KINH TẾ - KHỞI NGHIỆP - XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI
Giữ nghề truyền thống
(Ngày đăng: 16/11/2012   Lượt xem: 1239)

Trước sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường, nhiều nghề truyền thống ở Thừa Thiên Huế đang mất dần vị thế và có nguy cơ mai một. Dẫu chưa sống được với nghề, nhưng vẫn còn đó những người phụ nữ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề, như cách để níu giữ truyền thống của quê hương.

hoa giay
Chọn mua hoa giấy Thanh Tiên- ảnh dulichhue.com.vn

“Giữ lửa” nghề truyền thống

51 tuổi, chị Nguyễn Thị Nhạn (phường Kim Long, TP. Huế) có hơn 40 năm gắn bó với nghề làm mứt gừng. Chị không còn nhớ mình bắt đầu làm nghề này từ khi nào. Chỉ biết rằng, tuổi thơ của chị gắn với những chảo mứt thơm lừng ngày Tết. Suốt thời thiếu nữ, chị đã phụ cha mẹ làm mứt. Lập gia đình, chị vẫn giữ nghề của ông cha và truyền cho con cái. Hàng năm, cứ đến tháng Chạp, chị lại nổi lửa làm mứt.
 
Chị Nhạn kể cho tôi nghe, bí quyết làm mứt gừng Huế: “Khi rim mứt phải kiên trì bám bếp, bởi, để già lửa một chút, mẻ mứt sẽ bị cháy. Tay liên tục đảo đến khi gừng thấm đường khô, trắng dần thì đặt chảo xuống, đổ ra mâm và nắn từng lát một cho thẳng. Mứt gừng Huế vốn thơm, cay hơn mứt các vùng vì được chế biến từ củ gừng Tuần. Gừng Tuần nhỏ, có vỏ màu vàng nhạt và dậy hương thơm, vị đậm đà”.
 
Mứt gừng là nghề truyền thống ở Kim Long. Thời hoàng kim, cứ độ Tết về, hàng trăm hộ dân lại nổi lửa làm mứt, cung cấp cho cả nước và đóng đi nước ngoài. Mứt làm ra không đủ cung ứng cho thị trường. Đêm đêm, những người buôn mứt chờ đợi, thức trắng để lấy hàng. Nhưng nay, hàng các nơi nhập về, giá rẻ hơn, mứt gừng Kim Long khó cạnh tranh. Dù không còn thịnh vượng như xưa, chị Nhạn vẫn quyết tâm giữ nghề, bởi nó gắn bó với chị như đã ăn sâu vào tiềm thức. Chị Nhạn kể: “Từ khi mứt gừng ở nhiều địa phương khác nhập về Huế, giá cả lại thấp hơn nên nhiều lò mứt không cạnh tranh nổi, phải bỏ nghề.
 
Quyết giữ lấy nghề, tui luôn cố gắng đảm bảo chất lượng, làm sao giữ được hương vị riêng của mứt Huế và tìm nhiều mối hàng để Tết nào cũng được làm mứt. Khi ế, mấy mẹ con mang đi bán lẻ ở các chợ. Với tôi, làm mứt không chỉ để kiếm tiền tiêu Tết mà còn là cách giữ gìn truyền thống của tổ tiên”.
 
Tần tảo với nghề
 
Từ ngày về làm dâu trong một gia đình có truyền thống mấy đời làm hoa giấy ở Thanh Tiên, chị Lê Thị Thanh Hải (Thanh Tiên, Phú Mậu, Phú Vang) bắt đầu học cách vót tre, tẩm màu, xếp, dán cánh hoa... 21 năm làm dâu, từng ấy thời gian chị gắn bó với nghề và yêu nó lúc nào chẳng biết. Nghề làm hoa giấy rất công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì. Nguyên liệu làm hoa được chuẩn bị từ mấy tháng mùa khô. Quanh năm vất vả với ruộng vườn, cứ đến tháng 7 âm lịch, chị lại cùng chồng lang thang khắp các bãi sắn để xoi ruột cây sắn làm búp hoa, chẻ tre phơi khô để khi uốn, cành không bị gãy. Tất cả đều được nhuộm màu, cất vào nơi khô ráo. Qua tháng 11 âm lịch, chị mua giấy và mang những nguyên liệu ấy ra kết hoa bán vào dịp Tết. Mỗi năm, gia đình chị làm khoảng 4 nghìn cành hoa giấy.
 
Chuẩn bị và làm mất mấy tháng trời, nhưng số tiền kiếm được khoảng 3 triệu đồng. Đôi tay thoăn thoắt xếp cánh hoa, chị Hải tâm sự: “Nghề ni chỉ lấy công làm lãi. Cặm cụi cắt dán từ 3 giờ sáng đến 10 giờ đêm chỉ được 60 cành. Ngồi cả ngày tê cứng người nhưng gắn bó đã lâu, không làm thì buồn lắm”.
 
Những năm gần đây, hoa giấy Thanh Tiên không còn giữ được vị thế độc tôn trong các nghi lễ thờ cúng và trang trí bàn thờ gia tiên của người dân xứ Huế. Thay vào đó, các loại hoa kẽm, hoa vải, hoa nhựa với mẫu mã đẹp, bền ngày càng chiếm ưu thế. Chị Hải cho hay: “Độ trước, đến dịp Tết, về Thanh Tiên sẽ nghe tiếng đục lách cách vang lên khắp xóm, nhưng nay chỉ còn 5 hộ làm. Bây giờ không có khách đặt hàng nữa. Mấy năm trước, hoa ế nên nhiều hộ phải đốt đi”.
 
Để giữ lấy nghề, chị Hải phải mang hoa đi tiêu thụ ở các chợ. Khoảng 15 tháng Chạp, chị lại lặng lẽ kết từng cây hoa thật lớn khoảng 400-500 cành. Rồi những cánh hoa đầy màu sắc này lại theo chị rong ruổi bán dạo khắp các phố chợ ở thành phố Huế, Hương Trà... Chị bộc bạch: “Nghề làm hoa giấy gắn bó với gia đình tui từ xưa. Vất vả, thu nhập chẳng đáng là bao, song tui vẫn tìm cách giữ lấy nghề truyền thống dân gian quý báu mà cha ông đã chọn. Tết đến, cứ loay hoay đục đẽo, cắt dán cũng vui. Chỉ mong vẫn có người mua thì tui quyết không bỏ nghề”.
 
Yêu nghề, nghề chẳng phụ
 
Xuất thân từ làng nón ở Phú Hồ (Phú Vang), chị Lê Thị Phụng được mẹ mình truyền nghề chằm nón từ lúc 7 tuổi. Lớn lên, lấy chồng và định cư ở Thủy Lương (Hương Thủy), chị vẫn mang theo nghề truyền thống của quê hương. Hơn 40 năm làm nghề, giờ chị trở thành người thợ khéo tay. Sản phẩm của chị được nhiều người dân địa phương ưa chuộng và đặt hàng. Theo chị, chằm nón là một nghề vất vả, cực nhọc. Để có được chiếc nón ưng ý đưa ra thị trường, người làm nón phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Công đoạn nào cũng đòi hỏi sự cần mẫn, khéo léo của đôi tay người thợ. Từ ủi lá, chọn khung, uốn vành, lợp lá, rồi đến chằm hoàn thiện chiếc nón và cuối cùng là đánh bóng bảo quản.

Công phu, nhọc nhằn là thế nhưng thu nhập chẳng đáng là bao. Dù khéo tay và chằm nhanh, ngồi riết trong một ngày đêm, chị Phụng cũng chỉ chằm được hai chiếc nón. Trừ chi phí, chị lãi từ 20-30 nghìn đồng. Thu nhập thấp, đầu ra bấp bênh, nhiều người thợ không còn mặn mà với nghề chằm nón. Không ít người đã lần lượt “treo khung từ nón”. Tuy nhiên, chị Phụng vẫn lạc quan và chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Tay vẫn say sưa với từng đường kim luồn qua kẽ lá, chị tâm sự: “Nghề chằm nón không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi ngày chỉ kiếm được vài chục ngàn, không đủ cho chi tiêu sinh hoạt trong gia đình nhưng làm nghề ni cũng có đồng vô đồng ra. Tui vẫn bám nghề bởi tui yêu thích và muốn duy trì sản phẩm truyền thống của quê hương. Thấy người mua yêu thích sản phẩm của mình, tui cũng hạnh phúc. Tui vẫn luôn tin rằng, cứ yêu nghề, nghề chẳng phụ công”.

Trang Hiền TTH

Ý kiến bạn đọc 0 bình luận
 
Gửi bình luận của bạn
(Bấm vào đây để nhận mã)
Gửi thông tin Nhập lại
 
 
                                

Bản quyền thuộc về:  Công ty cp Giáo dục và Đào tạo Hoàng Gia Quốc Tế
S
Ince 31-08-2010

Ban truyền thông quan hệ quốc tế - Hiệp hội làng nghề Việt Nam     

Phụ trách biên tập : Nhà báo Lê Kim Hoa       

Địa chỉ: T 16 Hàn Việt Tower- 348 Kim Ngưu, Q Hai Bà Trưng, Hà Nội

Văn phòng 1: Tầng 2 số nhà 5 ngách 82/3 Phố Yên Lãng - Quận Đống Đa - TP Hà Nội

Văn phòng 2: 489 Hoàng Quốc Việt tầng 03                                             

International royal education & training.,jsc                                                

Tel: 034.8560486  Hot line; 0929805137 Viber - zalo :0929805137 

Email: irecvietnam@gmail.com   : facebook: irecvietnam,  


 

59
Đang xem:
73.659.326
Tổng truy cập: