Bà Ngô Thị Pho, một thợ dệt dân tộc Khmer
lão luyện trong nghề. (Nguồn: baocantho.com.vn)
Ấp Cà Hom và Bến Bạ của xã Hàm Tân, huyện Trà
Cú, tỉnh Trà Vinh, bây giờ đẹp như một bức tranh quê đa sắc màu xanh, đỏ,
trắng, vàng... do được tô điểm những giàn lác nguyên liệu được tẩm màu dài
thướt tha nối tiếp nhau phơi trước nắng.
Hàng trăm hộ dân của làng nghề dệt chiếu nơi đây, nhà nào cũng tất bật làm việc
luôn tay để có đủ sản phẩm kịp cung ứng cho thị trường. Người có công đưa làng
nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ từ chỗ sắp mai một đi đến ăn nên làm ra là bà Ngô
Thị Pho, một thợ dệt dân tộc Khmer lão luyện trong nghề.
Sinh ra và lớn lên tại Phum sóc Bến Bạ, 16 tuổi cô gái Ngô Thị Pho đã được mẹ truyền
dạy cho cái nghề dệt chiếu của gia đình. Siêng năng và khéo tay nên 17 tuổi, cô
đã nổi tiếng là thợ dệt giỏi nhất làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ.
Ở thập niên 90, làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ có thể nói gần như đi đến bên
bờ vực mai một. Nguyên nhân, do người dân làng nghề không chủ động được nguồn
nguyên liệu, sản phẩm chiếu không được cách tân về mẫu mã nên không đủ sức cạnh
tranh trên thị trường. Không sống được với nghề, hàng trăm người thợ đã bỏ khung
dệt, đi xa xứ mưu sinh bằng những nghề khác.
Trong lúc bao người thợ đã bỏ nghề, thì bà Ngô Thị Pho vẫn gắn bó bên khung dệt.
“Tôi được lớn bằng cái nghề dệt chiếu của mẹ, nên dù có khó khăn đến mấy cũng
phải gìn giữ lấy cái nghề truyền thổng để còn truyền dạy lại cho con cháu mình”
- bà Pho nói. Yêu nghề và luôn đau đáu mong làng nghề của quê mình được rộn
ràng trở lại như ngày nào nên bà đã âm thầm tự mày mò nghiên cứu để nâng cao chất
lượng và mẫu mã chiếu mà mình dệt ra.
Chiếu thô, chiếu trắng thường không được thị trường chấp nhận thì mình dệt hoa,
màu sắc đẹp để đáp ứng theo yêu cầu, sở thích người tiêu dùng. Với suy nghĩ đó,
bà tự thiết kế hoa văn, phối màu, rồi dệt thử sản phẩm chiếu hoa hai mặt.
Không mất 20 lần thất bại, nhưng rồi cuối cùng bà cũng thành công. Năm 2000, chiếu
hoa hai mặt của bà Pho khi được chào bán ra chợ xã đã chiếm được ngay thị hiếu
của người tiêu dùng. Cũng từ đó, ngày càng có nhiều người tìm đến đặt hàng cho
bà dệt những chiếc chiều hoa, có chữ hán, chữ Khmer... Độc đáo nhất là bà đã
thiết kế, phối màu dệt nên chiếu hai mặt có hình những ngôi chùa tháp vàng ở đất
nước Campuchia, được rất nhiều bà con Khmer ở Nam bộ và Campuchia ưa chuộng.
Tiếng lành đồn xa, năm 2001, với mong muốn xây dựng lại làng nghề và giúp nhiều
hộ đồng bào Khmer nghèo có việc làm, Ủy ban Nhân dân xã Hàm Tân đã xây dựng dự án
hỗ trợ kinh phí đóng khung dệt cho 40 hộ nghèo và nhờ bà Pho truyền nghề dệt hoa
hai mặt. Bà nhận lời không một chút đắn đo và tận tâm, tận sức truyền dạy những
“bí quyết” của mình. Làng nghề dệt chiếu Cà Hom-Bến Bạ, cũng từ đây dần được
vực dậy cho đến bây giờ đã có hơn 200 hộ chuyên sống bằng nghề dệt chiếu và có
trên 600 lao động làm việc gián tiếp ở các khâu: trồng lát, sơ chế nguyên liệu,
pha màu…
Mỗi năm làng chiếu Cà Hom-Bến Bạ cung cấp ra thị trường trên 150.000 đôi chiếu
các loại, trong đó có khoảng 50.000 đôi chiếu hoa. Bình quân mỗi ngày một khung
dệt 2 người dệt được 2 đôi chiếu hoa (khổ 2m x 1,6m), với giá bán từ 150.000-160.000
đồng/ đôi chiếu, trừ chi phí còn lãi khoảng 70.000-90.000 đồng. Nhờ vậy, những
hộ làm nghề dệt chiếu nay đều có cuộc sống ổn định.
Năm nay đã bước vào tuổi 90, nhưng bà Pho vẫn còn rất minh mẫn. Tuy không còn
đủ sức để ngồi bên khung dệt, nhưng ngày ngày bà vẫn luôn theo dõi sản phẩm
chiếu hoa mà thế hệ con, cháu ở làng nghề làm ra để động viên, góp ý.
Bà nói: “Mong ước lớn nhất của đời tôi là muốn nhìn thấy các con cháu của làng
nghề này không dừng lại ở công việc dệt chiếu hoa như hiện thời mà phải có thêm
những sản phẩm chiếu bền chắc, có những tiết họa, hình ảnh độc đáo hơn. Có vậy,
sản phẩm chiếu của làng nghề Cà Hom-Bến Bạ mới vươn xa hơn nữa. Cuộc sống của
người thợ dệt chiếu mới sung túc, vững lòng gìn giữ và phát huy nghề truyền thống
của quê này”./.