KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Giã từ nghề muối
(Ngày đăng: 20/11/2012   Lượt xem: 875)

Câu chuyện truyền miệng của diêm dân Nam Định: "Muốn giàu nuôi tôm, muốn nghèo làm muối" đã trở thành kết cục thật sự khi trong một thời gian dài, lao động nghề muối cực nhọc nhưng thu nhập họ thu được quá rẻ mạt vì muối bị mất giá thê thảm.

Có thể nói, nghề muối ở Nam Định đã "làm mặn" những số phận và cay đắng hơn khi dấn bước trên thương trường…

muoi.gif
Lao động vất vả, nặng nhọc, thu nhập thấp là nguyên nhân khiến nhiều diêm dân ở Nam Định "quay lưng" với nghề.

Nỗi niềm diêm dân

Hải Triều, một trong 7 xã ven biển nổi tiếng với nghề muối của huyện Hải Hậu từ trước đến nay vẫn được xem là trọng điểm sản xuất muối của tỉnh Nam Định. Từ thời điểm cơn bão số 8 tàn phá vùng đất ven biển này đến nay, người dân nơi đây như ngồi trên lửa khi ruộng đồng mênh mông nước . Nhưng cái sự sốt ruột này không tồn tại trong tâm tư nhiều người làm muối ở Hải Triều, đơn giản vì trong tay họ đã không còn "tấc muối cắm dùi".

Trao đổi với chúng tôi, bà Đỗ Thị Mơ, một diêm dân hiếm hoi còn hành nghề làm muối trên đồng Hải Triều cho biết, mấy năm trước, vào cuối tháng 1 âm lịch, diêm dân ở đây đã rầm rộ khởi sự làm muối và đến khoảng 20-25 ngày sau đã có "lứa" muối đầu tiên. Hai năm trở lại đây, do thời tiết thất thường nên nhiều hộ làm muối lâm vào cảnh "dở khóc, dở cười".

Tuy nhiên, những "cơn cớ" đến từ "ông trời" không đáng ngại bằng chuyện giá muối sụt giảm, trong khi các chi phí đều tăng, khiến đời sống người làm muối ngày càng gặp khó khăn . Lúc cao điểm, diện tích làm muối của xã lên đến hơn 70ha, nhưng thời gian gần đây, người ta ồ ạt bán ruộng muối với giá rẻ mạt, chỉ từ 30-40 triệu đồng/sào cho các chủ nuôi trồng thủy sản. Nguyên nhân chính là do giá muối thấp đến mức khó tưởng tượng.

"Với riêng nhà tôi, do không còn nghề nào khác nên vẫn phải bám ruộng muối để kiếm kế sinh nhai. Hôm nào trời nắng đều, từ sáng đến chiều, nhà tôi làm được khoảng 40kg muối. Như giá đại lý thu mua từ 1.000 - 1.500 đồng/kg hiện nay thì số muối này có giá chỉ 50 - 60 nghìn đồng..." - Bà Mơ tâm sự.

Đồng cảnh ngộ với bà Đỗ Thị Mơ là nữ diêm dân Nguyễn Thị Tuyết, nhà ở xóm Nam Ninh, xã Hải Chính. Chị Tuyết cho biết, do đầu tư quá cao, lại thiếu vốn nên không ít ngư dân ở Hải Chính phải "bán muối non" cho người thu mua ngay từ đầu vụ với giá thấp hơn thị trường. Nhưng người làm muối không chỉ có nỗi khổ thiếu vốn mà còn phải đối mặt với nhiều sự cơ cực khác, trong đó, đáng sợ nhất là sự đỏng đảnh của đầu ra.

"Làm muối cực lắm, thậm chí phải chấp nhận nghịch lý, nắng gay, nắng gắt thì lam lũ trên đồng, mát trời lại về nhà nằm khểnh. Hiện nay, do cả năm chỉ được hơn 100 ngày nắng nên mỗi sào muối thu bằng nửa những năm trước, chỉ được 2 triệu đồng, trừ chi phí, công chỉ còn trên dưới 1 triệu đồng/sào. Vậy mà sản phẩm do mình làm ra bị người đời rẻ rúng . Cứ tình hình này, diêm dân Hải Chính sẽ không còn thiết tha với ruộng muối và chỉ vài năm nữa, nghề muối truyền thống ở đây sẽ bị "xóa sổ" - Chị Tuyết khẳng định.

Nỗi lo ruộng muối cáo chung

Hiện nay, ở vùng biển Nam Định nói chung, tại vùng muối Hải Hậu nói riêng, diện tích đồng muối không còn nhiều. Bên cạnh nguyên nhân nhiều nơi nằm trong vùng ngọt hóa hoặc đồng muối đã được trưng dụng vào cuộc đua của những người nuôi trồng thủy sản, lý do lớn nhất dẫn đến tình trạng diện tích làm muối bị "gặm" mỗi ngày là năng suất muối suy giảm một cách tệ hại, giá cả bấp bênh.

Theo ông Trần Văn Hồng, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu, thời điểm cách đây hơn chục năm, diện tích sản xuất muối của huyện vẫn còn đến trên 500ha, tập trung ở các xã Hải Chính, Hải Lý, Hải Đông, Hải Triều, Hải Hòa. Những năm gần đây, diện tích sản xuất muối của huyện giảm mạnh, hiện tại chỉ còn 260ha. Ở một số xã như Hải Triều, Hải Hòa, Hải Xuân, diện tích sản xuất muối còn lại trên thực tế không đáng bao nhiêu.

Còn ông Mai Hồng Lê, Bí thư Đảng ủy xã Hải Triều lo lắng cho biết, mới đây thực hiện quy hoạch sản xuất theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, xã cũng chỉ quy hoạch 18ha cho sản xuất muối. Với tình hình diêm dân không còn thiết tha với ruộng muối như hiện nay, chẳng biết 18ha này xã có giữ được không? Nhiều khả năng chỉ vài năm nữa, nghề muối truyền thống ở Hải Triều sẽ bị "xóa sổ".

Với chất lượng nổi trội so với các sản phẩm muối được sản xuất ở nhiều địa phương khác trong cả nước, thương hiệu muối Nam Định, trong đó có Hải Hậu đã và đang khá nổi tiếng trên thị trường. Thiết nghĩ, trước mắt, để diêm dân trụ vững với nghề muối truyền thống, tỉnh Nam Định cần triển khai, áp dụng các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân ổn định sản xuất như hỗ trợ tiền thiệt hại do thiên tai, kho dự trữ hạt muối, vốn sản xuất, khoa học - kỹ thuật, đồng thời từng bước chuyển đổi, ứng dụng khoa học vào sản xuất như mô hình muối trải bạt, nền ximăng...

Bên cạnh đó, từng bước hình thành các tổ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đầu ra của hạt muối. Muối cần chính sách ổn định, thậm chí phải có một chính sách cho chất lượng để chúng ta có thể xuất khẩu. Tại sao điều đó không được Nhà nước tính toán để diêm dân Nam Định nói riêng, trong cả nước nói chung trụ lại những cánh đồng nghề?

BN (Nguồn: Báo Biên phòng)

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

67
Đang xem:
73.227.010
Tổng truy cập: