lâm vẫn thuê gian hàng tại nhiều chợ, như lời ông chủ cửa hàng Đỗ Ngọc Đức Thắng, doanh số của cửa hàng tăng lên 20%. Ông Lý Huy Cường, phòng kinh doanh của công ty chuyên kinh doanh thiết bị in ấn kỹ thuật số Vạn Cường Phát (quận 3, TP.HCM) cho biết, từ năm 2008 tới nay, công ty duy trì thuê chỗ trên Vatgia.com để tìm kiếm khách hàng. “Bình quân mỗi ngày có 5 – 6 cuộc gọi. Ước tính tỷ lệ mua hàng khoảng 3%. Trong tình hình kinh doanh hiện nay, tỷ lệ mua hàng như vậy là có hiệu quả”, ông Cường chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoành Tiến, phó tổng giám đốc phụ trách thương mại điện tử của VNG, phân tích: “Khi thuê sạp hoặc thuê chỗ, người bán sẽ ít tốn chi phí về tài chính, nguồn lực. Sau khi thuê gian sẽ giúp các doanh nghiệp không cần thuê mặt bằng mà có thể tận dụng nhà ở để trữ hàng và giao dịch. Cũng như mô hình chợ truyền thống, khách mua hàng trên chợ ảo có nhiều lựa chọn. Mô hình chợ phù hợp với một số loại sản phẩm: thời trang, mỹ phẩm... vì đáp ứng nhu cầu ngắm hàng. Trong một khảo sát do VNG thực hiện, 50% khách được hỏi đều có nhu cầu xem hàng trước khi mua. Vì tiết kiệm chi phí nên giá trên chợ ảo bao giờ cũng rẻ hơn giá ở những nơi khác từ 5 – 10%, nên thu hút khách hàng”.

                                                                                       Theo : SGTT - Gia Vinh – Tuyết Ân

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

35
Đang xem:
73.671.608
Tổng truy cập: